Bỏ tiền tỷ để mua chung cư ở, những tưởng sẽ được hưởng tiện ích hơn hẳn nhà mặt đất thế nhưng cũng có những nỗi khổ không kém phần ám ảnh đó là văn hóa, cách cư xử lẫn nhau giữa các cư dân trong tòa nhà. Đơn giản nhất là văn hóa đi thang máy.
Chuyện tưởng chẳng có gì to tát thế mà cũng khiến nhiều hàng xóm xô xát thậm chí đánh chửi nhau vì mâu thuẫn trong cách hành xử. Chị Huyền (cư dân một chung cư tại Hà Đông – Hà Nội) bức xúc kể: “Nhà tôi ở tầng 10, mà mỗi lần đi làm, đầu như muốn bốc hỏa vì phải chờ đợi thang máy. Thế mà cứ trưa, chiều, tối lại thấy các mẹ, các bà rong con đi chơi với bát cháo, bình sữa bên cạnh. Có bà cho cháu bấm sáng hết tất cả các phím trong thang máy để cháu nghe tiếng “ting ting” mà ăn cho ngon miệng. Lại chưa kể nhiều cô, bác chiếm dụng thang máy để đi giao hàng bán đồ ăn cho mọi người khiến thang máy không ít lần bị “treo” vì quá tải. Thật không có từ nào để diễn tả!”.
Văn hóa đi thang máy tưởng là chuyện đơn giản nhưng lại khiến nhiều người bức xúc, ám ảnh. |
Chị Huyền bức xúc cho biết, thời gian đầu khi tòa nhà chị ở mới đi vào vận hành, việc quản lý còn chưa quy củ, nhiều người ý thức kém, còn khạc nhổ, bôi “gỉ mũi” và vứt rác bừa bãi trong cabin thang: “Có lần, đang giờ tan tầm đi làm về, gần chục người ních trong thang máy. Đã ngộp thở thì chớ mà một ông chẳng hiểu suy nghĩ gì, quay mặt vào trong, xỉ ra một đống đờm mũi, rồi lại lấy gót giày di di trên nền…. Tôi phải cố nín nhịn để không nôn ọe trước cảnh tượng kinh hoàng đó”, chị Huyền nhớ lại.
Chị V. cư dân chung cư Linh Đàm bị người hàng xóm đánh trầy xước chỉ vì nhắc nhở việc giữ gìn ý thức trong thang máy. |
Cũng vì sự thiếu ý thức này, mà một thời gian dài chị Huyền cho biết mình bị ám ảnh việc đi thang máy đến nỗi thường chọn cách leo thang bộ để đỡ phải ức chế! Về sau, trước quá nhiều ý kiến của cư dân, chung cư này đã phải lắp đặt thêm camera đồng thời quy định mức phạt với những hành vi thiếu ý thức thì tình trạng này mới giảm đi ít nhiều.
Tương tự, tại một chung cư được xếp vào loại hiện đại ở Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), cư dân nơi đây cùng từng phải đau đầu để tìm ra hung thủ thường xuyên tiểu tiện ra thang máy. Chuyện là, một người đàn ông của tòa nhà thường hay đi uống rượu về đêm, khổ nỗi mỗi lần say là người này lại thản nhiên tè bậy ra thang máy vì tưởng là nhà vệ sinh công cộng! Lại cũng có trường hợp, mẹ đón con 2 tuổi đi học về, đòi đi vệ sinh, người mẹ cũng chiều lòng “xi” con luôn trong cabin thang.
Một người dân đỗ xe dưới chân lối ra vào thang máy ở hầm gửi xe tòa nhà. |
Điều đáng nói là có người ý thức, được nhắc nhở thì tiếp thu rút kinh nghiệm để không tái phạm lần sau nhưng cũng không ít trường hợp còn quay lại thách thức, dọa dẫm mọi người. Thế mới có câu chuyện bi hài, từng gây xôn xao dư luận xảy ra mới đây ở chung cư Linh Đàm (Hà Nội).
Chỉ vì nhắc nhở hàng xóm không nên khạc nhổ bừa bãi trong thang máy, chị V. đã bị hai vợ chồng người này lao vào đánh đấm túi bụi đến trầy xước cả chân tay. Sự việc trở lên căng thẳng và trầm trọng đến nỗi hai bên phải mời cơ quan công an vào giải quyết. Về sau, dù hai bên gia đình đã được tiến hành hòa giải, xin lỗi thế nhưng chắc chắn tình làng nghĩa xóm thì chẳng thể nào cứu vãn nổi!
Một nhà cãi nhau… cả tầng "chịu trận"
Trong khi đó, anh Nam (cư dân một chung cư ở Hoàng Mai - Hà Nội) lại chia sẻ, vấn đề khiến anh đau đầu nhất khi ở chung cư lại là: cách cư xử của nhà hàng xóm bên cạnh.
Sàn nhà anh có một đôi vợ chồng làm nghề kinh doanh bất động sản. Bình thường không sao nhưng mỗi lần vợ chồng này lục đục là các nhà bên cạnh lại được một phen tá hỏa: “Có hôm giữa đêm khuya, tự nhiên có tiếng thất thanh kêu cứu, gào khóc ing ỏi. Mấy nhà bên cạnh tưởng có chuyện gì nghiêm trọng xô cửa xông vào thì hóa ra cô vợ đọc được tin nhắn của ai gửi đến cho chồng, rồi lăn đùng ngã ngửa ra ăn vạ. Lần khác, chẳng hiểu vợ chồng mâu thuẫn nhau kiểu gì mà quần áo, cây cảnh của chồng, cô ấy ném hết qua lô gia căn nhà.
Đó là chưa kể bao nhiêu từ ngữ tục tĩu, vô văn hóa nhất cũng được hai vợ chồng “xả ra” với nhau. Lần nào góp ý cũng vâng dạ, sửa chữa nhưng cứ năm bữa, nửa tháng lại đâu vào đó. Đến nỗi mỗi khi nhà này cãi nhau, các nhà bên cạnh đành phải đóng cửa, bật nhạc hoặc chọn cách đi chơi cho… nhẹ đầu”, anh Nam ngán ngẩm.
Nói về chuyện vợ chồng to tiếng ảnh hưởng đến hàng xóm, chị Huyền, cư dân một chung cư ở Hà Đông – Hà Nội cũng cho biết, tòa nhà chị nhiều lần được chứng kiến những câu chuyện đầy bi hài về vấn đề này. Có đêm cả tòa nhà đang yên giấc bỗng giật mình bởi những tiếng bước chân huỳnh huỵch chạy xuống cầu thang bộ, kèm theo đó là những tiếng “dọa giết”, “dọa đánh”. Nhiều người tưởng trộm, hò nhau cùng đuổi thế nhưng về sau mới “té ngửa” khi biết đó chỉ là câu chuyện của đôi vợ chồng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”.
Hay có trường hợp, đôi vợ chồng nhà nọ, ban ngày không sao nhưng cứ nửa đêm lại giở chứng gây chuyện. Tiếng dậm chân bình bịch, tiếng bát đũa loảng xoảng… khiến các nhà bên dưới cũng được một đêm thao thức vì mất ngủ! “Nói chung vợ chồng nào cũng có lúc này lúc kia, thế nhưng nên cư xử làm sao để khỏi ảnh hưởng đến hàng xóm và môi trường tập thể chung. Một vài lần còn tạm chấp nhận được chứ nhiều lần quá không khó chịu và bực mình mới là lạ”, chị Huyền nói.
Theo Hà Trang (Dân Trí)