Ảnh cắt từ clip sự việc |
Hồi tôi còn sinh viên và khi tôi mới ra trường, hầu như không mấy bác sĩ và nhân viên y tế coi đó là chuyện lớn. Bệnh nhân mà. Cho đến khi cuốn tiểu thuyết "Đèn không hắt bóng" được dịch và phát hành, trong đó có tình tiết bác sĩ Naoe đã tống một bệnh nhân say rượu vào phòng vệ sinh, chúng tôi mới giật mình nhìn lại.
Là bác sĩ, là nhân viên y tế thì phải thông cảm cho bệnh nhân. Đúng. Đối với những trường hợp bệnh tâm thần, hoặc tình trạng dập não làm cho người bệnh không kiểm soát được hành vi, thì phải thông cảm, vì đó là điều bất khả kháng. Còn đối với những trường hợp say rượu, phê thuốc mà gây nguy hiểm cho nhân viên y tế thì nhất định không thể thông cảm.
Sau khi nhận thức được như vậy, chúng tôi đề phòng hơn.
Từ đó, ít có bệnh nhân nào đánh hay đạp trúng được chúng tôi. Những trường hợp say rượu nhiều, hoặc ngay cả những trường hợp dập phù não kích động, chúng tôi cột tay bệnh nhân vào giường, nếu giãy đạp nhiều thì cột chân lại luôn, rồi mới khám.
Có một điều mà các bác sĩ trẻ cần lưu ý. Tình trạng say rượu, hoặc chấn thương sọ não đã ức chế vỏ não, ngoài chuyện không kiểm soát được hành vi thì người bệnh thường rất khỏe và rất cương quyết trong bạo lực. Không thể trông chờ vào việc chỉ dùng tay nắm giữ họ, nhất là khi người nắm giữ lại là người nhà của họ.
Cấp cứu bệnh nhân cũng cần phải tuân thủ một số nguyên tắc. Giống như cứu hộ, sự an toàn của người cứu hộ (trong trường hợp của chúng ta là nhân viên y tế) phải được đặt lên hàng đầu. Nếu không bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế thì đừng cấp cứu.
Chúng ta còn nhớ trường hợp Nina Phạm, người bị nhiễm virus Ebola? Các tổ chức bảo vệ an toàn cho nhân viên y tế đã tổ chức điều tra việc bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế khi cấp cứu bệnh lây nhiễm nguy hiểm của bệnh viện nơi Nina Phạm làm việc.
Đối với bệnh nhân bị mất kiểm soát hành vi do bệnh tật, cần phải áp dụng các biện pháp cần thiết để khống chế, không để họ tấn công nhân viên y tế, song song với việc cấp cứu cho họ.
Đối với những người say rượu, chỉ cần cấp cứu những vấn đề ảnh hưởng ngay đến sự sống. Còn lại, khâu vết thương, nắn bó bột… không thực sự khẩn cấp, chỉ cần băng hay nẹp lại sớm, thì chờ đến khi hết say rượu mới can thiệp.
Khi còn sinh viên, tôi thấy bệnh viện có yêu cầu những bệnh nhân say rượu nộp phạt, nhưng sau này không còn thấy việc đó. Tôi nghe nói việc bắt bệnh nhân say rượu nộp phạt được tiến hành từ trước năm 1975, nhưng sau này, chúng ta "nhân đạo" hơn nên không ai nhắc nữa.
Ngoài ra, còn một thực tế đáng xấu hổ là trong số những người say rượu vào bệnh viện, có cả những nhân viên y tế, từ cấp quản lý đến cấp thừa hành, từ bác sĩ đến điều dưỡng, kỹ thuật viên… Cho nên, họ dễ thông cảm và đòi hỏi những nhân viên y tế khác phải thông cảm cho người say rượu.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề an toàn cho nhân viên y tế khi khám chữa bệnh. Bản thân nhân viên y tế cần phải quý trọng tính mạng và sự toàn vẹn thân thể của mình bằng những biện pháp thiết thực. Chẳng có danh hiệu liệt sĩ nào, chẳng có giấy khen hay khoản tiền nào bù đắp được tính mạng hay thương tật của nhân viên y tế.
Các cấp quản lý cũng cần thay đổi tư duy. Sự an toàn của nhân viên y tế phải được đặt lên hàng đầu. Đó không chỉ là tình đồng nghiệp, cũng không phải tình con người, mà đó là trách nhiệm của người quản lý cơ sở y tế. Không bảo đảm an toàn được cho nhân viên, cho đồng nghiệp, thì đừng nói gì đến cứu chữa ai cả.
Cái ngày mà nhân viên y tế kiện bệnh viện vì đã không áp dụng các biện pháp an toàn cho mình như vụ Nina Phạm chắc chắn sẽ đến ở đất nước ta. Những nhà quản lý y tế cần dự tính trước điều này để có quy trình cụ thể ngăn chặn bạo hành y tế.
Bệnh nhân "tung cước" đạp vào bụng bác sỹ cấp cứu. (Clip do camera bệnh viện ghi lại) |
Theo Bác sĩ Võ Xuân Sơn (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)