Trong thời gian qua, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạo tại nhiều địa phương, số trường hợp phải cách đi cách ly tập trung lên đến hàng trăm nghìn người, trong đó có hơn 4000 trẻ em. Hầu hết số trẻ em đang được cách ly tập trung đều không có cha mẹ, người thân đi cùng, đây có lẽ là thiệt thòi lớn nhất mà các em phải chịu đựng do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cũng trong số 4000 trẻ em đó, có những trường hợp đã trở thành F0, điều đó đồng nghĩa với việc các em sẽ không có cha mẹ, người thân đồng hành trong quá trình điều trị. Đó cũng chính là trường hợp của bé Huỳnh Khôi Nguyên (SN 2014, trú tại 94 đường Lê Hữu Trác, phường An Hải Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Thế nhưng trường hợp của bé Nguyên còn đau lòng hơn thế nữa.
Hành trình "độc mã" chống lại COVID-19 của cậu bé 7 tuổi
Theo thông tin trên báo Người lao động, Nguyên là bệnh nhân 3876 được phát hiện nhiễm Covid-19 vào ngày 15/5. Cậu bé được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang để điều trị.
Bố của Nguyên là anh Huỳnh Quốc Tuấn đang phải đi cách ly tập trung theo diện F1 chưa hết thời hạn 21 ngày. Mẹ của Nguyên sau thời gian cách ly thì cũng nhiễm Covid-19 và đang điều trị tại bệnh viện. Bản thân Nguyên cũng là F1 trở thành F0, những điều này đồng nghĩa với việc trong suốt toàn bộ quá trình điều trị em chỉ có một mình.
Cho đến chiều 31/5, sau khi kết thúc quá trình điều trị, được ra viện Nguyên cũng chỉ có một mình. Một đứa trẻ mới 7 tuổi nhưng đã tự trải qua tất cả những điều đó mà chỉ có một mình.
Thế nhưng cậu bé ấy chưa một lần tỏ ra lo lắng, kể cả khi biết tin nhiễm bệnh, được nhân viên y tế đưa đi điều trị một mình, cháu vẫn không khóc. Ngoan ngoãn tuân thủ quá trình cách ly, điều trị tại bệnh viện.
"Dù mới chỉ là đứa bé 7 tuổi nhưng khi mới biết tin nhiễm Covid-19, được nhân viên y tế đưa đi điều trị một mình, cháu vẫn không khóc hay tỏ ra lo lắng gì cả" - ông Phạm Hồng Dũng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường An Hải Đông nhớ lại khoảnh khắc Nguyên được đưa đi điều trị một mình.
Điều khiến ông Dũng ấn tượng đặc biệt với cậu bé này chính là tính tự lập cao và có bản lĩnh.
Mặc dù được y, bác sĩ, nhân viên y tế quan tâm, nhưng với một đứa trẻ đang tuổi cần có sự chăm sóc của cha mẹ bên cạnh thì việc không được gặp người thân đã là điều vượt quá sự chịu đựng. Thế nhưng đứa trẻ ấy không những không khóc lóc mà còn dũng cảm đối mặt.
Hơn nửa tháng điều trị, chiều 31/5, Nguyên đã chính thức được ra viện và trở về nhà. Thế nhưng nếu như những người bệnh khác sẽ có gia đình chào đón, thì Nguyên lại một lần nữa trở về nhà một mình. Bởi bố và mẹ vẫn chưa hết thời gian cách ly.
Cha mẹ con có thể tự hào!
Người tiếp đón Nguyên là cán bộ phường An Hải Đông, những người đang làm nhiệm vụ tại chốt phong tỏa, nơi khu vực mà gia đình cậu bé sinh sống.
Những tưởng cậu bé ấy sẽ một lần "mít ướt" vì bố mẹ vẫn chưa trở về thì một lần nữa đứa trẻ ấy khiến mọi người đau lòng. Không khóc nháo mà ngược lại tự lập, bản lĩnh khiến những người đang làm nhiệm vụ phải bất ngờ, cảm phục.
Đúng 6 giờ 30' thức dậy, vệ sinh cá nhân sau đó tập thể dục, ăn sáng, nghỉ ngơi và học bài theo sự hướng dẫn của tình nguyện viên. Buổi trưa, nói chuyện điện thoại với bố, ăn trưa và ngủ. Đến chiều, tiếp tục học bài rồi nghỉ ngơi, tự chơi, tự tắm rửa và ăn tối. Tối đến, cậu bé xem ti vi và nói chuyện với ba mẹ trước khi đi ngủ là cuộc sống thường ngày của Nguyên sau khi trở về nhà.
Nhưng điều khiến ai nấy kinh ngạc chính là tính tự giác của cậu bé. Tình nguyện viên sống cùng Nguyên trong thời gian này hàng ngày chỉ cần hướng dẫn, đưa đồ ăn và thức uống cho cậu bé mà thôi, bởi tất cả những việc khác, Nguyên đều tự giác, ý thức làm mà không cần nhắc nhở.
Một đứa trẻ ngoan ngoãn, hiểu chuyện khiến người khác phải đau lòng.
Bạn Trần Thị Phương Ánh, tình nguyện viên đang sống cùng nhà với Nguyên cho biết, lúc đầu khi nhận nhiệm vụ cô khá lo lắng, tuy nhiên nghĩ đến hoàn cảnh không có cha mẹ, người thân bên cạnh của Nguyên, thương cháu nên em quyết tâm nhận nhiệm vụ.
Thế nhưng khi sống cùng Nguyên, Ánh bất ngờ vì Nguyên rất ngoan và là đứa trẻ biết sống tự lập.
Hằng ngày, cán bộ trực tại chốt phong tỏa sẽ mang đồ ăn mà phường chuẩn bị cho lực lượng làm nhiệm vụ ở các chốt phong tỏa vào cho cả Ánh và Nguyên. Riêng cháu Nguyên, cán bộ phường đặc biệt quan tâm bởi hoàn cảnh hiện tại cháu khá đặc biệt.
Đích thân ông Phạm Hồng Dũng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự phường An Hải Đông đã đến gia đình Nguyên để dọn dẹp và lau rửa toàn bộ vật dụng khu bếp trước khi đón Nguyên trở về bởi nhiều thực phẩm gia đình còn chưa kịp dọn dẹp trước khi đi cách ly, điều trị đã bốc mùi, hư hỏng.
Những ngày trở về nhà, vì bố mẹ vẫn đang trong quá trình cách ly, điều trị, Nguyên chỉ có thể nói chuyện với bố mẹ qua điện thoại. Cán bộ phường cũng thường xuyên cập nhật tình hình của Nguyên qua MXH cho bố Nguyên là anh Anh Huỳnh Quốc Tuấn được biết. Đồng thời, gia đình rất cảm kích tấm lòng của những cán bộ phường, cán bộ Đoàn, cán bộ Ban Chỉ huy quân sự và của nữ sinh viên Phương Ánh, người trực tiếp chăm sóc Nguyên.
"Những lời cảm ơn không sao kể hết vì con chúng tôi đã được chăm sóc bằng cả tấm chân tình. Ngày nào qua điện thoại, cháu cũng rất vui vẻ" - báo Người lao động dẫn lời bố Nguyên chia sẻ.
Giữa lúc tình hình dịch bệnh vẫn đang hết sức phức tạp, nhiều trẻ em buộc phải cách ly tập trung, thế nhưng dù là Nguyên hay bé M. (đang cách ly tại Khu cách ly 16, Tiểu đoàn 16 của Trường Sĩ quan Chính trị tỉnh Bắc Giang) đều cho thấy một tình thần "dũng cảm". Dù các con chỉ là những đứa trẻ nhưng lại ngoan ngoãn, hiểu chuyện đến mức khiến người lớn phải đau lòng.
Hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi, để những đứa trẻ như Nguyên, bé M. được đoàn tụ trong vòng tay yêu thương, chăm sóc của cha mẹ.
Được biết, toàn thành phố có 19 cháu F0 đang điều trị (Bệnh viện Phổi: 7 cháu; Trung tâm Y tế Hòa Vang: 12 cháu); 66 cháu thuộc diện F1 đang cách ly tập trung, gồm huyện Hòa Vang: 4 cháu; quận Sơn Trà: 46 cháu; quận Thanh Khê: 8 cháu; quận Ngũ Hành Sơn: 1 cháu; quận Cẩm Lệ: 1 cháu; quận Liên Chiểu: 3 cháu; quận Hải Châu: 3 cháu.
Theo Báo Đà Nẵng
Theo Hạ Vũ (Nhịp Sống Việt)