Là người chăm sóc cho cháu ngoại từ thuở lọt lòng, bà Lê Thị Mão (52 tuổi, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa) chia sẻ: “Lúc chào đời, cơ thể thằng bé bình thường như bao đứa trẻ khác, phần đầu hơi mềm. Tuy nhiên, gia đình chỉ nghĩ đứa trẻ sơ sinh nào cũng có thóp thở nên không mấy quan tâm”.
Trong 3 tháng đầu, bé Đoàn ngủ và tu ti mẹ đều đặn, thậm chí rất ít quấy khóc. Từ tháng thứ 4 trở đi, bé bắt đầu có những biểu hiện lạ như đầu to, mắt lờ đờ, ăn hay trớ…
Thấy vậy, gia đình bà Mão đã đưa cháu lên bệnh viện huyện Ngọc Lặc thăm khám. Tại đây, bác sĩ trả lời không thể điều trị và giới thiệu lên tuyến tỉnh.
“Ở bệnh viện tỉnh, các bác sĩ chẩn đoán thằng bé bị não úng thủy, phải ra bệnh viện Nhi Trung ương mới cứu chữa kịp thời. Thế nhưng gia đình tôi không có đủ tiền nên đành đưa cháu về nhà chăm sóc”, bà Mão xót xa.
Hơn 6 tháng kể từ ngày phát hiện ra bệnh, cơ thể bé Đoàn thay đổi rất nhiều, nhất là phần đầu to lên mỗi ngày đã chèn ép dây thần kinh khiến bé đau đớn. “Nhiều lúc, tôi thấy thằng bé nằm chơi một mình rồi ứa nước mắt vì cơn đau mà như đứt từng khúc ruột”, bà Mão nghẹn lòng.
Dù phải chịu bao đau đớn thể xác nhưng mỗi bữa bé ăn được gần 1 bát cơm. Có lẽ, bé ăn bao nhiêu chỉ để “nuôi lớn” phần đầu.
Nhắc đến chị Hoa - mẹ của bé (18 tuổi), bà Mão gạt nước mắt: “Con gái tôi vẫn ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”. Bởi vậy, nó có biết gì đâu, vẫn vô tư lắm!
Năm 16 tuổi, nó lỡ có bầu nhưng nhà kia họ “phủi” trách nhiệm. Chúng tôi đành chấp nhận để nó sinh con ra và cố gắng nuôi nấng. Ngờ đâu, thằng bé lại mang bệnh tật từ nhỏ!”, bà Mão cho biết.
Thấy chị Hoa ngồi sát giường bệnh chăm sóc con, chúng tôi đã hỏi tình hình sức khỏe của bé. Hoa vội vàng đáp: “Con trai em được 20kg! Mỗi lần em bế con thấy nặng lắm, chỉ được khoảng 10 phút là phải đặt xuống giường”.
Trước đó, cảm thương hoàn cảnh của bé Đoàn, một nhóm tình nguyện đã giúp đỡ gia đình bà Mão, chị Hoa và đưa bé ra Hà Nội thăm khám vào ngay 25/10.
Trao đổi với chúng tôi về tình trạng của bệnh nhi Bùi Trung Đoàn, TS.BS Trương Mai Hồng – Phó Trưởng khoa cấp cứu, BV Nhi Trung ương cho biết, bé Đoàn vào viện trong tình trạng di chuyển khó khăn, đầu úng thủy nặng, chỉ nằm một chỗ, có nhận thức và giao tiếp được với người nhà.
“Hiện, não của bệnh nhi chứa nhiều nước khiến mắt bị sụp mí, dịch tay chảy ra ngoài. Vì vậy, cơ hội sống của bé rất ít, chỉ có thể kéo dài sự sống cho bé. Bên cạnh đó, bệnh viện cũng động viên gia đình tính tới khả năng đưa cháu về nhà”, TS. BS Trương Mai Hồng nói.
Bệnh não úng thủy ở trẻ nhỏ có nhiều nguyên nhân gây ra như do nhiễm trùng từ trong bào thai, u não và có thể là do bẩm sinh…
Nếu trẻ không được mổ sớm thì nhu mô não bị chèn ép, gây ra những di chứng nghiêm trọng: mù, điếc, liệt hai chi... Tuổi phẫu thuật tốt nhất cho trẻ là dưới sáu tháng tuổi hoặc càng sớm càng tốt ngay sau khi phát hiện ra. Nếu trẻ được mổ sớm đầu sẽ không bị to ra và trí tuệ của trẻ vẫn phát triển được như trẻ bình thường.
Não úng thủy có thể phát hiện ngay ở trong thời kỳ mang thai nếu được siêu âm đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ. Để phòng căn bệnh này, trong thời kỳ mang bầu cần phải bổ sung đầy đủ acid folic để ngăn ngừa dị tật liên quan tới ống thần kinh.
Hiện nay đa số trẻ bị não úng thủy đến bệnh viện điều trị khi đã muộn, dễ để lại di chứng khó điều trị. Khi cha mẹ chăm sóc con nếu đầu trẻ to hơn bình thường, bú hay nôn, mắt lờ đờ thì cần đưa trẻ tới bệnh viện sớm để phát hiện và điều trị kịp thời.
TS.BS Trương Mai Hồng
Theo Lê Phương (Khampha.vn)