Bệnh nhân phi công cai máy thở Bệnh nhân phi công ngồi xe lăn phơi nắng 'Chuyến bay' trở về từ cõi chết của bệnh nhân phi công Bệnh nhân phi công nhớ mật khẩu sau hai tháng hôn mê Thầy thuốc 'từng bi quan' về bệnh nhân phi công
Các chuyên gia đánh giá đây là bước tiến rất quan trọng trong quá trình điều trị và phục hồi của bệnh nhân. Trước đây các bác sĩ dự đoán phải mất nhiều tuần bệnh nhân mới có thể cai được máy thở. Tuy nhiên, chỉ sau 9 ngày ngưng sử dụng ECMO, anh đã cai máy thở.
"Với bước tiến này, có thể thấy phổi bệnh nhân đã hồi phục", các chuyên gia Tiểu ban Điều trị nhận định.
Hiện, bệnh nhân tự thở với lượng oxy 2 lít một phút qua ống mở khí quản, thở chậm hơn. Sức cơ hô hấp có cải thiện, ho mạnh hơn. Chức năng thận đã hồi phục, chức năng tim, gan tốt. Về thần kinh, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, sức cơ hai chân còn yếu.
Bệnh nhân ăn 1.250 ml súp xay và sữa mỗi ngày, cơ thể dung nạp tốt. Anh cũng đã ngưng kháng sinh, chỉ còn thuốc kháng nấm, giảm đau và kháng đông. Tập vật lý trị liệu ngày hai lần, được y bác sĩ điều chỉnh nước điện giải và săn sóc vết loét cùng cụt.
Đến nay, bệnh nhân có số ngày điều trị dài nhất, với 88 ngày. Anh khởi bệnh ngày 18/3, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Sau 65 ngày điều trị liên tục, bệnh nhân hết nCoV, được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 22/5. Hình ảnh X-quang phổi ngày 25/5, phổi đông đặc, xơ hết cả hai bên phổi, sự sống gần như lệ thuộc hoàn toàn vào ECMO.
Tối 8/6, bệnh nhân có thể ngồi dậy, tập vật lý trị liệu đung đưa chân theo y lệnh bác sĩ. Sự hồi phục của bệnh nhân phi công được đánh giá là "kỳ diệu". Đây là kết quả phối hợp, nỗ lực điều trị của các bác sĩ và chuyên gia hàng đầu cả nước, trong gần ba tháng qua.
Liên tiếp những ngày gần đây, bệnh nhân đều được nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy đưa ra sưởi nắng. Anh nhớ được cả mật khẩu của điện thoại và iPad của mình dù hôn mê hai tháng. Đồng thời vận động hai chi trên dần hồi phục về mức bình thường, có thể cầm bút viết lên bảng và sử dụng được điện thoại.
Theo Lê Nga (VnExpress.net)