Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ cho biết ngày 28/7 đã tiếp nhận bé N.H.Đ., 2 tuổi, trú tại xã Sông L, huyện Việt Trì. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đầu, mặt, ngực, bụng, tay và chân có nhiều vết bỏng. Trẻ kích thích, quấy khóc nhiều, thở nhanh, huyết áp tụt và không tiểu tiện được.
Gia đình cho biết, do thời tiết nắng nóng, người mẹ nấu một nồi chè đỗ đen, tuy nhiên bất cẩn không chú ý, bé Đ. với tay làm đổ nồi chè nóng vào người.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được điều trị chống sốc, truyền dịch, truyền albumin, truyền máu, thở oxy. Trẻ xuất hiện tình trạng sốt liên tục, được kết hợp sử dụng kháng sinh liều cao, giảm đau và nuôi dưỡng bằng đường tĩnh mạch.
Sau 9 ngày điều trị tích cực, mặc dù vẫn còn tình trạng sốt song khoảng cách giữa các cơn sốt ở trẻ đã giãn ra. Các tổn thương ở vị trí vết bỏng nông đã lên da non, các vị trí bỏng sâu độ 3A, 3B ở lưng, ngực và 2 đầu gối còn tiếp tục nhiễm trùng, chảy dịch vàng. Trẻ vẫn tiếp tục được duy trì thay băng bỏng hàng ngày.
Hiện tại, sau 16 ngày điều trị, trẻ tỉnh, ăn uống khá, đỡ đau hơn, ít quấy khóc, đại tiểu tiện bình thường và chỉ còn sốt nhẹ. Các vị trí bỏng sâu ở lưng và ngực còn chảy dịch, đang lên tổ chức hạt. Các vết bỏng ở trẻ đã lên da non, sức khỏe bệnh nhi đã tiến triển rất nhiều.
ThS.BS Dương Thị Hồng Ngọc, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ khuyến cáo phụ huynh cần giám sát trẻ cẩn thận, nhất là trong thời điểm trẻ được nghỉ hè hay nghỉ học do dịch bệnh.
Các bậc thềm, cầu thang ở các gia đình cần có lan can, tay vịn chắc chắn để phòng tránh trẻ té, ngã; các ổ điện cần phải có hệ thống chống giật, thiết kế cao ngoài tầm với trẻ nhỏ; tránh để trẻ chơi với lửa, các vật dụng sắc, nhọn; … Đối với các trẻ nhỏ, hãy đảm bảo trẻ luôn ở trong tầm mắt của mình bởi chỉ cần một phút lơ là có thể dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng.
Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)