Bê tông lót xốp trên cầu vượt đường sắt Hà Nội: Sở GTVT yêu cầu kiểm tra, làm rõ

05/07/2016 09:47:00

Chiều 4/7, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, sau khi báo chí phản ánh về tấm xốp lót bê tông móng cột điện chiếu sáng cầu vượt đường sắt Dự án trục đường phía Nam Hà Nội, Ban giám đốc Sở đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 và chủ đầu tư là Cty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 kiểm tra, xử lý.

Chiều 4/7, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, sau khi báo chí phản ánh về tấm xốp lót bê tông móng cột điện chiếu sáng cầu vượt đường sắt Dự án trục đường phía Nam Hà Nội, Ban giám đốc Sở đã yêu cầu Ban Quản lý dự án 2 và chủ đầu tư là Cty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 kiểm tra, xử lý.
 
Cận cảnh miếng xốp lót trên lớp bê tông đã trơ lõi thép tại móng cột chiếu sáng cầu vượt đường sắt, dự án trục đường phía Nam Hà Nội.
Chủ đầu tư nhận có sai sót

Cùng ngày, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần phát triển địa ốc Cienco5 giải thích với Tiền Phong, theo hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt, dưới chân lan can cầu vượt đường sắt sẽ bố trí hộp điện phục vụ đấu nối cấp điện cho hệ thống chiếu sáng. Quan sát trong các lỗ, giữa lớp vữa đệm của gạch lát và tấm bê tông cốt thép kê làm vỉa hè người đi bộ có lớp xốp dày 3cm.

Trước đó, năm 2012 đơn vị thi công đã đặt bản bê tông cốt thép kê làm phần vỉa hè người đi bộ (dày 8cm, rộng 1mx1,175m). Tại thời điểm đó chưa lắp đặt đường dây cấp điện hệ thống chiếu sáng

Do vậy, trong quá trình thi công đấu điện tạm để chiếu sáng, đơn vị thi công đã đục bản bê tông cốt thép làm phần vỉa hè người đi bộ, sau đó đặt 1 tấm xốp để định vị những vị trí đấu nối luồn cáp vào chân cột đèn và lát gạch vỉa hè để tiện cho việc phá dỡ luồn cáp. 

Tới đầu năm 2015, nhà đầu tư cho phá vỡ các viên gạch lát tại sát vị trí cột chiếu sáng để đi đường dây tạm, cấp điện cho 24 cột đèn nhưng đơn vị thi công chưa hoàn thiện các vị trí lỗ đục trên vỉa hè, dẫn đến tình trạng trên.

“Tấm xốp được đặt dưới lớp cát, gạch lát với mục đích chống thấm vào hệ thống dây điện. Thi công các vị trí lỗ chờ chậm hoàn thiện là sai sót, ảnh hưởng đến mỹ quan, an toàn của người đi bộ, đồng thời tổ thi công phần điện chiếu sáng chưa hợp lý, đồng bộ với thi công vỉa hè” - ông Sơn nói.

Đại diện Ban Quản lý dự án giao thông 2 cũng cho biết, đơn vị sẽ yêu cầu nhà đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh công trình, như chính thức đi dây điện, đấu nối vào các hộp điện, thay thế các tấm bản bê tông cốt thép và các viên gạch lát hè bị ảnh hưởng. Đồng thời, rút kinh nghiệm trong việc quản lý, tổ chức thi công, sớm đưa công trình vào sử dụng. Vị này cho biết, sẽ tổ chức giám định chất lượng công trình trước khi bàn giao.

“Định vị trụ điện kiểu kỳ lạ”

Cùng ngày, trả lời báo Tiền Phong, TS Phạm Sanh, chuyên gia lĩnh vực công trình giao thông cho biết, bê tông lót xốp chân móng cột đèn chiếu sáng ở cầu vượt đường sắt Hà Nội cho thấy dấu hiệu lãng phí trong đầu tư xây dựng công trình giao thông, đặc biệt trong vấn đề chất lượng công trình.

TS Phạm Sanh cũng tỏ ra ngạc nhiên khi công trình chưa thi công chiếu sáng mà đã làm mặt vỉa hè hoàn chỉnh, 3 năm sau thi công chiếu sáng vẫn là thi công tạm!

“Không ai định vị trụ điện kiểu kỳ lạ, mốc nằm khuất dưới mặt vỉa hè như vậy. Nhà thầu chỉ nghĩ tạo điều kiện dễ dàng cho thi công cáp ngầm sau này nhưng khi đã làm trụ điện chiếu sáng dù là tạm cũng phải dọn dẹp làm hoàn chỉnh lại cẩn thận, an toàn” – ông Sanh nói.

Cũng theo TS Phạm Sanh, hạng mục vỉa hè mà chất lượng kém sẽ nhanh chóng dẫn đến hư hỏng, sụt lún, xuống cấp, bất tiện cho người tham gia giao thông và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

 Thậm chí, nếu lâu ngày không sửa có thể gây mất ổn định phần đường tiếp giáp, nước mưa thấm nhiều làm giảm tuổi thọ cầu.

 Các cơ quan chức năng cần vào cuộc thanh tra, kiểm định lại toàn bộ công trình, đặc biệt kiểm tra lại thiết kế, biện pháp thi công được duyệt, nhật ký thi công và các biên bản xử lý về hạng mục chiếu sáng.

Theo Nguyễn Hoàn (Tiền Phong)