Trong số các bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, hiện có 3 bệnh nhân nặng cần hội chẩn là bệnh nhân19 (bác gái bệnh nhân 17), bệnh nhân 91 và bệnh nhân 161. Trong đó, bệnh nhân 91, nam giới là phi công người Anh (43 tuổi) - đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM, hiện trong tình trạng rất nặng, rất nguy kịch, đông cứng nửa phổi, tiến triển chậm. Bệnh nhân đã được mở nội khí quản, tiếp tục sử dụng ECMO (tim phổi nhân tạo) và thở máy.
Tập trung thảo luận với nam bệnh nhân này, Hội đồng chuyên môn cho ý kiến về các giải pháp từ sử dụng thuốc, các chỉ số sinh tồn, các vấn đề liên quan về xét nghiệm…
Các thành viên hội chẩn cũng đề nghị Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM và nhóm hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy xem xét vấn đề sử dụng thuốc, liều lượng thuốc của người bệnh; xét nghiệm theo dõi nhiễm trùng bệnh viện, cấy lại vi khuẩn, virus…
Bệnh nhân 19 đã nằm viện 54 ngày, trong đó có tới 44 ngày điều trị tại khoa Hồi sức tích cực.
Đối với bệnh nhân 161, 88 tuổi quê Hưng Yên, vừa tai biến, liệt nửa người trái, đã có những tiến triển khả quan. Các bác sĩ cũng đang từng bước cai thở máy, xét bỏ máy; chăm sóc hô hấp, kết hợp phục hồi chức năng và bổ sung dinh dưỡng.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh nhấn mạnh việc các bệnh nhân COVID-19 âm tính sau khi ra viện trở về cộng đồng vẫn cần phải tuân thủ các biện pháp cách ly sau điều trị. Trung tâm kiểm soát bệnh tật các địa phương chịu trách nhiệm theo dõi và xét nghiệm lại. Nếu cần thiết phải khẳng định xét nghiệm tại Labo, tham chiếu kết quả xét nghiệm để khẳng định.
Ông Khuê cũng yêu cầu các bệnh viện không được lơ là, chủ quan; cần tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của Bộ Y tế, đặc biệt là trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Theo Thái Hà (Tiền Phong)