Từ bệnh nhân trở thành "chiến sĩ" chống Covid-19
Những ngày đầu tháng 6, Đà Nẵng nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ luôn ở mức 37- 40 độ C, trước sân nhà, anh Mai Anh Đức (Bệnh nhân Covid-19 số 687, SN 1982, trú quận Hải Châu) cùng ba cộng sự trong "Team 687" vẫn miệt mài hoàn thiện các khâu cuối cùng của chiếc máy khử khuẩn hơi sương di động để kịp tặng cho các bệnh viện tại thành phố. Họ vừa làm việc vừa mỉm cười rạng rỡ sau lớp khẩu trang, ánh lên trong mắt là sự hào hứng, mặc cho mồ hôi ướt đẫm áo.
Theo anh Đức, ý tưởng chế tạo chiếc máy phun sương khử khuẩn đến với mình từ lần nằm viện điều trị Covid-19 cuối tháng 7/2020. Đợt dịch đó, anh và con trai đều bị nhiễm SARS-CoV-2 và được chuyển đến điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Hoà Vang.
Trong thời gian cách ly, chứng kiến thành phố nơi gia đình sinh sống đang phải "gồng mình" chống dịch. Rồi tận mắt thấy các y bác sĩ thường xuyên phải mặc những bộ đồ bảo hộ màu trắng kín mít để điều trị cho bệnh nhân, anh đã trăn trở sẽ làm việc gì đó, góp một chút công sức nhỏ bé của mình để cùng Đà Nẵng chống dịch.
Quan sát thấy cồn sát khuẩn là thứ được dùng nhiều nhất trong các khu cách ly, anh Đức nảy sinh ý tưởng chế tạo dung dịch sát khuẩn, cũng liên quan đến công việc chuyên môn mà mình đang làm, để tri ân, động viên và góp phần bảo vệ y, bác sĩ cũng như các bệnh nhân Covid-19.
"Chứng kiến những đôi tay nhăn nheo, da dẻ khô khốc, bị lột… do thường xuyên tiếp xúc với cồn sát khuẩn của các y, bác sĩ, tôi thấy xót xa quá, nên ấp ủ việc chế tạo ra một loại nước rửa tay thân thiện hơn", anh Đức trải lòng.
Nghĩ là làm, sau ngày khỏi Covid-19 và được ra viện, bệnh nhân 687 lập tức bắt tay vào hiện thực hóa ý tưởng. Nhờ sự hỗ trợ từ một người bạn ở TP.HCM, anh Đức được cho mượn máy tạo nước sát khuẩn PG3.0 của Nhật Bản, trị giá hơn 100 triệu đồng. Chiếc máy có cơ chế trộn tự động hóa chất và nước máy để tạo ra dung dịch có nồng độ PH từ 5 đến 6,5, an toàn cho da tay.
Ngay khi ra viện, anh Đức đã cùng một số người bạn ngày đêm sản xuất nước sát khuẩn tặng cho các bệnh viện, chốt kiểm dịch, khu cách ly, phong toả,... Kể từ đó, dự án mang tên "Team 687" ra đời với với logo chữ màu đỏ tượng trưng cho nhiệt huyết, và ba chồi non màu xanh lá phía trên thể hiện sự chung tay và hy vọng sớm chiến thắng dịch Covid-19.
Với anh Đức, 687 là một con số mang ý nghĩa rất đặc biệt với bản thân. Đây là số hiệu gắn liền với anh trong những ngày mắc Covid-19, ghi dấu lại những tháng ngày khó quên của gia đình mình khi đã cùng nhau chiến đấu với dịch bệnh và giờ trở thành tên của dự án nhân văn do anh thực hiện để "trả ơn" các y bác sĩ đã điều trị cho mình.
Từ đợt dịch thứ 2 đến nay, "Team 687" đã sản xuất ra hơn 50.000 lít nước sát khuẩn tặng cho các bệnh viện, khu phong toả, cách ly, chợ ở Đà Nẵng hay các tỉnh Quảng Nam, Hải Dương.
"Nhiều người hỏi mua nước sát khuẩn, tôi không bán mà nói những người cần đến lấy về dùng, hoàn toàn miễn phí. Dung dịch nước sát khuẩn tôi tặng cho tuyến đầu chống dịch không ảnh hưởng đến sức khỏe và đã được Viện Pauster TP.HCM chứng nhận có khả năng diệt khuẩn đến 99%. Nước sát khuẩn sẽ được cung cấp liên tục đến những nơi cần, cứ dùng hết thì tôi lại tặng tiếp, đến khi nào hết dịch thì thôi", anh Đức chia sẻ.
Món quà thiết thực tri ân các y bác sĩ
Sau khi cung cấp miễn phí hàng nghìn lít nước sát khuẩn, anh Đức bắt tay vào thực hiện lời hứa chế tạo máy khử khuẩn di động và buồng khử khuẩn hơi sương để thay thế cho các buồng khử khuẩn được đặt ở một số bệnh viện, phun trực tiếp dung dịch, vừa lãng phí, vừa dễ hư hỏng vật dụng cá nhân mang theo.
Vốn là kỹ sư tốt nghiệp Đại học Bách khoa Đà Nẵng, anh Đức lên mạng nghiên cứu về công nghệ sóng âm tách nước thành hơi. Sau khi tìm được nguồn hỗ trợ máy phun hơi, Đức và "Team 687" tiến hành nghiên cứu, mua vật liệu về lắp đặt khung, kết hợp với nước sát khuẩn do mình làm để hoàn thiện máy khử khuẩn di động và buồng khử khuẩn di động, tặng cho các bệnh viện.
“Em may mắn vì việc mình làm đã nhận được sự lan toả, hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, mỗi người góp một ít. Cuộc sống cần nhiều những tấm lòng để sẻ chia và cùng chung tay, đẩy lùi dịch bệnh”, anh Đức tâm sự
Tiếp đó, anh Đức mua thiết bị máy phun sương tự động, rồi cùng các cộng sự sáng chế phần khung cơ khí đặt máy xuống phía dưới, phía trên là bình chứa dung dịch cấp nước sát khuẩn do nhóm tự sản xuất.
Chiếc máy được anh tích hợp hệ thống tự động nhận diện có người đi qua và thiết lập thời gian phun sương hợp lý. Hai vòi phun được bố trí ngang tầm tay và chân của người để việc phun khử khuẩn đạt hiệu quả cao nhất. Ngoài ra, máy còn có bốn bánh xe để dễ dàng di chuyển máy đến các khu vực khác nhau. Với buồng khử khuẩn, anh tạo khung, buồng kính.
Trao đổi với PV, anh Nguyễn Công Giàu (SN 1996, nhân viên công ty của anh Đức), người từng là F1 và tham gia vào "Team 687" từ những ngày đầu, chia sẻ: "Chúng tôi vừa thay nhau làm công việc tại công ty, vừa tham gia vào dự án. Dù công việc dù mất nhiều thời gian, thường xuyên làm từ sáng đến chiều tối, nhưng góp được một chút sức lực vào công tác chống dịch nên tất cả đều thấy vui và hạnh phúc. Khi nào anh Đức còn làm thì anh em vẫn sẽ tiếp tục đồng hành".
Theo "bệnh nhân 687", hiện trên thị trường có bán hệ thống buồng phun khử khuẩn, nhưng giá khoảng 50 triệu đồng, rất khó để các bệnh viện tuyến quận, huyện có điều kiện tự trang bị. Trong khi đó, buồng khử khuẩn do "Team 687" làm chỉ tốn 15 triệu đồng tiền vật liệu, còn máy khử khuẩn di động chi phí hết khoảng 8 triệu đồng. Do đó, có nhiều đơn vị, công ty có nhu cầu đã liên hệ đặt anh Đức làm với giá "hữu nghị".
"Tôi chỉ lấy phí mỗi thiết bị 5 triệu đồng và dùng chính số tiền này để quay lại mua vật tư để làm thêm nhiều buồng, máy khử khuẩn di động tặng cho tuyến đầu chống dịch", anh Đức bộc bạch.
Tính đến nay, "Team 687" đã lắp đặt buồng khử khuẩn miễn phí ở Bệnh viện Dã chiến Hòa Vang, Tòa nhà Hành chính Đà Nẵng, Trung tâm y tế quận Sơn Trà, Bệnh viện Phụ Sản - Nhi và Hải Dương trong đợt dịch thứ 3. Trong đợt bùng phát dịch này, anh Đức tiếp tục chế tạo 4 máy khử khuẩn di động tặng Bệnh viện Phổi và trung tâm y tế các quận ở Đà Nẵng.
Bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Bệnh viện Hoà Vang (Đà Nẵng) cho biết, máy phun khử khuẩn di động do "dự án 687" tặng rất tiện lợi trong việc di chuyển đến từng khu vực khác nhau, cũng như các phòng, khoa. Có thể dùng phun khử khuẩn các vật dụng cá nhân mà bệnh nhân bắt buộc phải mang về để hạn chế mầm bệnh lây lan cho cộng đồng, nếu có.
"Thiết bị của anh Đức là một sự sáng tạo với nhiều ưu điểm góp phần hạn chế lây lan mầm dịch trong môi trường bệnh viện và cộng đồng. Hành động của anh không những quan tâm đến Bệnh viện Hoà Vang nơi mình từng điều trị Covid-19, mà còn hỗ trợ cho các tuyến đầu chống dịch khác là điều rất đáng trân quý", bác sĩ Vĩnh nói.
Hiện nay, anh Đức và các cộng sự đã chuẩn bị 1.000 lít nước sát khuẩn và đang ráo riết hoàn thành 8 chiếc máy khử khuẩn di động để tặng cho đội ngũ y bác sĩ tại tỉnh Bắc Giang.
“Là nạn nhân của Covid-19 nên tôi cảm nhận được giá trị của cộng đồng, tình nghĩa của anh em, bạn bè nên quyết định phải hành động như một sự tri ân, lời cảm ơn với tất cả mọi người. Tôi cũng mong sẽ tìm được một nhóm thiện nguyện ngay tại Bắc Giang để cùng sẻ chia công nghệ làm nước sát khuẩn, lắp đặt buồng khử khuẩn di động. Tôi cũng như các anh em sẽ cố gắng duy trì hoạt động của dự án 687 cho đến khi Việt Nam hết dịch mới thôi”, anh Đức bày tỏ và mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành của các nguồn lực xã hội để mở rộng hoạt động thiện nguyện này ra nhiều địa phương trên cả nước.
Theo Hà Nam (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)