Bác sĩ Tâm chia sẻ bệnh viện bắt đầu đi vào hoạt động từ ngày 26/6, với số giường bệnh là 4500 giường, thời điểm cao điểm bệnh viện thu dung hết số giường bệnh.
Đến nay, BV Dã chiến số 1 là nơi chưa có ca bệnh Covid-19 nào tử vong. Các bệnh nhân ra viện ngày càng tăng tương đương với số ca nhập viện mới. Đến nay, BV đã điều trị cho hơn 18 nghìn ca Covid-19 trong đó có 15 nghìn ca đã được xuất viện.
Để có được những tín hiệu tích cực như vậy, bác sĩ Tâm cho biết quan trọng nhất đó là theo dõi sát người bệnh và khi có dấu hiệu trở nặng sẽ cho sử dụng thuốc dự phòng theo phác đồ của Bộ Y tế. Gói gọn trong 2 điều mà các bác sĩ tại đây đã làm:
Thứ nhất, phân khu online theo dõi sát F0
Bác sĩ Tâm cho biết bệnh viện dã chiến đúng tinh thần dã chiến, bắt đầu từ con số 0. Bệnh nhân được chuyển đến sẽ phân ra các khu như các khoa lâm sàng khác. Mỗi khu do 1 bác sĩ phụ trách. Các khu này sẽ có các nhóm zalo của các phòng trong khu và cập nhật tình hình sức của khoẻ các bệnh nhân ở phòng bệnh khác nhau.
Nhân viên y tế là bác sĩ, điều dưỡng sẽ hướng dẫn người bệnh theo dõi sức khoẻ của mình như đo nhiệt độ, sinh hiệu, nồng độ oxy máu ngày 2 lần. Người bệnh có dấu hiệu thay đổi như oxy máu giảm, nhịp thở nhanh sẽ lập tức được báo tới bác sĩ điều trị. Bác sĩ sẽ nhanh chóng can thiệp đưa phác đồ điều trị dự phòng.
Ca nặng hơn sẽ được chuyển tới khoa Hồi sức cấp cứu để can thiệp. Bệnh nhân nặng hơn cần chuyển viện sẽ được chuyển đi nhanh chóng. BS Tâm cho rằng đối với bệnh Covid-19 thì theo dõi bệnh nhân từ đầu và kiểm soát việc trở nặng sẽ là chìa khoá để giảm nguy cơ tử vong hơn.
Thứ hai, xét nghiệm và trả kết quả nhanh
Theo hướng dẫn của Sở Y tế, người bệnh sẽ được xét nghiệm PCR từ ngày thứ 7 sau đó sẽ được trả kết quả ngay. Nếu trường hợp đảm bảo yêu cầu sẽ được cho xuất viện, các trường hợp khác tiếp tục theo dõi. Điều này không chỉ giúp tạo cho người bệnh một tinh thần thoải mái, mau bình phục mà còn làm giảm áp lực cho hệ thống y tế, nhanh chóng tiếp nhận những bệnh nhân mới cần được chăm sóc điều trị.
Bác sĩ Tâm cho biết suốt hơn 2 tháng qua với những người bác sĩ làm công tác nhận - trả bệnh nhân thì áp lực nhất vẫn là những giây phút đi tìm bệnh viện chuyển tuyến cho bệnh nhân.
BS Tâm phụ trách việc nhận bệnh nhân, có những ngày các CDC quận, huyện liên tục gọi xin gửi F0 tới bệnh viện nhưng cũng có thời điểm không còn giường để nhận. Khi BV dã chiến nâng lên tầng 2, là nơi tiếp nhận bệnh nhân có triệu chứng, can thiệp thở oxy qua mask, HNFC thì áp lực của nhân viên y tế càng cao.
Có bệnh nhân buổi chiều vẫn khoẻ, tối bất ngờ khó thở rồi trở nặng. Các bác sĩ phải cố gắng tìm bệnh viện tuyến trên chuyển đi. BS Tâm cho biết có danh sách vài chục bệnh viện chuyển đi nhưng không phải bệnh viện nào cũng có giường.
Có lúc gọi tới hàng chục bệnh viện vẫn chỉ nhận được thông tin chờ chứ hết giường. Bệnh nhân của mình trở nặng, có lúc bác sĩ Tâm cho rằng cần "nhây" cứ chuyển bệnh nhân lên. BV không thể từ chối cấp cứu bệnh nhân nặng hơn. Nhờ vậy, bệnh nhân lại có cơ hội sống.
Tại BV dã chiến số 1 cũng có 13 - 14 bác sĩ, nhân viên y tế lây nhiễm chéo từ bệnh nhân. Đồng nghiệp chăm sóc F0 lại trở thành F0 cũng khiến các bác sĩ day dứt nhưng điều này khó tránh khỏi. Điều quan trọng nhiều bác sĩ sau khi hết thời gian cách ly vẫn ở lại tiếp tục công việc của mình. Ai cũng mong chăm sóc người bệnh thật tốt.
Bác sĩ Tâm cho biết ở giai đoạn này, dù số ca chuyển nặng tăng cao nhưng các bác sĩ vẫn cố gắng điều trị, xử lý ổn thỏa, thậm chí có bác sĩ F0 vẫn tình nguyện ở lại cùng bệnh viện. Hy vọng trong thời gian tới số bệnh nhân được xuất viện ngày càng tăng cao.
Đây chính là nguồn động viên thần to lớn cho đội ngũ nhân viên y tế tiếp tục mạnh mẽ tập trung triển khai điều trị tích cực, chăm sóc chu đáo người mắc Covid-19, góp phần hạn chế mức thấp nhất tử vong, sớm ngăn chặn và kiểm soát thành công dịch bệnh.
Theo Ngọc Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)