Bệnh nhân phi công tập tự thở bằng phổi

21/05/2020 20:30:17

Phổi "bệnh nhân 91" cải thiện hơn, bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đang giảm dần các thông số ECMO để cho tập dần tự thở.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, ngày 21/5 cho biết bệnh nhân tiên lượng vẫn còn nặng. Phổi phải còn ít khí và dịch. Phổi trái hết xẹp. Dung tích phổi hoạt động  tăng lên 30% thay vì chỉ 10% như cách đây gần một tuần.

Bệnh nhân nằm yên, vẫn sử dụng thuốc an thần, thỉnh thoảng có kích thích nhẹ. Các bác sĩ tiếp tục cho bệnh nhân thở máy qua mở nội khí quản ngày thứ 28, can thiệp ECMO (hệ thống oxy ngoài cơ thể) ngày thứ 46, lọc máu, kháng sinh, kháng nấm.

"Phổi bệnh nhân đang cải thiện tốt hơn nên được giảm dần các thông số ECMO để tập tự thở bằng phổi tiến tới dần thử cai máy", bác sĩ Châu nói. 

Theo bác sĩ Châu, giảm các thông số ECMO là giảm tốc độ lượng máu và giảm mức trao đổi oxy, nhằm mục đích tăng vai trò trao đổi oxy của phổi. Khi các thông số này giảm tới mức thấp mà mức độ trao đổi oxy trong máu của bệnh nhân vẫn ổn, là có thể ngưng can thiệp ECMO.

Bệnh nhân phi công tập tự thở bằng phổi
Phim chụp X-quang phổi bệnh nhân phi công ngày 21/5. Cách đây một tháng, ảnh toàn bộ phổi trắng xóa. Ảnh do Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM cung  cấp.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết hơn 10 ngày qua, bệnh nhân đã âm tính nCoV trong 6 lần xét nghiệm, công nhận khỏi Covid-19. Bộ Y tế đang tính phương án chuyển "bệnh nhân 91" về Anh. Trước mắt, bệnh nhân sẽ được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy điều trị tiếp.

Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết hai bệnh viện vẫn đang bàn bạc, chưa xác định cụ thể thời gian chuyển viện cho nam phi công. Sáng 21/5 các bác sĩ Chợ Rẫy sang Bệnh Nhiệt đới họp bàn, lên kế hoạch các việc cần thiết để di chuyển bệnh nhân an toàn.

Về phương án ghép phổi, một chuyên gia của Hội đồng Chuyên môn cho biết bệnh nhân đang gặp ba chống chỉ định ghép phổi, trong đó có nhiễm trùng phổi, suy đa tạng. Do đó nếu ghép ngay, có thể thành công về mặt kỹ thuật, nhưng tỷ lệ hồi phục rất thấp.

Trong thông báo sáng nay, Cục trưởng Khám chữa bệnh Bộ Y tế Lương Ngọc Khuê cũng cho biết ngoài phương án ghép phổi, Bộ cũng tính đến khả năng đưa bệnh nhân về nước. Tuy nhiên việc di chuyển bệnh nhân chỉ khả thi khi anh này đủ điều kiện sức khỏe. Hồi tháng 3, khi còn tỉnh táo, viên phi công nói với các bác sĩ rằng anh ta không có người thân. Cơ quan ngoại giao Anh ở Việt nam duy trì liên lạc với bệnh viện qua email để cập nhật tình hình công dân. 

"Bệnh nhân 91" là phi công người Anh, mới bay chuyến đầu tiên cho Vietnam Airlines thì mắc Covid-19. Đây là ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam. Bệnh nhân nặng 100 kg, mắc hội chứng "bão cytokine" - hệ miễn dịch phản ứng thái quá, rối loạn đông máu, phổi có lúc đông đặc 90%.

Theo Lê Phương (VnExpress.net)