Một chiều cuối năm, chúng tôi đã được ông Tạ Quang Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm cảm xạ học Việt Nam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng năng lượng cảm xạ Hải Phòng, mời đến "mục sở thị" những khả năng đi trên thủy tinh, than hồng rực 500 độ C hay như hút các đồ vật nặng trên 100 kg… của những học viên khóa 35-36 bộ môn cảm xạ học biểu diễn.
Lớp học "siêu nhiên"
Ba phiến đá với tổng trọng lượng 140 kg được gắn chặt lại, rồi 4 người đàn ông chung sức khiêng lên. Anh Nguyễn Ngọc Hưng (phường Cầu Đất, quận Ngô Quyền, Hải Phòng) tập trung tinh thần để từng bước cảm nhận đồ vật.
Phiến đá nặng từ từ dính chặt trên cơ thể anh Hưng mà anh không cần gồng mình hay vận sức, cũng không cần bất kỳ chất kết dính nào.
"Tôi đã khai thác khả năng này của mình thông qua bộ môn Cảm xạ học từ 10 năm nay. Phiến đá 140 kg mà một người bình thường không khiêng được, cần 4-5 người chung sức khiêng lên nhưng chỉ cần dùng phần ngực và bụng có thể dính chặt lại được" - anh Hưng chia sẻ.
Theo anh Hưng, anh và các học viên khác không tập luyện để hút đồ vật mà đó là khả năng của mình. Khi ứng dụng môn Cảm xạ học vào thực tế, anh có thể hút từ những vật nhỏ nhất như cái thìa, đĩa, điện thoại tới vật dụng thông thường là laptop, máy tính, mặt bàn... nâng dần trọng lượng lên 10, 20, 30 kg. Cách đó ít phút, anh Hưng từng thử sức với những phiến đá nặng 30 kg, 90 kg, 120 kg. Tất cả đều được anh dính hút và giữ chặt trên cơ thể 1-2 phút.
"Chúng tôi cũng thi đua với nhau xem ai dính hút được những vật nặng hơn. Có lẽ tới thời điểm này, 140 kg đang là nặng nhất" - anh Hưng cho hay.
Đặt chiếc đĩa lên trán, chị Phùng Thị Vân Anh (trú tại quận Lê Chân, Hải Phòng) nở nụ cười tươi. Mặc dù là nữ nhưng chị luôn mong ước một ngày dính hút được đồ vật như ông Tạ Quang Thanh.
"Mình phải cảm nhận được đồ vật và tự tin mới làm được. Sau khi tham gia buổi học đầu tiên ở lớp thầy Thanh, tôi về nhà tự tập luyện. Lần thứ nhất, thứ hai… đồ vật vẫn rơi tự do. Tôi không bỏ cuộc, tiếp tục luyện tập và đã thành công dính được điện thoại, 4 kích thước đĩa khác nhau" - chị Vân Anh nói.
Ông Tạ Quang Thanh chia sẻ ông bắt đầu đưa bộ môn Cảm xạ học về Hải Phòng giảng dạy từ năm 2008. Đến nay, qua 14 năm trung tâm đã đào tạo được hơn 1.500 học viên. Các học viên là thể là những sinh viên, công chức nhà nước, những ông bà cụ đã ngoài lục tuần đến những bạn trẻ không chỉ ở Hải Phòng mà từ Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương cũng lặn lội về đây tham gia khóa học.
Theo ông Tạ Quang Thanh, ngoài việc hút đồ vật, đi chân trần trên thủy tinh, than hồng ông còn khám phá ra 1 điều thú vị khác là có thể uống 4-5 lít nước vào bụng rồi lại nhả đủ số nước đã uống vào dạ dày qua miệng. Khi đưa nước ra ngoài, ông Thanh có thể chỉ huy được dạ dày co bóp, để vắt sạch nước. Đặc biệt hơn cả, ông có thể chuyển năng lượng qua lòng bàn tay để chữa các bệnh cho rất nhiều hàng xóm của mình bị rối loạn thần kinh, mất ngủ, hoặc đau lưng…
Tiềm ẩn những khả năng đặc biệt trong mỗi con người
Vị Phó Giám đốc Trung tâm cảm xạ học Việt Nam cho biết trong mỗi con người chúng ta đều tiềm ẩn những khả năng đặc biệt, tuy nhiên nếu không biết khai thác, vận dụng nó khả năng này sẽ dần mất đi.
Việc mở những lớp học cảm xạ không chỉ khơi dậy những tiềm năng trong mỗi con người, giúp họ các học viên nâng cao sức khoẻ, ngăn ngừa bệnh tật, tăng cường khả năng nhạy cảm để khai thác khả năng tiềm ẩn của bản thân để có lợi cho chính mình và còn giúp ích cho đời, cho người, cho thân tâm trong sáng mãi mãi…
Với sự chỉ dạy của ông Tạ Quang Thanh, bắt đầu khóa học, các học viên phải tập trung cao độ sử dụng con lắc giọt nước, đũa L và đũa Michael Trần Văn Ba. Không giống các lớp học bình thường, ở đây các học viên được đã nghe tiếng nhạc chầu văn, trống cơm và nhạc Trịnh Công Sơn để làm nền cho các bài tập tạo năng lượng, tăng đột biến trong cơ thể.
Đối với các học viên của bộ môn này, các thuật ngữ "Lắng nghe chính mình" hay "Biến điều không thể thành có thể" hoặc "đào tạo dị nhân"… không còn xa lạ… Vì thực tế, các chuyên gia cảm xạ học có thể "hô biến" cho hàng ngàn người cùng trở thành những người nam châm hút điện thoại di động trên trán, rồng rắn nối đuôi nhau đi chân trần trên thảm mảnh vỡ thủy tinh sắc nhọn, băng mình qua thảm lửa đỏ than hồng rừng rực 500 độ C hay có thể tự mình cảm nhận năng lượng chính mình và tự mình trò chuyện với hoa cỏ…
Ông Tạ Quang Thanh thông tin thêm, 36 khóa học với hơn 1.500 học viên từng được ông dạy, phần lớn họ đều có thể tự dính những chiếc thìa, chiếc đĩa, điện thoại… 1 số học viên xuất sắc, chịu khí luyện tập có thể hút được phiến đá nặng hơn 100 kg trên người.
"Việc đi trên than hồng 500 độ C, đi qua mảnh chai sắc nhọn không có gì là ghê gớm, chẳng qua là một kỹ thuật. Nếu đã được hướng dẫn và tự tin thực hiện thì ai cũng có thể làm được. Ở lớp cảm xạ học, trẻ con mới 10 tuổi cũng đã có thể đi được" - ông Thanh nói.
Bộ môn cảm xạ học tại Việt Nam bắt nguồn từ dự án của bác sĩ đông y Dư Quang Châu. Bác sĩ Châu từng có 5 năm (từ 1992-1996) theo học môn cảm xạ của Trung tâm Nghiên cứu y năng lượng tại Monaco - Pháp. Sau khi về nước, ông cùng một số cộng sự thực hiện chương trình "Việt Nam hóa" môn cảm xạ.
Dưới sự bảo trợ của Liên hiệp Khoa học Công nghệ tin học ứng dụng (UIA), đề tài nghiên cứu "Thực nghiệm dưỡng sinh năng lượng cảm xạ học" của ông đã ra đời. Ông Tạ Quang Thanh là một trong những học trò xuất sắc của bác sĩ Dư Quang Châu.
Theo bác sĩ Dư Quang Châu, năm 1998, lần đầu tiên ở Việt Nam, môn cảm xạ học chính thức được quan tâm. Tuy nhiên, khá nhiều người nghi ngờ, hoang mang về sự mập mờ giữa cái gọi là khoa học cảm xạ với sự mê tín dị đoan. Điều này đã thôi thúc bác sĩ Châu thành lập những lớp học cảm xạ để hướng dẫn mọi người cách sử dụng những nguồn năng lượng đặc biệt trong chính cơ thể mình.
Trong các khóa học của trung tâm, hàng trăm người đã đi trên than hồng mà không hề bị phỏng, thậm chí than hồng còn giúp lưu thông khí huyết trong cơ thể, có người khỏi bệnh nấm chân, chai gót, ra mồ hôi tay, hết được chứng lạnh sống lưng,… Cho nên việc đó không có gì là thần kỳ mà rất đơn giản.
Theo Trọng Đức (Nld.com.vn)