Bão Molave với sức gió hơn cấp 13 đang áp sát bờ biển từ Quảng Nam đến Phú Yên. Gió mạnh, mưa lớn quật đổ nhiều cây cối, bảng hiệu. Hàng chục nghìn người dân phải đi sơ tán từ chiều qua.
Rút kinh nghiệm từ cơn "đại hồng thủy" vừa qua khiến nhiều bệnh viện tại Hà Tĩnh, Quảng Bình ngập sâu, các bệnh viện trong vùng có bão đã siết chặt công tác phòng chống lụt bão từ sớm để giảm thiệt hại về người và tài sản.
Bác sĩ Lương Tấn Đức, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, cho biết ban phòng chống bão lũ của bệnh viện đã triển khai các phương án điều trị, ăn uống cho người bệnh, ứng cứu bệnh nhân ở xa trước, trong và sau bão.
Từ chiều 27/10, bệnh viện đã bố trí cho bệnh nhân nhẹ trở về nhà. Hàng trăm bình nước dung tích 7 lít, 20 lít được chuẩn bị để bệnh nhân còn lại viện uống. Dầu cho máy phát điện công suất lớn cũng được dự trữ dùng cho toàn viện. Các nguồn điện máy điều hòa, điện hành lang, đèn đường đã được ngắt. Máy phát điện được ưu tiên cho các trường hợp cấp cứu, chụp phim, siêu âm, mổ đẻ.
Theo bác sĩ Đức, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam nằm trên đường quốc lộ nên chưa từng bị ngập. Tuy nhiên bệnh viện đã có kế hoạch di tản bệnh nhân và thiết bị lên cao nếu mưa lớn ngập lụt. Trong trường hợp xảy ra ngập lụt, bệnh viện liên hệ với chính quyền địa phương, công an, quân đội để hỗ trợ di tản bệnh nhân và thiết bị máy móc.
104 y bác sĩ, nhân viên được huy động đang túc trực tại bệnh viện. Ban phòng chống thiên tai 16 người, chia làm 3 nhóm bao gồm nhóm hậu cần, nhóm điều trị, nhóm trang thiết bị vật tư y tế. Đội cấp cứu ngoại viện có 78 người bao gồm 40 điều dưỡng, 38 bác sĩ. Ngoài ra còn tổ chức đội cấp cứu tại chỗ, đội phản ứng nhanh sẵn sàng ứng cứu cho những khu vực khẩn cấp.
"Hiện, bệnh viện bố trí bác sĩ trực 24/24, tập trung 100% năng lượng để chống bão. Người dân ở xa có thể liên hệ qua đường dây nóng, sẽ có đội y tế ứng cứu kịp thời", bác sĩ Đức nhấn mạnh.
Thành phố Quy Nhơn, Bình Định, chưa có mưa, gió giật rất mạnh. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hoành Cường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, cho biết bệnh viện đã chuẩn bị hoàn tất phương án chống bão lụt. Toàn bộ cây xanh cao trên 25 m trong khuôn viên đều được chặt tỉa, đồng thời gia cố cơ sở hạ tầng toàn bệnh viện.
Sáng 28/10, các cửa sổ, cửa ngoài bệnh viện được chằng néo bằng dây thép chắc chắn, khu vực có thấm dột nước đã sửa chữa. Tại tầng trệt, các trang thiết bị y tế nằm trong khu vực nguy cơ ngập lụt được di chuyển đến nơi an toàn. Thuốc men, đặc biệt là thuốc cấp cứu, vật tư y tế và thực phẩm, được bệnh viện dự trù đủ dùng trong ít nhất 7 ngày.
Ngoài ba máy phát điện công suất lớn sẵn có, bệnh viện đã thuê thêm hai máy khác, sử dụng trong trường hợp mất điện cục bộ. Do đó, 5 tòa nhà bệnh viện hiện đều có điện. Các ca mổ cấp cứu, bệnh nhân thở máy, chạy thận nhân tạo và mạng lưới công nghệ thông tin không bị gián đoạn. Riêng phòng cấp cứu, hệ thống máy siêu âm, CT-scan, X-quang đảm bảo hoạt động 24/24 giờ.
Bệnh viện có hơn 1.000 bệnh nhân nặng đang điều trị nội trú. Hôm qua, hơn 500 bệnh nhân nhẹ được cho xuất viện để giảm tải áp lực về con người tại bệnh viện.
Khoảng 800-1.000 nhân viên, y bác sĩ luân phiên túc trực tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định. Bác sĩ Cường cho biết nhân viên ở xa bệnh viện được sắp xếp ở nhà, tránh di chuyển mất an toàn. Riêng bộ phận cấp cứu, các khoa bệnh nặng, trực chiến chính.
Tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, các bệnh viện đang chạy đua thời gian để hạn chế rủi ro thấp nhất khi bão đổ bộ. Bệnh viện C Đà Nẵng huy động 50% nhân lực ở lại viện chống bão và phục vụ bệnh nhân. Các ca cấp cứu, xét nghiệm, chụp phim vẫn diễn ra bình thường, đảm bảo công tác điều trị cho người bệnh. Bệnh viện Đà Nẵng sẵn sàng máy phát điện, ưu tiên phục vụ cho phòng phẫu thuật hay khu vực đặc biệt như hồi sức cần máy thở, mổ cấp cứu.
Tại một số khu vực sơ tán dân, trạm y tế xã cũng chuẩn bị các loại thuốc hạ sốt, huyết áp, đau đầu, bông băng y tế... để kịp xử lý các trường hợp khẩn cấp.
Theo Thùy An - Anh Thư (Vnexpress.net)