Bệnh viện ở Hà Nội sẽ xử lý thế nào nếu có bệnh nhân nhiễm Mers?

10/06/2015 08:53:31

Với các bệnh nhân khi có dấu hiệu khả nghi bị nhiễm dịch bệnh MERS-CoV, bệnh viện sẽ tiến hành cách ly, khoanh vùng lấy mẫu bệnh phẩm xử lý qua máy tách chiết vật liệu di truyền và tiến hành xác định MERS-CoV.

Với các bệnh nhân khi có dấu hiệu khả nghi bị nhiễm dịch bệnh MERS-CoV, bệnh viện sẽ tiến hành cách ly, khoanh vùng lấy mẫu bệnh phẩm xử lý qua máy tách chiết vật liệu di truyền và tiến hành xác định MERS-CoV.

 

Bác sĩ Trần Thị  Hải Ninh – Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương).


Bác sĩ có thể cho biết sức khỏe hiện tại của 4 trường hợp nghi nhiễm MERS-CoV mà Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận?

Trước tiên, hiện tại Việt Nam chưa có bất kì trường hợp nào bị nhiễm dịch bệnh MERS-CoV. Về 4 trường hợp này, ca bệnh đầu tiên thì bị sốt ở bên Trung Quốc rồi về Việt Nam. 3 trường hợp còn lại đều di chuyển quanh Hàn Quốc. Họ cũng có biểu hiện sốt tuy nhiên biểu hiện lâm sàng của các bệnh nhân này đều rất nhẹ từ đường hô hấp như ho, hắt hơi, không tổn thương phổi… đây chỉ là những triệu chứng cảm cúm thông thường. Hiện tại sức khỏe của các bệnh nhân này đã ổn hơn, các kết quả xét nghiệm đều âm tính và không có dấu hiệu bị nhiễm dịch bệnh MERS-CoV.

Đối với người dân, làm thế nào để họ phân biệt được có dấu hiệu nhiễm dịch MERS-CoV?

Dịch MERS-CoV có dấu hiệu lâm sàng rất phổ biến giống các bệnh liên quan đến đường hô hấp khác như bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho, thậm chí nặng nề hơn là khó thở, tiêu chảy, bệnh nhân đến, đi hoặc quá cảnh qua vùng có dịch, có tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm thì nên đến bệnh viện để xét nghiệm. Bản thân người đó phải nên chủ động cách ly khỏi cộng đồng để tránh lây lan.
 

Phòng cách ly đặc biệt tiếp nhận nếu có trường hợp nghi ngờ nhiễm dịch bệnh MERS-CoV.


Chúng ta có thể đặt ra giả thiết nhé, tất nhiên đây là trường hợp không ai mong muốn, nhưng giả sử, có trường hợp mắc dịch MERS-CoV thì Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương có thể chữa khỏi không?

MERS-CoV hiện chưa có vaccine và thuốc điều trị, bởi vậy phòng ngừa và phát hiện sớm là biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng. MERS-CoV gây tổn thương chính là đường hô hấp, đường tiêu hóa và gây suy thận. Hầu hết điều trị hỗ trợ, nếu phát hiện sớm, ngăn chặn các biến chứng thì khả năng ngăn chặn dịch bệnh sẽ rất cao.

Từ khi có dấu hiệu của bệnh dịch này thì bệnh viện có phương án đối phó như thế nào?

MERS-CoV không phải mới bùng phát trên thế giới mà từ năm 2012 đã ghi nhận ca bệnh đầu tiên. Phía bệnh viện đã phối hợp với Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), các giáo sư đầu ngành của Bộ để xây dựng hướng dẫn điều trị từ năm 2014 và đã được tập huấn trong toàn bộ bệnh viện và toàn bộ các tỉnh mà bệnh viện chỉ đạo tuyến. Tuy nhiên, năm 2015 khi dịch bệnh bùng phát ở Hàn Quốc và có nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam cao, bệnh viện đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch từ rất nhiều khâu từ việc tập huấn cho các cán bộ y tế, trang thiết bị vật tư, máy móc, hệ thống cảnh báo. Đề xuất với Bộ Y tế xây dựng khu cách li, phân luồng bệnh nhân tới khám bệnh, điều chuyển bệnh nhân lên các khoa phòng.

Quy trình xử lý bệnh phẩm của bệnh nhân nghi nhiễm MERS-CoV được tiến hành ra sao?

Với các bệnh nhân khi có dấu hiệu khả nghi bị nhiễm dịch bệnh MERS-CoV, bệnh viện sẽ tiến hành cách ly, khoanh vùng lấy mẫu bệnh phẩm xử lý qua máy tách chiết vật liệu di truyền và tiến hành xác định MERS-CoV.

Bệnh viện cũng đã xây dựng các tình huống kịch bản đối phó với dịch, trong có có tình huống khi chưa có dịch xâm nhập vào Việt Nam, khi phát hiện ca bệnh đầu tiên, khi dịch lây lan quy mô lớn sẽ tiến hành cách ly như thế nào.

Nếu tình huống đầu tiên thì chỉ tiến hành cách ly tại phòng áp lực âm của Khoa cấp cứu, nếu nhiều hơn sẽ chuyển toàn bộ Khoa cấp cứu, nếu nghiêm trọng có thể sẽ phải cách ly toàn bộ bệnh viện.

Bệnh viện có đề xuất kinh phí để phòng chống dịch MERS-CoV?

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đề xuất khoản kinh phí trên 29 tỉ đồng trong năm 2015 để chống dịch MERS-CoV. Trong đó gồm chi phí mua mới một máy ECMO (máy tim phổi nhân tạo), buồng áp lực âm di động, máy lọc máu ngắt quãng, khẩu trang N95, trang phục phòng hộ chống dịch, máy hấp tiệt khuẩn...

Một số hình ảnh quy trình xử lý bệnh phẩm xác định dịch MERS-CoV:
 

Phòng áp lực âm để cách ly người bệnh nghi nhiễm dịch bệnh MERS-CoV.

Trong phòng được trang bị máy thở, giường bệnh sạch sẽ.

Cùng hệ thống xử lý không khí.

Nhân viên y tế đang xử lý mẫu bệnh phẩm.
Sau đó mẫu bệnh phẩm sẽ được chuyển sang máy tách chiết vật liệu di truyền.
Cuối cùng là công đoạn xác định chính xác bệnh nhân có bị nhiễm dịch bệnh MERS-CoV hay không.
 
>> 4 người từ vùng dịch MERS trở về không khai báo
>> Đám cưới thời "MERS bùng phát" tại Hàn Quốc
>> Bệnh nhân Hàn Quốc bị sốt ở Khánh Hòa âm tính với MERS
>> Cách ly 3 người sốt nghi nhiễm MERS
 
Theo Định Nguyễn (Kenh14.vn/Trí thức trẻ)

Nổi bật