Theo BS Trương Hữu Khanh – trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cho biết dịch Covid-19 xảy ra trên toàn thế giới và các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Thái Lan cũng đang rất căng, vì vậy bất cứ khi nào dịch cũng có thể vào Việt Nam.
BS Khanh nhận định, với ca bệnh ở Hà Nam, chúng ta may mắn vì phát hiện trước ngày nghỉ lễ, nếu chỉ chậm 1,2 ngày thì sẽ khác. Lúc đó người dân có nhu cầu đi lại lớn, khoanh vùng khó khăn hơn.
Điều đáng lo ngại ở ca này là tốc độ lây lan nhanh. Đến hiện tại, BS Khanh cho biết không còn định nghĩa siêu lây mà khả năng lây nhanh do các biến thể virus có tốc độ lây lan nhanh đã được ghi nhận ở rất nhiều nước trên thế giới từ cuối tháng 12 năm 2020.
BS Khanh cho rằng, cần siết chặt các khâu cách ly bởi hiện tại người dân nghĩ đã hết dịch nên còn lơ là trong khâu cách ly, nhất là ở các khu cách ly tập trung.
Hiện tại, với ca số 2899, bác sĩ Khanh nhận định, có thể sau khi cách ly tập trung xong, người cách ly đã không được hướng dẫn phải cách ly tiếp 14 ngày dù kết quả xét nghiệm âm tính. Chính vì thế họ đã đi về bằng xe khách, về nhà lại ăn uống, gặp gỡ bạn bè. Đến hiện tại, đốm lửa đã cháy sang các tỉnh thành khác.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng của Việt Nam cho rằng, một tuần qua Việt Nam đã nâng mức cảnh báo bệnh lên cao và chủ động, việc dự phòng phải đi trước một bước. Điều này thể hiện tinh thần chống dịch rất cao của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19.
Theo ông Phu, đối với các trường hợp nhiễm ở Hà Nam được phát hiện và cách ly ngay. Dù lịch trình của bệnh nhân đi lại có vẻ phức tạp nhưng với kinh nghiệm truy vết từ các mùa dịch trước thì PGS Phu cho rằng người dân không nên quá hoang mang lo lắng.
Điều đáng sợ nhất đó là để lọt những ca đó vào cộng đồng, đi lại trong dân cư sẽ nhanh chóng tạo thành các ổ dịch.
Ông cũng lưu ý các địa phương không chỉ quan tâm đến cơ sở cách ly, mà còn cần chú trọng đến đội ngũ cán bộ. Cần sử dụng những người có năng lực, trình độ về quản lý, cách ly để tránh xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong các khu này.
Các địa phương cần có kịch bản, diễn tập để phòng khi có ca bệnh, sẽ thực hiện cách ly và đối phó được ngay. Mỗi địa phương phải chủ động, thực hiện phương châm "4 tại chỗ", tránh bị động khi dịch bùng phát, sẽ rất nguy hiểm.
Bên cạnh đó, chuyên gia Trần Đắc Phu cho rằng, Việt Nam cũng cần truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân và chính quyền địa phương để phát hiện các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp và ca bệnh dương tính. Các địa phương phải kích hoạt trạng thái như tình hình đang có dịch.
Theo N.Anh (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)