Ngày 6/4, bệnh nhân 91 lâm vào tình trạng nặng, suy đa tạng, phải điều trị ECMO. Các giáo sư đầu ngành cũng đã bàn đến tất cả các giải pháp từ sử dụng thuốc, các chỉ số sinh tồn, các vấn đề liên quan về xét nghiệm… Các thành viên hội chẩn cũng thống nhất bằng mọi cách "còn nước, còn tát" để điều trị cho bệnh nhân 91.
Tiểu ban điều trị đã cử kíp bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ can thiệp ECMO cho bệnh nhân nặng tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, đồng thời yêu cầu huy động toàn lực điều trị bệnh nhân phải can thiệp ECMO. Sáng 7/4, nam phi công đã không còn sốt, mạch 100 lần/phút, huyết áp 116/70 mmHg, đã ngưng thuốc vận mạch.
Bệnh nhân 91 tiếp tục được can thiệp ECMO từ ngày 5/4 tới nay và thở máy xâm nhập bảo vệ phổi và lọc máu liên tục, tiếp tục được chăm sóc tích cực tại phòng áp lực âm Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM với sự hỗ trợ của các chuyên gia của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Hiện tại, các dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân 91 đều đã ổn.
Tuy nhiên, nhiều người thắc mắc rằng bệnh nhân 91 vốn là phi công, có sức khỏe tốt và còn khá trẻ (43 tuổi), lại không có bệnh lý nền nhưng khi nhiễm COVID-19 lại có diễn biến nặng đến vậy?
Liên quan đến vấn đề này, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cho biết, điều duy nhất bệnh nhân 91 gặp phải chính là tình trạng thừa cân, béo phì khi cân nặng lên tới 100kg. Cũng theo TS Châu, tất cả bệnh nhân COVID-19 đều có thể trở nặng, đặc biệt là người cao tuổi, người có bệnh lý nền. Cùng một bệnh nhưng bệnh nhân chuyển biến nặng hay không phụ thuộc rất nhiều yếu tố như hệ miễn dịch, độc lực của virus, di truyền cá nhân...
Qua quá trình điều trị của bệnh nhân 91 cho thấy, phản ứng miễn dịch của người này rất mạnh, bệnh nhân sốt cao liên tục kể từ khi mắc bệnh. TS Châu cho biết: "Lý do phản ứng viêm của bệnh nhân mạnh, chúng tôi đang nghĩ tới do cơ thể của bệnh nhân có những bất thường mà khoa học chưa giải thích được”.
Thông thường, diễn biến bệnh của những người mắc COVID-19 phụ thuộc vào phản ứng cơ thể và tác nhân gây bệnh. Khi có sự xâm nhập của virus, cơ thể sẽ có phản ứng để loại bỏ virus ra ngoài. Tuy nhiên, nếu phản ứng quá mạnh, nó sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến các bộ phận khác và cả cơ thể. Phản ứng miễn dịch của bệnh nhân 91 quá mạnh, dẫn đến tình trạng bệnh chuyển biến xấu.
TS. Châu lý giải: "Khi cơ thể có tác nhân xâm nhập cơ thể sẽ tiết ra Cytokine để ức chế virus và khỏi bệnh. Nhưng một số người Cytokine sản xuất ra quá nhiều chất đó tiêu diệt và ảnh hưởng tới phủ, tạng. Tại sao Cytokine của bệnh nhân 91 tiết ra nhiều thì y học vẫn đang nghiên cứu và chưa thể lý giải để tìm bất thường”.
TS Châu cũng bổ sung, giải pháp hiện tại có thể điều trị cho bệnh nhân 91 chính là lọc máu. Khi loại bỏ được các chất viêm và Cytokine ra khỏi cơ thể thì bệnh nhân mới có thể cứu sống.
Tình trạng sức khỏe hiện tại của bệnh nhân thứ 91 là cơ thể đang bị 2 phản ứng: một phần virus tấn công phổi và một phần do chính cơ thể bệnh nhân tiết ra chất chống viêm quá mạnh tấn công phổi, tổn thương thận và các cơ quan khác.
Theo Thảo Nguyên (Kienthuc.net.vn)