Con gái 7 tuổi mất tích cùng bạn học
Vào một ngày đầu mùa thu năm 1976, bà Phạm Thị Như Khuê (tên thường gọi là bà Huệ) ở Đà Nẵng bị thất lạc đứa con gái khoảng 7 tuổi tên Phạm Thị Minh Nguyệt. Bạn của Nguyệt là Phụng cũng mất tích.
Bà Huệ khi đó ở phường Nam Dương, thành phố Đà Nẵng. Bà không chồng, một mình bán chè ở con hẻm, nuôi 5 người con. Nguyệt là con gái thứ 2 của bà Huệ.
Con bỗng dưng mất tích, bà Huệ nhiều năm hỏi thăm tung tích. Năm 1990, bà từng sáng lên chút hy vọng về việc tìm thấy con, khi có một người hàng xóm cũ vào TP.HCM về kể lại rằng đã gặp cả chị Nguyệt và Phụng. Người này hứa sẽ dẫn bà Huệ vào TP.HCM đi tìm con. Nhưng sau đó, người hàng xóm bị trúng gió qua đời. Bà Huệ hết hy vọng về việc tìm con.
Bà Huệ cùng các con sau này sống nhờ cửa chùa gần 20 năm rồi bà quyết định đi tu. Cách đây không lâu, chị Vinh - con gái thứ 3 của bà Huệ cũng vừa xuống tóc đi tu. Một người con trai lớn của bà Huệ đã qua đời. Người con gái còn lại tên Cẩm Hồng đang sống và làm việc ở Đà Nẵng.
Người con út của bà Huệ (ra đời sau khi chị Nguyệt bị đi lạc) nay là đại đức Thích Pháp Hiếu, trụ trì chùa Tam Bảo, Đà Nẵng. Khoảng năm 2008 - 2009, đại đức Thích Pháp Hiếu đi học ở TP.HCM, có liên hệ với công an quận Thủ Thiêm để nhờ hỗ trợ nhưng không có thông tin gì.
Gần 47 năm không có tung tích của con gái. Bà Huệ trong lòng luôn đau đáu, không biết con có khỏe mạnh không, đã có chồng con gì chưa. “Tôi mong con gặp được người bạn đời tốt, sống khỏe mạnh, an vui. Ngày nó còn ở với tôi nó dễ thương lắm. Tôi mong được gặp lại con một lần là hạnh phúc rồi, có nhắm mắt cũng yên lòng”, bà Huệ nói.
47 năm, con đã đi những đâu
Trong khi mẹ mòn mỏi nhớ mong thì từ ngày đi lạc, cô bé Nguyệt đã nếm trải biết bao cay đắng cuộc đời.
Nhớ lại cái ngày mình lạc nhà, chị Nguyệt kể: “Bình thường thì 2 đứa vẫn đi học cùng nhau, mẹ tôi và mẹ Phụng cùng dắt đi. Trước hôm đi lạc một ngày, Phụng bảo: “Mẹ mình mới dắt mình đi đường tắt này lần đầu tiên, vui lắm. Mai mình dắt bạn đi nhé, mẹ đừng bảo mẹ bạn, mình cũng không bảo mẹ mình”.
5 giờ sáng hôm sau Phụng đến gọi Nguyệt. Hai đứa trẻ đứa dắt tay nhau đi men theo đường ray, cứ đi, cứ đi đến lúc mệt quá thì nằm ở gốc cây. Tàu chạy ngang qua nhìn thấy, có người nhảy xuống bồng 2 đứa trẻ lên tàu. Theo con tàu ấy, Nguyệt và Phụng lang thang, lạc đến tận ga Sài Gòn, đoạn chợ Bến Thành cũ, TP.HCM.
Đến TP.HCM, Nguyệt, Phụng đi lòng vòng chơi mấy tiếng đồng hồ, thấy thích thú mọi thứ, đến lúc mệt lại đứng khóc, mọi người gọi loa tìm nhưng chẳng ai ra nhận. Đến tối, người ta đóng cửa quán xá hết, 2 đứa trẻ ôm nhau ngủ ngoài đường.
Nguyệt và Phụng cứ lang thang như vậy cho đến một hôm đang đứng trước cửa một sạp bán đồ lưu niệm trên đường Nguyễn Huệ, Nguyệt được bà chủ sạp nhận nuôi. Bà đưa Nguyệt về nhà trọ tắm rửa, mua qua chục bộ quần áo. Ở đó mấy ngày rồi bà dẫn Nguyệt về Gò Dầu, Tây Ninh, đó là nơi gia đình bà đang sinh sống. Còn Phụng cũng được một người phụ nữ khác đưa về chợ Lớn.
Về nhà bố mẹ nuôi, Nguyệt chủ yếu trông em, ba mẹ kêu làm gì thì làm nấy, không khổ nhưng không được đi học.
Tưởng đâu cuộc đời cô bé Nguyệt may mắn có tổ ấm mới, nhưng chỉ được 4 năm. Trong một lần ở nhà trông em, vô tình làm em ngã gãy tay, Nguyệt bị mẹ nuôi đánh đòn. Bố mẹ nuôi quyết định không cưu mang Nguyệt nữa, cho cô bé đi xe đò trở về đúng đường Nguyễn Huệ.
Nguyệt tiếp tục theo người ta đi làm thuê. Công việc vất vả, nguy hiểm, mấy lần suýt bị rắn cắn, Nguyệt xin chủ cho về mà không được, còn bị đánh. Được hơn 2 năm, đợi một hôm có ghe vào hái ổi, Nguyệt lẻn xuống ghe bỏ trốn. Chủ ghe biết chuyện, thương nên cho tiền và chỉ đường cho Nguyệt đi về.
Một lần nữa, Nguyệt về lại đường Nguyễn Huệ. Nguyệt vừa vui vì được người tốt giúp đỡ, thoát khỏi nơi khổ ải, nhưng lại xen lẫn nỗi buồn, sợ hãi vì không biết tiếp theo sẽ đi đâu, về đâu.
Rồi Nguyệt đi xin việc làm, dọn dẹp nhà cửa, giữ em cho nhà giàu. “Tôi bồng em tím cả hai bên eo. Khổ lắm, gia đình người ta ăn trước, mình ăn sau, còn thừa gì thì ăn nấy, hết thì thôi, người gầy gò, xanh lét. Tủi nhục như vậy, tôi càng nhớ gia đình nhiều hơn, nhớ mẹ, bà ngoại nhưng không biết làm sao để về. Tôi khóc thì còn bị đánh, chửi thêm”, chị Nguyệt nức nở nhớ lại.
Sau này, chị Nguyệt làm ở quán cơm cho mẹ nuôi tên Châu. Từ quán cơm này, chị gặp người chồng hiện tại.
Năm 1991, chị Nguyệt 21 tuổi, lập gia đình. Sau 15 năm lưu lạc, chị đã gây dựng được tổ ấm của riêng mình. Đoạn đời mới bắt đầu, chị may mắn có người chồng tốt, cha mẹ chồng yêu thương, anh em chồng hiền lành.
Chị mở quán cơm, rồi kiot bán cafe trên đường Nguyễn Huệ. Chị có 3 người con, một trai, hai gái đều đã trưởng thành, có công ăn việc làm, phụ giúp bố mẹ về kinh tế. Gia đình chị đang ở trọ ở TP.Thủ Đức, TP.HCM. Con gái lớn rất xúc động mỗi lần nghe mẹ kể về chuyện đi lạc. Do đó đã gửi thư đến chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” nhờ tìm giúp.
Trong ký ức của mình, chị Nguyệt vẫn nhớ mẹ tên là Phạm Thị Như Khuê, anh trai là Phạm Minh Huy, em gái tên Cẩm Hồng. Nơi chị từng sinh sống ở Đà Nẵng là một con hẻm, có trường học và chùa ở đối diện đường, có xưởng làm mành trúc, tiệm tạp hóa lớn,... Đặc biệt trong một lần đi làm lại giấy tờ, chị Nguyệt lục lọi trí nhớ của mình và nhớ ra địa chỉ nhà là ở phường Nam Dương.
Chị Nguyệt có nhờ người tìm kiếm, nhưng người ta nói ở Đà Nẵng giờ thay đổi hết rồi, không có thông tin gì cả.
Sau 47 năm lưu lạc, chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã giúp chị Nguyệt đã đoàn tụ với gia đình. May mắn, mẹ của chị vẫn còn khỏe mạnh. Mẹ con, chị em gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi, nước mắt nghẹn ngào, hạnh phúc khó diễn tả bằng lời.
Theo Lam Giang (Nguoiduatin.vn)