Bi hài chuyện tài xế 'ma men' giở trò 'nhây' với CSGT

03/12/2020 07:23:50

Theo đánh giá của lực lượng chức năng, do các tài xế thường chây ỳ, bất hợp tác nên trung bình để xử lý một trường hợp vi phạm nồng độ cồn phải mất 2 tiếng. Để tồn tại tình trạng này, một phần do CSGT giải quyết vi phạm có tâm lý "ngại va chạm", nhất là khi có yếu tố kéo bè, quay clip gây áp lực…

Theo chân CSGT ngăn chặn "ma men" tham gia giao thông

Đêm muộn cuối tháng 11/2020, PV Báo Gia đình & Xã hội theo chân Tổ công tác Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn tại khu vực ngã ba Nguyễn Văn Lộc - Trần Phú (quận Hà Đông).

Phát hiện ô tô BKS 30F - 130.xx dừng chờ đèn đỏ nhưng khi đèn chuyển xanh vẫn không di chuyển, Thiếu tá Nguyễn Quốc Đạt, Tổ trưởng Tổ công tác tiến tới kiểm tra thì phát hiện nam tài xế đang… gục đầu ngủ ở vô lăng.

Bi hài chuyện tài xế 'ma men' giở trò 'nhây' với CSGT
Tổ công tác Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Hà Nội) niêm phong phương tiện của tài xế say rượu bất hợp tác.

Thiếu tá Đạt nhiều lần gõ cửa nhưng phải sau 15 phút, tài xế mới xuống xe và không chấp hành đo nồng độ cồn theo yêu cầu, đồng thời bỏ đi. Tổ công tác đã gọi lực lượng Công an phường hỗ trợ, gọi xe cẩu, người làm chứng rồi tiến hành niêm phong phương tiện đưa về bãi tạm giữ.

Còn tại tuyến Quốc lộ 21B qua địa bàn phường Phú Lương, Tổ công tác Đội CSGT số 10 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) phát hiện tài xế điều khiển ô tô BKS 30E - 488xx có kết quả nồng độ cồn 0,291 miligam/lít khí thở. Tuy nhiên, nam tài xế với giọng nói lè nhè nhất định không ký vào phiếu kiểm tra nồng độ cồn. Sau một thời gian khá dài thuyết phục, người này mới chịu ngồi lên xe để CSGT đưa về bãi tạm giữ. Quy trình lập biên bản xử phạt, tạm giữ phương tiện với trường hợp trên kéo dài hơn 3 tiếng.

Một số tài xế khác khi bị kiểm tra nồng độ cồn cũng liên tục phân bua rằng mình không say rượu. Có lái xe sau khi bị kiểm tra vượt quá nồng độ cồn còn nằng nặc đòi tha để lấy xe về mai còn đi làm kẻo… vợ mắng.

Bi hài chuyện tài xế 'ma men' giở trò 'nhây' với CSGT - 1
Lực lượng CSGT kiểm tra nồng độ cồn một tài xế có biểu hiện say rượu. Ảnh: PV

Trung tá Vũ Kiên Cường, Đội CSGT số 10 cho biết, với các trường hợp người vi phạm bỏ đi, bất hợp tác, Tổ công tác sẽ mời công an địa bàn, người làm chứng rồi lập biên bản, xác minh chủ phương tiện qua giấy đăng ký xe để gửi giấy mời lên làm việc và xử lý. Các trường hợp này đều bị phạt kịch khung để răn đe.

Trước đó, Tổ công tác đặc biệt Y21/141 Công an TP Hà Nội cũng phải "trầy trật" nhiều giờ đồng hồ để kiểm tra và xử phạt tài xế ô tô BKS 30G-165.xx có biểu hiện say rượu đang lưu thông khu vực Trần Phú- Đại An (Hà Đông).

Khi Tổ công tác yêu cầu kiểm tra đo nồng độ cồn nhưng người này chỉ ngậm ống chứ không thổi và liên tục nói mình là cán bộ công chức TP Hà Nội. "Phải gần 1 tiếng sau, người này mới chịu thổi. Kết quả, người này vi phạm khi có nồng độ cồn là 0,439 miligam/lít khí thở vượt quá mức cho phép. Với vi phạm trên, tài xế sẽ bị phạt tiền 35 triệu đồng, tước GPLX 23 tháng và tạm giữ ô tô 7 ngày theo quy định", Trung tá Nguyễn Đức Huấn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt Y21/141 chia sẻ.

Cũng theo ghi nhận của phóng viên, rất nhiều tài xế "ma men" khi bị lực lượng chức năng kiểm tra thường thổi vào ống kiểm tra nồng độ cồn kiểu chống đối, gọi người thân hỗ trợ và khi không xin được, có người nhất quyết không ký biên bản. Thậm chí, có người mang máy điện thoại ra quay cảnh xử lý vi phạm của Tổ công tác nhằm mục đích xem CSGT có làm đúng quy trình hay không...

Xem xét hình sự hóa hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe

Bi hài chuyện tài xế 'ma men' giở trò 'nhây' với CSGT - 2
Bị lực lượng chức năng kiểm tra, tài xế có biểu hiện say rượu còn rút điện thoại ra quay hình CSGT.

Theo thông tin từ Cục CSGT (Bộ Công an), chỉ trong tháng 11/2020, lực lượng CSGT toàn quốc đã phát hiện 13.046 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. Còn theo thống kê 11 tháng năm 2020, lực lượng CSGT đã xử lý hơn 156.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Trong đó, nhiều tài xế chây ì, bất hợp tác, chậm hợp tác... khiến công tác xử lý vi phạm của CSGT gặp nhiều khó khăn. "Trung bình để xử lý một trường hợp phải mất 2 tiếng, tức CSGT phải mất hơn 300.000 giờ/năm chỉ để xử lý vi phạm này. Bên cạnh đó, khi xử lý một trường hợp vi phạm nồng độ cồn phải có 5 cán bộ thực hiện, trung bình mất gần 1,6 triệu lượt cán bộ xử lý nồng độ cồn trong một năm", Đại tá Đỗ Thanh Bình, Cục phó Cục CSGT (Bộ Công an) cho hay.

Nhìn nhận từ thực tế tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng bia rượu có chiều hướng gia tăng, nhất là dịp cuối năm, trong khi đó rất nhiều tài xế thường xuyên chống đối lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ, nguyên cán bộ Phòng CSGT Công an TP Hà Nội cho rằng, để tồn tại tình trạng này, một phần do CSGT khi giải quyết vi phạm có tâm lý "ngại", "sợ", nhất là khi có yếu tố kéo bè, đám đông, quay clip. "Do vậy cần tăng thêm quyền hạn cho lực lượng CSGT, đồng thời việc xử lý phải mạnh, kiên quyết và dứt khoát", Thượng tá Quỹ nhấn mạnh.

TS Trần Hữu Minh, Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cũng cho biết, trên thế giới, nhiều nước xử lý hành vi này rất nặng, lập tức bị trấn áp ngay, không cho phép tài xế cứ ngồi lỳ trong xe cố thủ và thậm chí những tài xế này còn bị xử lý hình sự. Chúng ta vẫn có quy trình xử lý hành vi không chấp hành yêu cầu của lực lượng thực thi pháp luật nhưng chưa đủ mạnh.

"Chúng ta cần tham khảo luật pháp quốc tế và phải luật hóa được quyền hạn của lực lượng chức năng sao cho nhanh, mạnh nhất. Bởi hành vi không chấp hành yêu cầu của lực lượng thực thi pháp luật chính là hành vi thách thức và coi thường pháp luật. Chúng ta cần quy định cụ thể thời hạn tối đa xử lý một trường hợp vi phạm giao thông, nếu quá thời gian quy định là cưỡng chế. Chứ để tài xế vi phạm nồng độ cồn cố thủ trong xe 4 tiếng, cảnh sát cũng chờ cả 4 tiếng thì hiệu lực thực thi pháp luật rất thấp", ông Minh nói.

Ông Phạm Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm hợp tác, đào tạo bồi dưỡng (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, Nghị định 100/2019 của Chính phủ khi ra đời đã có những tác động lớn tới nhận thức của xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn những nhóm đối tượng là thanh niên thường xuyên tham gia giao thông và có sử dụng rượu bia gây ra nhiều vụ TNGT. Những phương tiện này là do phụ huynh đầu tư, nếu bị CSGT xử phạt thì cũng do bố mẹ trả tiền, thậm chí phương tiện đó cũng do bố mẹ gánh chịu, còn bản thân người đó không phải chịu trách nhiệm. Điều đó có nghĩa, tính răn đe của pháp luật vẫn chưa có sự bao phủ toàn diện.

Các chuyên gia cũng kiến nghị, để tránh "nhờn luật", cơ quan chức năng nên xem xét hình sự hóa hành vi sử dụng rượu bia khi lái xe, tức là chưa cần gây ra tai nạn thì đã có thể xử lý hình sự. Bên cạnh đó thì tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, siết chặt việc tuần tra kiểm soát để kịp thời phát hiện các vi phạm về nồng độ cồn.

Khởi tố nam thanh niên say rượu tông bà bầu 8 tháng sẩy thai

Cơ quan CSĐT Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Đào Quang Ngọc (SN 1990, trú huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ quy định tại khoản 2, Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Trước đó, đêm 13/6, Đào Quang Ngọc lái xe máy chở theo 2 người bạn chạy hướng Ngã Tư Sở đi Hà Đông rồi tông vào anh Phạm Thành Luân (SN 1994) cùng vợ là chị Hoàng Phương Mỹ Linh (SN 1996, mang thai ở tuần thứ 34) đang đi bộ qua đường Nguyễn Trãi. Vụ tai nạn khiến anh Luân gãy xương hàm, chị Linh gãy chân phải và bị thương tích nhiều nơi trên cơ thể, thai nhi 34 tuần tuổi bị sinh non và qua đời sau đó.

Ngay sau vụ tai nạn, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và kết quả, tài xế Ngọc có nồng độ cồn 6,1 miligam/lít khí thở, cao gấp hơn 15 lần mức phạt tối đa hiện nay.

Theo Nhóm phóng viên (Giadinh.net.vn)