Bệnh nhân người Pháp tiên lượng sống còn 20% quyết định sang Việt Nam điều trị

31/08/2023 23:13:21

Sau khi trải qua 2 ca phẫu thuật vá lỗ thủng dạ dày, cắt lách, đặt hỗng tràng nuôi ăn tại Campuchia nhưng bị biến chứng, gia đình ông Kong Kham Pravong (quốc tịch Pháp) đã quyết định đưa ông sang Việt Nam để điều trị và được các bác sĩ cứu sống.

Bác sĩ Trần Xuân Tiềm, khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện FV cho biết, ông Kong Kham Pravong được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện FV ngày 17/6 trong tình trạng bị nhiễm trùng ổ bụng, suy dinh dưỡng nặng, rò tiêu hóa… tiên lượng sống chỉ 20%. Trước đó, bệnh nhân đã trải qua 2 ca phẫu thuật vá lỗ thủng dạ dày, cắt lách, đặt hỗng tràng nuôi ăn tại Campuchia nhưng bị biến chứng.

Bệnh nhân người Pháp tiên lượng sống còn 20% quyết định sang Việt Nam điều trị
Ca mổ kéo dài 6 tiếng để súc rửa ổ bụng, cắt bỏ dạ dày cho bệnh nhân. Ảnh: BV 
 

Qua hội chẩn liên chuyên khoa, dựa trên kết quả cận lâm sàng, êkíp nhất trí phẫu thuật nhanh mới có cơ hội giữ mạng sống cho bệnh nhân. Theo đó, ca phẫu thuật cho bệnh nhân Kong Kham Pravong kéo dài 6 tiếng.

“Ổ bụng bệnh nhân bị nhiễm trùng nặng, dịch tiêu hóa lan khắp tầng trên ổ bụng. Do dạ dày biến dạng, co rúm, hoại tử xung quanh lỗ thủng, chúng tôi quyết định cắt toàn bộ dạ dày, khâu lại mỏm thực quản đoạn xa, dẫn lưu mỏm tá tràng, dẫn lưu áp-xe trung thất dưới cạnh mỏm thực quản, dẫn lưu hố lách, dẫn lưu ổ bụng, đặt lại ống nuôi ăn hỗng tràng cho bệnh nhân”, bác sĩ Tiềm cho biết.

Sau phẫu thuật, việc chăm sóc hậu phẫu kết hợp đa chuyên khoa với dinh dưỡng tích cực, chăm sóc hệ thống dẫn lưu, kiểm soát nhiễm khuẩn… cho bệnh nhân được tiến hành chặt chẽ. Tuy nhiên, một tháng sau, các bác sĩ phát hiện ra đại tràng góc lách của bệnh nhân bị rò. Lỗ thủng ở đại tràng rỉ chất bẩn (phân) ra tầng trên ổ bụng, đồng thời mỏm thực quản và mỏm tá tràng cũng rò dịch ra vị trí này.

Bệnh nhân người Pháp tiên lượng sống còn 20% quyết định sang Việt Nam điều trị - 1
Bác sĩ Tiềm thăm khám cho bệnh nhân trước khi xuất viện. Ảnh: BV
 

“Điều này nguy hiểm vì chất bẩn tràn ngay khu vực mình đang ra sức bảo vệ để không còn nhiễm khuẩn. Do đó, chúng tôi bắt buộc phải phẫu thuật lần 2. Tuy nhiên, tình trạng của bệnh nhân suy kiệt sau khi phải trải qua nhiều ca mổ nên việc mở rộng vết mổ như thông thường dễ dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng lan toả ổ bụng dẫn đến nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ Phan Văn Thái, Trưởng khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện FV nhận định.

Do đó, các bác sĩ quyết định chọn phương pháp can thiệp ít xâm lấn, an toàn hơn. Ca mổ lần 2 cho bệnh nhân kéo dài 4 tiếng. Trong mổ, bệnh nhân ổn định, sau mổ bệnh phục hồi tốt dần lên mỗi ngày.

Hai ca mổ được xem là đã cứu sống bệnh nhân ngoạn mục, song theo bác sĩ Trần Xuân Tiềm, để bệnh nhân phục hồi tốt sau mổ phụ thuộc rất lớn vào chăm sóc hậu phẫu. Công tác hậu phẫu vì thế được tiến hành vô cùng chu đáo và cẩn trọng.

Bệnh nhân người Pháp tiên lượng sống còn 20% quyết định sang Việt Nam điều trị - 2
Bác sĩ đồng hành cùng bệnh nhân về Pháp. Ảnh: BV
 

Theo các bác sĩ, việc điều trị của ông Kong Kham Pravong chưa kết thúc. Khoảng 1 năm nữa khi thể lực phục hồi tốt, ông cần thực hiện ca phẫu thuật tái lưu thông đường tiêu hóa, nối lại thực quản với ruột non. Khi đó, ông sẽ ăn bằng đường miệng, đi ngoài bằng đường hậu môn như bình thường.

Bệnh viện FV cho biết, do các khó khăn về tài chính, bệnh nhân mới chỉ đóng 20% viện phí. Gia đình có nguyện vọng đưa bệnh nhân về Pháp để theo dõi và phẫu thuật tái lưu thông đường tiêu hóa, đồng thời làm các thủ tục với bảo hiểm xã hội Pháp để hoàn trả 80% viện phí còn lại cho FV.

Để đảm bảo sức khoẻ của bệnh nhân đến được sân bay Pháp an toàn, bác sĩ Trần Xuân Tiềm đã đồng hành với bệnh nhân trên chuyến bay về pháp. Sau đó, ông Kong Kham Pravong đã được một bệnh viện lớn tại Paris tiếp nhận. Bên cạnh đó, Bệnh viện FV cũng đã phối hợp chuyển bệnh án cho bác sĩ ở Pháp để thuận tiện lên phác đồ điều trị tiếp theo cho bệnh nhân.

Theo Đan Phương (Báo Tin Tức)

Nổi bật