Bêu tên người mua, bán dâm để làm gì?

25/11/2015 10:47:19

Có nên công khai danh tính người mua dâm? Câu chuyện tưởng đã cũ nhưng lại được xới lên từ đề xuất của ngành lao động - thương binh & xã hội mới đây.

Có nên công khai danh tính người mua dâm? Câu chuyện tưởng đã cũ nhưng lại được xới lên từ đề xuất của ngành lao động - thương binh & xã hội mới đây.

Đề xuất này cho thấy phải chăng các biện pháp phòng ngừa, hạn chế mua bán dâm đã không phát huy hết hiệu quả, đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng bất lực trước tệ nạn này đang ngày một tăng?

Công khai danh tính người vi phạm: luật không quy định

Cho đến nay Luật hình sự Việt Nam không xem mua bán dâm là tội phạm, chỉ định tội đối với người tổ chức, môi giới (trừ trường hợp mua dâm người chưa thành niên).

Trước năm 2003, mua bán dâm cũng là hành vi “lơ lửng” về pháp luật, nhưng từ ngày 14-3-2003 khi pháp lệnh phòng chống mại dâm ra đời thì hành vi mua, bán dâm được quy định là vi phạm pháp luật hành chính.

Dù vậy, pháp lệnh phòng chống mại dâm cũng không có quy định phải nêu danh tính người mua và bán dâm mà nhấn mạnh trách nhiệm của cơ quan chức năng, lấy giáo dục và cảm hóa là chính bên cạnh biện pháp xử lý hành chính phạt tiền đối với người vi phạm.
 

Những cô gái trong đường dây mại dâm trái hình bị cơ quan chức năng bóc dỡ - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Tham chiếu với bộ luật gốc là Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân thì rõ ràng chúng ta không được luật cho phép công khai danh tính người vi phạm, kể cả người mua dâm lẫn người bán dâm.

Như vậy, đề xuất công khai danh tính người mua dâm được xem là biện pháp để phòng chống mại dâm. Những người làm luật gọi đây là biện pháp hỗ trợ pháp luật.

Chúng ta thử xem qua các biện pháp hỗ trợ pháp luật trong việc phòng chống mại dâm ở các nước ra sao.

Cũng như VN, phần lớn các quốc gia trên thế giới đều xem hành vi mua bán dâm là bất hợp pháp và bị xử phạt.

Một số nước như Na Uy và gần ta nhất là Hàn Quốc từng thử nghiệm đưa mại dâm vào kiểm soát để hạn chế, có nghĩa là “hợp pháp hóa” mại dâm nhưng rồi đều thất bại và sau đó quay lại hình thức cấm mại dâm, thậm chí có khi phạt tù giam người mua dâm.

Biện pháp phạt tù, phạt tiền, hạn chế quyền tự do đi lại… đối với người mua dâm cũng được áp dụng tương tự ở các nước khác.

Cần tăng nặng mức xử phạt người mua dâm

Từ năm 1999 chính quyền Thụy Điển đã đưa ra biện pháp mới để ngăn chặn mại dâm vốn là bất hợp pháp tại nước này.

Đó là thay vì xử lý gái bán dâm thì chính phủ sẽ xử phạt nặng những hành vi mua dâm, qua đó từng bước xóa bỏ tệ nạn mại dâm.

Biện pháp này thu được hiệu quả tốt và năm 2006, chính phủ Cộng hòa Ireland và chính phủ các nước châu Âu như Phần Lan, Anh đã học theo mô hình này và thu được kết quả đáng kể.

Rõ ràng là sau thời gian dài thử nghiệm nhiều mô hình phòng chống mại dâm, nhiều nước đã xác định chính người mua dâm đã tạo nên tệ nạn mại dâm, là cơ sở để các tổ chức tội ác phát triển, đặc biệt là buôn người.

Tuy nhiên dù có xử phạt nghiêm khắc người mua dâm thì cũng không nước nào áp dụng bêu tên người mua dâm vì điều này trái với quyền công dân và quyền con người được hiến pháp bảo hộ.

Nhưng các chính trị gia có thể bị nêu tên từ truyền thông mà không bị luật pháp giới hạn, trường hợp những người nổi tiếng như vận động viên, văn nghệ sĩ… cũng vậy.

Tổng hòa các yêu tố pháp luật, đạo đức, phong tục tập quán và dự kiến hậu quả xảy ra đối với bản thân, gia đình người mua dâm, thiết nghĩ không nên bêu tên người mua dâm và hạn chế tối đa việc bêu tên người bán dâm, trừ một số trường hợp đặc biệt vì lợi ích cộng đồng, an ninh quốc gia, y tế... mà pháp luật quy định.

Thực tế cho thấy tình hình mại dâm và các tổ chức tội ác kéo theo ở VN là nghiêm trọng, cần phải có biện pháp phòng chống hiệu quả.

Chúng ta có thể áp dụng mô hình mà các nước đã làm như hạn chế hành vi (cấm đi khỏi nơi cư trú có thời hạn), phạt tù (có liên quan đến việc sửa đổi một số điều của Bộ luật hình sự)...

Một biện pháp có thể áp dụng hiệu quả nữa là tăng mức phạt tiền đối với người mua dâm (mức phạt hiện nay từ 500.000 đồng đến 5 triệu đồng là chưa đủ sức răn đe).
 

Hoạt động mại dâm gia tăng

Theo Ủy ban Quốc gia về phòng chống mại dâm, trong 5 năm (2011-2015), đội kiểm tra liên ngành các cấp đã kiểm tra 121.536 lượt cơ sở kinh doanh dịch vụ; phát hiện 41.821 lượt cơ sở vi phạm; xử lý cảnh cáo 6.321 lượt cơ sở, phạt tiền 28.268 lượt cơ sở với tổng số tiền xử phạt gần 167 tỉ đồng.

Cơ quan chức năng đã đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh 1.412 cơ sở và 5.820 cơ sở bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung (tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng vi phạm; tịch thu số tiền vi phạm).

Lực lượng chức năng đã truy quét, triệt phá 5.751 vụ, ổ nhóm hoạt động mại dâm với 22.949 người vi phạm, gồm 9.545 người bán dâm; 8.108 người mua dâm; 5.072 đối tượng chủ chứa, môi giới và 224 người bán dâm dưới 18 tuổi (tăng 785 vụ với 5.555 người vi phạm so với giai đoạn 2006-2010).
 
>> Công khai danh tính người mua dâm thế nào?
>> Cân nhắc công khai danh tính người mua dâm 7.000 USD
>>  Nội đề xuất công khai danh tính người mua dâm
 
Theo Hoàng Linh (Tuổi Trẻ)

Nổi bật