Liên quan đến vụ bệnh nhân Võ Thị Huỳnh Như (13 tuổi, tạm trú H.Củ Chi, TP.HCM) tử vong sau khi truyền dịch và thuốc vào ngày 3.1 tại Phòng khám (PK) đa khoa Phúc An (201, tỉnh lộ 15, tổ 7, ấp 1, xã Tân Thạnh Tây, H.Củ Chi), theo tìm hiểu của PV, PK này chỉ mới hoạt động trên 6 tháng nhưng đã có nhiều sai phạm.
Tuy nhiên, hồi tháng 11.2016 Phòng Y tế H.Củ Chi kiểm tra nhưng không phát hiện. Ngày 9.1, Phòng Quản lý dịch vụ y tế tư nhân phối hợp với Phòng Nghiệp vụ y (thuộc Sở Y tế TP) đến kiểm tra và phát hiện nhiều sai phạm tại PK này.
Cụ thể, PK không đăng ký hành nghề khám chữa bệnh với Sở Y tế cho 5 bác sĩ: Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Đức Phương, Nguyễn Đinh Tiên Hoàng, Lưu Y Vinh, Trần Thị Thanh Hiền; thay đổi cơ sở vật chất so với thẩm định của Sở: không có PK phụ khoa, không có khu vực rửa tay, thay trang phục trước tiểu phẫu; PK sản, phòng xét nghiệm không đảm bảo diện tích theo quy định. Đáng lưu ý là hồ sơ lưu bệnh tại PK ngày 3.1.2017 không có tên bệnh nhân Võ Thị Huỳnh Như nói trên... Dự kiến, ngày 13.1 Sở Y tế sẽ họp Hội đồng chuyên môn xem xét nguyên nhân tử vong của bệnh nhân Huỳnh Như, đưa ra phương án xử lý đối với PK đa khoa Phúc An.
Tối 10.1, ông Lê Ngọc Châu, Giám đốc Sở Y tế Hà Tĩnh, cho biết đơn vị này vừa phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng H.Đức Thọ (Hà Tĩnh) tiến hành giám định pháp y để làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Nguyễn Văn Toàn (56 tuổi, ngụ xã Đức Thanh, H.Đức Thọ). Ông Toàn tử vong sau khi được truyền dịch tại nhà.
Khoảng 19 giờ ngày 9.1, ông Toàn kêu chân tay khó cử động và đau bụng nên người nhà gọi y sĩ Phan Văn Hợi, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đức Thanh, đến thăm khám. Sau khi đo huyết áp, ông Hợi quyết định truyền dịch cho ông Toàn. Khi hết 1 chai, ông Toàn có biểu hiện đi ngoài, miệng rỉ máu nên người nhà đã báo lại với y sĩ này, nhưng ông Hợi khẳng định không có vấn đề gì và tiếp tục cho truyền dịch. Sau khi truyền gần hết chai thứ 3, ông Toàn nôn, miệng và mũi có dịch màu đen, người lịm dần rồi tắt thở sau đó.
Theo Duy Tính - Phạm Đức (Thanh Niên Online)