Bé gái 13 tuổi chuyển dạ sinh thường tại Hà Nội, em bé chào đời nặng 2,9kg

30/03/2023 09:43:29

Bé gái 13 tuổi có cơn chuyển dạ, khi vừa đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thì sinh thường, cháu bé nặng 2,9kg.

Sáng 30/3, GS.TS.BS Nguyễn Duy Ánh - GĐ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, các bác sĩ tại viện vừa tiếp nhận và đỡ đẻ cho một "thai phụ nhí" 13 tuổi, sinh thường em bé nặng 2,9kg. “Bé gái này ở quê chuyển cấp cứu lên bệnh viện, tới viện các bác sĩ vừa đưa vào phòng thì cháu đã sinh thường ngay. Sau sinh, sức khỏe hai mẹ con bình thường, hiện đã được ra viện”, GS Ánh thông tin.

Theo ông Ánh, sau khi sinh xong gia đình có ý định bỏ lại em bé hoặc cho em bé, tuy nhiên các bác sĩ đã động viên, chia sẻ để gia đình đồng ý đưa hai mẹ con về. “Theo thông tin tôi được biết, cháu bé quan hệ tình dục và mang thai là đồng thuận, tuy nhiên dựa trên quy định pháp luật thì cơ quan công an sẽ giải quyết. Dưới góc độ chuyên môn, việc gia đình hắt hủi hai mẹ con là điều tuyệt đối không nên, bởi bé gái mang thai khi tuổi còn quá nhỏ, nếu thiếu đi sự quan tâm, bị mọi người xa lánh sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, nhất là thời điểm sau sinh. May mắn gia đình đã hiểu ra vấn đề”, bác sĩ Ánh chia sẻ.

Bé gái 13 tuổi chuyển dạ sinh thường tại Hà Nội, em bé chào đời nặng 2,9kg
Ngày càng nhiều những vụ trẻ vị thành niên mang thai và sinh con. (Ảnh minh họa)

GS Nguyễn Duy Ánh cho biết, hiện nay, ngày càng nhiều trẻ dậy thì sớm nên việc quan hệ tình dục sớm không lạ, tuy nhiên quan hệ dẫn tới mang thai ngoài ý muốn lại là vấn đề rất đáng cảnh báo. Do vậy, vấn đề giáo dục trong nhà trường và gia đình cần được đẩy mạnh hơn nữa.

Nói về những ảnh hưởng của việc mang thai, sinh con ở độ tuổi vị thành niên, GS Ánh cảnh báo, nữ giới dưới 18 tuổi sinh con khi cơ thể phát triển chưa đầy đủ sẽ đối diện với nhiều nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng.

Thứ nhất, quá trình mang thai sẽ ảnh hưởng đến tâm lý, việc học hành và cuộc sống của trẻ khi các cháu chưa được chuẩn bị và sẵn sàng cho việc làm mẹ. Ngoài ra, mang thai giai đoạn này trẻ thường giấu bố mẹ, từ đó không được chăm sóc sản khoa tốt nhất dẫn đến không phát hiện bất thường, ảnh hưởng đến cả mẹ và bé sau này.

“Vấn đề lớn nhất khi mang thai ở độ tuổi còn quá trẻ là nguy cơ sảy thai, phá thai hoặc nếu sinh con rất dễ bị dị tật thai nhi. Điều này sẽ ảnh hưởng đến trực tiếp đứa trẻ và thậm chí là gánh nặng cho gia đình và xã hội”, GS Ánh nói.

Thứ hai, GS Ánh cảnh báo, trẻ vị thành niên có nguy cơ đẻ non rất cao. Thậm chí nếu mang thai đủ tháng thì việc khung xương chậu của người mẹ chưa phát triển có thể gây khó khăn trong quá trình sinh nở, đó là chưa kể dễ xảy ra tình trạng băng huyết, tai biến sản khoa, nhất là nếu tự sinh con, đẻ rơi như một số vụ thời gian qua.

Thứ ba, sau khi trẻ sinh xong, do chưa sẵn sàng làm mẹ nên kỹ năng chăm con, nuôi con chưa có vì thế ảnh hưởng rất lớn đến em bé. Không chỉ có vậy, trẻ vị thành niên sinh con còn dễ bị ảnh hưởng đến tinh thần, nguy cơ trầm cảm sau sinh cao vì các em thường phải chịu những lời bàn tán, đàm tếu của những người xung quanh.

“Tóm lại, để chấm dứt tình trạng trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn là bài toán khó và dường như không thể, điều chúng ta cần làm là hạn chế xảy ra. Muốn làm được điều đó thì giáo dục giới tính cho trẻ là quan trọng nhất, trong đó nhà trường, gia đình phải là hạt nhân và có liên hệ mật thiết với nhau”, bác sĩ Ánh khuyến cáo.

Theo Lê Phương (Phụ Nữ & Pháp Luật)