Bệnh nhân hoại tử ruột nguy kịch do bác sĩ tắc trách?

06/05/2015 11:08:59

Do bác sĩ thiếu tinh thần trách nhiệm, bệnh nhân cả đêm không được khám dẫn đến nguy kịch vì bị tắc và hoại tử ruột.

Do bác sĩ thiếu tinh thần trách nhiệm, bệnh nhân cả đêm không được khám dẫn đến nguy kịch vì bị tắc và hoại tử ruột.

Ngày 5/5, trên một số trang mạng xã hội có đăng tải thông tin phản ánh về việc bác sĩ bệnh viện Đa khoa Thị xã Sơn Tây (Hà Nội) thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm trong khi cấp cứu và điều trị khiến bệnh nhân lâm vào tình trạng nguy kịch và phải chuyển lên tuyến trên.

Nội dung thông tin được chủ tài khoản có tên Do Van Xuan đăng tải có nội dung như sau: “Đây là quỷ sĩ hay là bác sĩ. Bệnh nhân đau bụng quằn quại cấp cứu từ BV Thạch Thất chuyển lên BV đa khoa Sơn Tây từ lúc 23 giờ để cấp cứu tại khoa Ngoại Tổng hợp mà bác sĩ chỉ cho tiếp nước và đặt ống thông mũi và không có thuốc giảm đau gì, mà đêm bệnh nhân vẫn cứ đau quằn quại, bụng trướng lên và nôn liên tục.
 

Thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội tố bác sĩ tác trách.

Người nhà bệnh nhân gọi, nhưng bác sĩ không đến thăm cả đêm đó. Đến sáng, bác sĩ đưa giấy đi chụp chiếu, bác sĩ còn mắng chửi không có nhà ai như nhà bà. Sau đó, có một bác sĩ đến khám và hỏi thăm bệnh nhân, từ lúc đó bệnh nhân yếu dần và không biết gì nữa.

Lúc đó các bác sĩ mới cấp cứu và bệnh nhân phải chuyển ngay ra BV Việt Đức, các bác sĩ ở Việt Đức chẩn đoán là bị dính ruột và hoại tử phải mổ cấp cứu ngay, bác sĩ bảo người nhà bệnh nhân nếu đưa ra trước sáu tiếng thì có cơ may sống. Mổ xong hơn hai ngày rồi mà bệnh nhân vẫn chưa tỉnh...".
 
Bệnh nhân đau bụng quằn quại không được bác sĩ thăm khám. Ảnh chia sẻ trên facebook.

Trước những thông tin trên, chiều ngày 5/5 phóng viên đã tiến hành xác minh tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội), theo đó bệnh nhân kể trên là Đỗ Thị Nghĩa (44 tuổi, ở Thạch Thất – Hà Nội). Theo nội dung bà Đỗ Thị Trang (chị gái bệnh nhân Nghĩa) cung cấp, khoảng hơn 10 giờ đêm ngày 2/5 chị Nghĩa đau bụng quằn quại và được chuyển từ Bệnh viện Thạch Thất lên Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây, tuy nhiên thời gian nằm tại bệnh viện, bệnh nhân Nghĩa chỉ được bác sĩ tiếp nước và đặt ống thông mũi.

Trong đêm, nhiều lần bệnh nhân đau bụng dữ dội, người nhà nhiều lần gọi bác sĩ trực tuy nhiên bác sĩ không hề đến thăm khám. “Cho đến 5 giờ sáng, bác sĩ mới sang phòng bệnh, lúc này em gái tôi bụng đau cứng. Sau đó được bác sĩ đưa đi chụp X-quang, tuy nhiên lúc này em tôi đã ngất lịm đi, đo huyết áp không có mạch.

Lúc đó, gia đình chúng tôi quá hốt hoảng mới gọi xe chuyển thẳng Nghĩa xuống bệnh viện Việt Đức, tại đây bác sĩ chẩn đoán là nguy kịch và đưa vào phẫu thuật ngay”, bà Trang nói.
 

Bà Trang đang chăm sóc em gái tại Bệnh viện Việt Đức.

Theo bà Trang: “Ngoài việc thiếu trách nhiệm thì bác sĩ trực tối hôm đó còn không tôn trọng người bệnh, mắng chửi bệnh nhân. Khi chuyển viện, tôi có nói rằng nếu em gái tôi mà làm sao thì tôi sẽ không để yên”.

Bệnh nhân chưa qua khỏi con nguy kịch

Để có thông tin khách quan nhất, phóng viên đã liên hệ với Bệnh viện Việt Đức và được biết, bệnh nhân Đỗ Thị Nghĩa nhập viện vào ngày 3/5, hiện đã được phẫu thuật và đang được điều trị tại khoa Phẫu thuật tiêu hóa (Bệnh viện Việt Đức).

Trao đổi về tình trạng bệnh nhân trước và sau phẫu thuật, BS Đỗ Tất Thành cho biết: “Khi bệnh nhân vào nhập viện, do không tiếp nhận từ đầu nên không biết khi bệnh nhân nhập viện có ngất lịm hay không?”.
 

Bệnh nhân đã được phẫu thuật nhưng rất khó tiên lượng.

Bác sỹ Thành cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán mổ do tắc ruột: "Khi bệnh nhân đến viện, triệu chứng để phát hiện tắc ruột đã rất rõ ràng, nếu trong trường hợp ban đầu thì sẽ rất khó khi chẩn đoán”.

Theo bác sĩ Thành, bệnh nhân được phẫu thuật trong thời gian 2 tiếng, khi phẫu thuật phía trong ruột bệnh nhân đã thối và xuất hiện hoại tử, vì thế các bác sĩ phải cắt hết những đoạn ruột hỏng.

“Nếu trước kia, bệnh nhân tắc ruột xuất hiện hoại tử thì rất nguy hiểm và nguy cơ tử vong rất cao. Tuy nhiên, do các khâu khi tiến hành phẫu thuật từ hồi sức đến tiến hành làm thủ thuật hiện nay đã phát triển nên mới có thể cứu chữa được”, BS Thành phân tích.

Đối với những bệnh nhân khi bị tắc ruột, người nhà nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện trước 6 tiếng, bởi sau 6 tiếng bệnh nhân bị tắc ruột sẽ bị hoại tử, từ đó sẽ bị nhiễm vào máu gây nguy hiểm với người bệnh. Sau 3 ngày phẫu thuật, hiện tại sức khỏe bệnh nhân Nghĩa vẫn rất khó tiên đoán, không thể nói trước được điều gì.

Cũng liên quan đến vấn đề người nhà bệnh nhân phản ánh về thái độ thờ ơ, thiếu tinh thần trách nhiệm trong quá trình điều trị cho người bệnh của cán bộ y tế khoa Ngoại Tổng hợp, BV Đa khoa Sơn Tây, chiều 5/5, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, đã có văn bản gửi Sở Y tế Hà Nội yêu cầu báo cáo thông tin phản ánh về Bệnh viện Đa khoa Sơn Tây và xử lý nghiêm theo đúng quy định nếu có sai phạm. Cục cũng yêu cầu Sở Y tế Hà Nội báo cáo trước ngày 12/5.
 
Theo Lê Phương (Khampha.vn)

Nổi bật