Thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bình Thuận, tính tới thời điểm chiều 14/3, số trường hợp tiếp xúc gần trực tiếp (F1) với 9 bệnh nhân nhiễm Covid-19 ở Bình Thuận được xác định là 128 người đang được cách ly tập trung. Những trường hợp tiếp xúc với F1 là 651 người, địa phương vẫn đang xác minh thêm.
Tất cả trường hợp trên, bao gồm 10 bệnh nhân dương tính với Covid-19 đều bắt nguồn từ bệnh nhân "siêu lây nhiễm" thứ 34 (nữ doanh nhân kinh doanh vật liệu xây dựng). Không chỉ riêng Bình Thuận, nhiều địa phương khác cũng bị ảnh hưởng, điển hình là ca nhiễm số 45 và 48 ở TP HCM.
Trước đó, theo thông tin điều tra dịch tễ được Sở Y tế Bình Thuận công khai thì bệnh nhân 34 không nhớ rõ mình tham quan ở địa điểm nào của New York và Washington (Mỹ). Bệnh nhân khai cũng không tiếp xúc với ai có biểu hiện ho khi tham quan. Khi xuống sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) thì đi thẳng về nhà bằng xe riêng, "không ghé đâu".
Trong 8 ngày ở nhà, BN 34 khai "chỉ ở nhà, rất ít ra công ty". Khi ra công ty thì "chỉ tiếp xúc với người nhà và nhân viên bán hàng tại công ty". Do vậy, ban đầu danh sách F1 chỉ có 14 người, sau đó lên 17 người, rồi 18 người và đến ngày 12/3 là 21 người.
Sau đó, bệnh nhân 34 cũng nhiều lần khẳng định từ sân bay Tân Sơn Nhất đi thẳng về nhà bằng xe riêng, chỉ ở nhà, rất ít ra công ty, chỉ tiếp xúc với người nhà và nhân viên bán hàng tại công ty. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, bệnh nhân số 34 có tiếp xúc với nhân viên kinh doanh của Công ty TNHH TOTO VIệt Nam chi nhánh TP HCM.
Theo đó, một số nhân viên kinh doanh của chi nhánh đã gặp mặt trực tiếp với nữ bệnh nhân này trong khoảng 20 phút tại cửa hàng ở Bình Thuận vào ngày 3/3, nhưng không tiếp xúc trực tiếp như bắt tay. Tối cùng ngày, nhóm nhân viên này ăn tối cùng một số người thân của bệnh nhân.
Cụ thể, ngày 3/3, ông S. (người Nhật, Tổng quản lý Chi nhánh TP HCM của Công ty TOTO) cùng 2 nhân viên kinh doanh. Cả hai người này đều đã nhiễm Covid-19 (bệnh nhân 45 và 48) và lái xe đến đại lý TOTO tại Phan Thiết do bệnh nhân số 34 làm chủ để làm việc.
Trao đổi thông tin với báo chí, một lãnh đạo Sở Y tế Bình Thuận cho biết bệnh nhân đã không khai báo đầy đủ lịch trình và những người từng tiếp xúc với mình trong thời gian ủ bệnh. Việc này gây ra rất nhiều khó khăn cho địa phương.
Đơn cử như việc bệnh nhân khai rằng khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là di chuyển thẳng về nhà riêng, tuy nhiên sau này mới phát hiện bệnh nhân từng ở lại TP HCM để giao lưu với đối tác. Khi về đến TP Phan Thiết, ngoài nhà riêng và công ty, bệnh nhân còn di chuyển đến nhiều nơi ăn uống.
Một số người tiếp xúc với bệnh nhân 34 là do họ chủ động đến cơ quan chức năng khai báo cũng như qua điều tra dịch tễ phát hiện thêm.
"Đến giờ vẫn không hiểu vì sao bệnh nhân lại khai như thế. Bây giờ công tác điều trị và xác định các trường hợp lây nhiễm là ưu tiên hàng đầu. Còn xử lý như thế nào sau này các cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ" - lãnh đạo này nói.
Việc có tổng cộng 9 ca nhiễm Covid-19 ở Bình Thuận đều bắt nguồn từ bệnh nhân thứ 34, đặc biệt phần lớn người bị lây đều trong gia đình. Một bác sĩ ở bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: "Tất cả sai lầm của cá nhân đều làm ảnh hưởng đến cộng đồng, mà trước tiên không đi đâu xa chính là gia đình của mỗi người. Đặc biệt, nếu trong gia đình có ông bà, cha mẹ lớn tuổi, nguy cơ nhiễm bệnh lại càng cao, càng nguy hiểm".
Chuyên gia y tế khuyên những người có tiếp xúc với bệnh nhân thứ 34 phải tự nhận thức đã tiếp cận với ai và nhanh chóng khai báo y tế. Bởi nếu không khai báo đầy đủ, trung thực, có thể sẽ phát tán nguồn lây cho nhiều người trong cộng đồng.
Trước đó, Đội phản ứng nhanh chống dịch cơ động của Bệnh viện Chợ Rẫy đã đến trợ giúp cho Bình Thuận. Trong số này có các chuyên khoa cấp cứu, truyền nhiễm, kiểm soát nhiễm khuẩn, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân đến giúp Bình Thuận.
Theo Quốc Chiến (Trí Thức Trẻ)