Bi kịch gia đình chân dài bạc mệnh ở Việt Nam

14/10/2015 10:19:20

Đã ba đời, gia đình nhà Trần Thị Láng nổi tiếng khắp tỉnh với chiều cao không ai đọ lại: Đối nghịch với chiều cao quá khổ ấy, hoàn cảnh gia đình này nghèo khó đến mức mẹ từng phải đi bán máu, con trai tự vẫn vì mặc cảm, con gái ế chồng phải bán mình cho một người Trung Quốc lấy 20 triệu cho cha mẹ.

Đã ba đời, gia đình nhà Trần Thị Láng (64 tuổi, ngụ xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) nổi tiếng khắp tỉnh với chiều cao không ai đọ lại: Đối nghịch với chiều cao quá khổ ấy, hoàn cảnh gia đình này nghèo khó đến mức mẹ từng phải đi bán máu, con trai tự vẫn vì mặc cảm, con gái ế chồng phải bán mình cho một người Trung Quốc lấy 20 triệu cho cha mẹ.

Ba đời “chân dài”

Con đường đê ven biển Bạc Liêu dẫn về xã Vĩnh Hậu A mùa này nắng như thiêu đốt. Những đầm nuôi tôm bên đường cạn trơ đáy, nứt nẻ. Một trong hàng trăm căn nhà lụp xụp ven đường là nơi vợ chồng bà Láng, ông Lê Văn Sụa (65 tuổi) và bốn con trai tá túc.

Người đàn bà cao lênh khênh nằm trên chiếc võng mắc góc nhà, hai chân dài thượt duỗi ra vì thiếu chỗ, phải chống dưới nền. Tay chân bà to, dài hơn người bình thường đến gần gấp đôi.
 

Ngôi nhà được cất bằng tiền các nhà hảo tâm úng hộ, đất do chính quyền xã cấp


“Tổng cộng vợ chồng tôi có tám đứa con, bốn đứa cao hơn mẹ. Hai con gái cao ngang 2m là Lê Thị Ánh Hồng (42 tuổi) và Lê Thị Bé Thu (26 tuổi). Hai con trai là Lê Văn Lắm (36 tuổi) và Lem đây thì trên 2,2m” bà Láng kể.

Theo bà Láng, gia đình bà có chiều cao “khủng” là do gien di truyền. Bà nội bà có chiều cao gần 2m, lấy được người chồng chừng hơn 1,6m. Cha bà Láng cũng cao hơn 2m. Bà còn có bảy anh em, trong đó bốn người cao thuộc dạng “khổng lồ”.

Bán máu lấy tiền nuôi con

Sở hữu chiều cao vượt trội có thể là mơ ước của nhiều người, nhưng với gia đình bà Láng thì đó là cơn ác mộng. Thực tế “chân dài” đã khiến họ gặp không ít khó khăn trong cuộc sống. “Mấy đời nay gia đình tôi đều cao như vậy, nên người dân địa phương cũng không còn thấy quá lạ. Nhưng mỗi khi gặp người lạ, họ lại trố mắt lên nhìn, hỏi đi hỏi lại “sao mà cao thế?” khiến chúng tôi ái ngại. Khổ nhất là việc đi mua quần áo, giày dép, đã mua cỡ lớn nhất vẫn ngắn hơn thân mình cả gang”, bà Láng nói.

Cũng vì chiều cao vượt trội nên chuyện tình duyên của bà cũng không gặp ít trắc trở. Cha mẹ thấy vậy nóng ruột, nhờ người mai mối kiếm chồng cho con. Cô gái đồng ý lấy chàng trai nghèo Lê Văn Sụa làm chồng. Ông Sụa cười nhớ lại: “Ban đầu thấy bà ấy cao quá tôi cũng tự ti, ái ngại. Mỗi khi ra đường mọi người lại cười trêu chọc gọi vợ chồng tôi là “hai chị em””.

Vợ chồng lấy nhau không “tấc đất cắm dùi”, không nghề ngỗng gì, chỉ còn cách đi làm mướn, kiếm tiền mua gạo. Sinh đến đứa con thứ tư thì kinh tế khánh kiệt, đến gạo cũng không có ăn. Biết là càng sinh con tiếp càng khổ, nhưng trình độ thấp, lại không biết các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, vì vậy họ sinh đến đứa thứ 8.

Người đàn bà giãi bày: “Thời ấy còn khỏe, nghĩ đi bán chút máu lấy tiền thì chẳng nhằm nhò gì tới sức khỏe. Bác sĩ quy định hai tháng mới bán được một lần, nhưng quá cần tiền nên tháng nào tôi cũng đi bán.”.
 

Bà Láng cao trên 2m, người con trai thứ năm thì cao trên 2,2m

Tám người con của vợ chồng bà dần trưởng thành trong thiếu thốn, cơ cực. Bốn người con hai trai, hai gái thì mang chiều cao vượt trội như mẹ. Bốn người còn lại chỉ cao khoảng 1,7m như người bình thường. Bốn người con gái nay đã lập gia đình, còn bốn người con trai vẫn lủi thủi một mình.

Tương lai của những người con cũng chẳng khấm khá, tươi sáng hơn cha mẹ là mấy, nhất là những người có chiều cao quá khổ. Người mẹ giọng run run nhắc đến cô con gái đầu lòng bà từng phải đem cho vì sinh ra “khác người”: “Lúc sinh ra, tay chân nó dài lắm, nghe người ta xúi phải cho con đi không thì xui xẻo. Vợ chồng tôi không biết là thật hay đùa, nhưng vẫn dại dột nghe theo ,cho một gia đình trong huyện. Đến năm 24 tuổi, nó tìm về với vợ chồng tôi. Nó là đứa duy nhất trong nhà được đi học đến hết cấp Ba”.

Tự vẫn vì mặc cảm chiều cao quá khổ

Tiếp đến là người con trai thứ tư tên Lê Văn Lắm (32 tuổi) cao trên 2,2m. Do anh có thân hình lực lưỡng, các gánh hát địa phương thường thuê anh để thu hút khán giả. Đi diễn nhiều tỉnh miền Tây, có vài lần khán giả thấy lạ, buông lời trêu chọc, khiến anh tự ái.

Buồn vì thân hình “khác người’ của mình, có lần anh đã tìm cách tự tử, may sao được mọi người phát hiện cứu sống. Song càng ngày anh càng có nhiều biểu hiện của người mắc bệnh tâm thần.

Anh Lê Văn Lem là con trai thứ năm của bà, từng yêu một cô gái ở xã Vĩnh Hưng. Thấy anh to cao khỏe mạnh gấp đôi người bình thường, gia đình cô gái hứa sẽ chấp thuận nhận làm con rể với điều kiện phải trải qua ba năm chịu làm công cho nhà họ.

Sau ba năm làm quần quật, anh Lem vui mừng, nhắn gia đình vay mượn mang lễ vật tới cầu hôn, nhưng gia đình nhà gái lại đổi ý không chấp thuận. Thất vọng, oán hận, chàng trai bỏ về quê, rồi theo ghe tàu biền biệt ngoài biển, lâu lâu mới vào bờ ghé thăm nhà.

Lo hết đứa con này chưa yên lòng, vợ chồng bà lại quay qua lo cho đứa khác. Cô con gái út có chiều cao gần 2m, cuộc đời cũng lận đận không kém anh chị. “Năm vừa rồi có người quen giới thiệu vợ chồng tôi gả con gái út lấy chồng Trung Quốc thì sẽ được 20 triệu trả nợ. Chúng tôi đắn đo dữ lắm, nhưng con út nó thấy ba mẹ khổ nên đã đồng ý”.

Nói rồi bà nghẹn ngào: “Đời người hạnh phúc nhất là lúc cưới chồng, thế mà nó không đồng ý cho ba mẹ tổ chức dù chỉ vài mâm cỗ. Nó gói ghém vài bộ quần áo cũ, rồi cứ thế đi làm vợ người ta. Số tiền 20 triệu tôi đem đi trả nợ nhưng chỉ trả được tiền lãi, tiền gốc vẫn còn nguyên”.

Người đàn bà mệt mỏi tâm sự tiếp: “Người ta ai cũng ao ước có được thân hình cao ráo dễ nhìn, nhưng gia đình tôi cao quá lại khổ, nghèo khó từ đời này qua đời khác. Bây giờ thấy các cháu ngoại không thấy đứa nào chân tay dài lòng khòng tôi rất mừng, hi vọng sau này chúng sẽ không phải khổ như ông bà, cha mẹ”.
 
>> Bi kịch của một gái "bán hoa" hết "đát"
>> Ghê rợn hủ tục hành hình những cặp đôi "ăn cơm trước kẻng"

Theo Hoàng Dung - Hoàng Giang (Pháp Luật Việt Nam)

Nổi bật