Bi hài: Bệnh viện mất nước sạch, mang nước lọc “làm quà” thăm sản phụ

01/10/2015 09:48:38

Mấy ngày qua, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội mất nước sạch do sự cố vỡ đường ống nước sạch sông Đà lần thứ 15. Bi hài nhất trong đợt mất nước lần này đó là câu chuyện mua nước để… “làm quà” thăm sản phụ.

Mấy ngày qua, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội mất nước sạch do sự cố vỡ đường ống nước sạch sông Đà lần thứ 15. Bi hài nhất trong đợt mất nước lần này đó là câu chuyện mua nước để… “làm quà” thăm sản phụ.

Đến Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội những ngày này, chúng tôi mới thấu hiểu hết được nỗi cực khổ của những sản phụ và người nhà khi bệnh viện này vừa trải qua mấy ngày thiếu nước trầm trọng. Thậm chí có sản phụ phải "nhịn đẻ" vì mất nước sạch.

Chiều 29/9, bể trữ nước hơn 400 khối đã cạn kiệt, bệnh viện phải mua 2 xe nước song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Sự cố mất nước khiến công tác cấp cứu, khám chữa và điều trị tại bệnh viện bị ảnh hưởng. Lãnh đạo bệnh viện phải báo cáo lên Sở Y tế TP. Hà Nội nhờ hỗ trợ.
 
 
 

Cảnh sản phụ và người nhà chạy vạy, mong ngóng có nước để sinh hoạt. Ảnh: Doãn Tuấn

Có mặt tại bệnh Khoa sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội) tối ngày 30/9, tình trạng thiếu nước đã cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, khi kể lại về mấy ngày mất nước sạch vừa qua, nhiều sản phụ vẫn bày tỏ đó là “kỳ nghỉ đẻ nhớ đời khi phải nhịn đẻ, nhịn sinh hoạt… vì thiếu nước”.

Trò chuyện với chúng tôi, bà Ngô Thị Hợi (57 tuổi, ở Thường Tín, Hà Nội) lên chăm con gái sinh vui mừng khi trưa cùng ngày nhiều phòng cũng đã có nước để sinh hoạt. Bà Hợi cho biết, chị Hằng (con gái bà) sinh con đúng vào ngày bệnh viện bị mất nước sạch.

“Mấy ngày qua, nghĩ đến cảnh bệnh viện mất nước sạch, tôi vô cùng lo lắng, nước sinh hoạt không có, tất cả phải mua nước đóng chai mang vào và lấy nước đó lau rửa mặt tiết kiệm, người nhà không dám tắm mà chỉ dùng khăn ướt lau qua người”, bà Hợi nói.
 

Nhiều người nhà cho biết, mất nước khiến việc sinh hoạt trong bệnh viện gặp không ít khó khăn. Ảnh: Doãn Tuấn

Nhiều sản phụ cho biết "Đây là kỳ nghỉ sinh nhớ đời không bao giờ quên được vì mất nước". Ảnh: Doãn Tuấn

Người đàn ông này hạnh phúc chào đón đứa con ra đời trong ngày bệnh viện mất nước. Ảnh: Doãn Tuấn


Ngồi chăm con bên cạnh, chị Hằng cho biết: “Đây là kỷ nghỉ đẻ nhớ đời của tôi. Sinh con trong cảnh bệnh viện mất nước, thời tiết oi nóng vô cùng khó chịu khi nước là nhu cầu thiết yếu của mọi người, mua nước đóng chai dùng thì không biết mấy cho đủ”.
 

Nhìn vợ chăm bẵm đứa con mới chào đời anh Minh cho biết sau này sẽ kể với con về cái ngày này. Ảnh: Định Nguyễn

Anh Thái Đức Minh (quê Hưng Yên) đi chăm vợ đẻ thật thà tâm sự: “Nghĩ cảnh chăm vợ sinh không có nước không gì khổ bằng, mình thì nhịn tắm giặt không sao nhưng vợ tôi nghĩ cảnh không có nước lau rửa tôi cũng thấy sợ. Chắc sau này con lớn tôi sẽ kể để con cái nhớ về cái ngày này”.

Mua nước để ...“làm quà” thăm sản phụ đẻ
 
Nhiều người mua nước "làm quà" vào thăm sản phụ. Ảnh: Doãn Tuấn

Ở đâu cũng thấy người dân để chai nước lọc bên cạnh. Ảnh: Định Nguyễn

Có lẽ cảnh bi hài nhất khi đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đó là việc nhiều người đi thăm sản phụ đẻ không quên mang theo chai nước “làm quà”. Bà  Lê Thị Hồng (61 tuổi, ở huyện Thạch Thất) lên bệnh viện thăm con không quên mang theo bình nước lọc 5 lít để cho con lau rửa.

“Tôi nghe con gái bảo bệnh viện bị mất nước sạch nên nước dùng vô cùng hạn chế. Nghĩ mất nước sạch thì khổ lắm nhất là thời tiết oi nóng thế này, con gái cũng bảo mẹ không phải mua gì cả khi nào vào viện thì mua cho con bình nước để con rửa mặt, sinh hoạt nghĩ mà vừa buồn cười nhưng lại vừa thương con, sinh cháu đã khổ rồi lại sinh trong lúc thiếu nước”, bà Hồng thật thà nói.
 

Chị Thắm (cầm quạt) mong sớm sinh con để được về nhà. Ảnh: Định Nguyễn

Chị Thắm quê (ở Bắc Ninh) lên viện được mấy ngày nay vẫn đang chờ đợi được mổ. Chị cho biết, nhìn cảnh các sản phụ khác sinh trong ngày mất nước bản thân chị cũng tỏ ra vô cùng lo lắng và ái ngại.

“Tính theo lịch tôi quá mấy ngày rồi mà vẫn chưa sinh được, bản thân vô cùng lo lắng, chỉ mong sao sinh sớm để được về nhà, ở đây mất nước bất tiện lắm.  Khổ nhất là một số sản phụ mới sinh không đi lại được trong khi nước thì không có”, chị Thắm nói.

Liên quan đến tình trạng mất nước, TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, do thiếu nước bệnh viện phải dừng tất cả các ca mổ chủ động, chỉ ưu tiên mổ cấp cứu. Nhiều ca mổ cấp cứu có nguy cơ bị nhiễm trùng cao vì thiếu nước sạch.
 

Nhiều người tấp nập đi mua nước sinh hoạt. Ảnh: Định Nguyễn

Ngày 30/9, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng có văn bản khẩn thiết đề nghị xí nghiệp, Công ty kinh doanh nước sạch Hà Nội sớm khắc phục tình trạng thiếu nước đồng thời có kế hoạch ưu tiên cung cấp nước cho bệnh viện đủ nước thường xuyên và liên tục trong cả năm vì sự an toàn của sản phụ và trẻ sơ sinh.

Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là bệnh viện chuyên khoa hạng 1 của thành phố Hà Nội trong lĩnh vực sản khoa với trên 1.000 cán bộ. Mỗi ngày bệnh viện có hơn 1.000 lượt người đến khám chữa bệnh, xét nghiệm siêu âm, 600 bệnh nhân và gần 400 bé sơ sinh ra đời, thêm cả người nhà đi theo phục vụ thì số lượng lên tới hàng nghìn người. Lượng nước đủ để phục toàn bệnh viện lên tới 300-400 khối mỗi ngày.

Ông Đào Quang Minh - Phó Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đống Đa, đơn vị cung cấp nước cho Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho hay, hằng ngày, đơn vị cung cấp nước với lưu lượng khoảng 116.000m3/ngày đêm cho các hộ dân trên địa bàn quận Đống Đa, trong đó, nhà máy nước Sông Đà cấp cho xí nghiệp khoảng 25.000m3/ngày đêm.
 

Văn bản xí nghiệp kinh doanh nước sạch Đống Đa gửi Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội và một số phường bị mất nước. Ảnh: Định Nguyễn

Ngày 26/9, lại vỡ đường ống nước Sông Đà lần thứ 15. Sau 4 ngày, Công ty nước sạch Vinaconex mới cấp nước trở lại cho xí nghiệp. Thời gian cấp khoảng 10 tiếng/1 ngày (từ 23h hôm trước đến 9h sáng hôm sau). Do vậy, khu vực ngõ 1194, 850 đường Láng; 102 Pháo Đài Láng; khu tập thể Khí tượng đường Nguyễn Chí Thanh; Bệnh viện Phụ sản Hà Nội bị thiếu nước.

“Do phía đơn vị bán nước (Công ty nước sạch Vinaconex) cung cấp không đủ nước cho chúng tôi nên những khu vực trên bị thiếu nước sạch. Chúng tôi đã phải lấy nguồn nước giếng ngầm từ các xí nghiệp khác cấp luân phiên, chia sẻ cho khu vực dân cư thiếu nước, trong đó có Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Như vậy, nguồn nước hiện nay chỉ đạt khoảng 90% nhu cầu của người dân, thiếu 10% nguồn nước”, ông Minh cho hay.

Theo ông Minh, ngoài thiếu nguồn nước Sông Đà, khu vực Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nằm ở đường Đê La Thành, có địa hình cao, xa nguồn chính nên việc cấp nước gặp khó khăn.

“Tối 29/9, chúng tôi đã cử 10 công nhân xuống hiện trường, lắp đặt thêm máy 1 máy bơm (công suất 25m3/h) hút nước trực tiếp từ đường ống trên đường Đê La Thành vào bể dự trữ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Cũng trong ngày, công ty đã chở 3 xe téc nước xuống cấp cho Bệnh viện. Chúng tôi sẽ duy trì việc cấp nước bằng xe stec cho Bệnh viện đến khi nguồn nước Sông Đà ổn định trở lại”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, dự kiến đến hết ngày 1/10, nguồn nước Sông Đà cấp cho các đơn vị bán lẻ mới ổn định trở lại. Như vậy, khi đó Bệnh viện Phụ sản Hà Nội mới hết cảnh thiếu nước sạch.
 
>> Vợ hoãn sinh, chồng 3 ngày không tắm vì mất nước
>> Vỡ ống nhiều, giá nước vẫn tăng
>> Mất nước, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phải ngừng mổ
 
Theo Định Nguyễn (Kenh14.vn/Trí thức trẻ)

Nổi bật