Bé gái 11 tuổi bị mẹ nhốt không cho đi học: Sau 1 năm 'giải cứu' đã biết rất nhiều phép tính

06/12/2017 08:34:00

Đó là bé Võ Thu Hà (SN 2005) ở tầng 7, tòa nhà chung cư No1A, Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), được nhắc tới cách đây gần 1 năm do 11 tuổi vẫn bị mẹ "nhốt" không cho đi học.

Sau khi chính quyền địa phương vào cuộc cách ly khỏi người mẹ, đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội số III Hà Nội), bé Hà tiếp tục được đưa vào Trung tâm phục hồi chức năng Việt – Hàn (thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội). Hiện bé đang được chăm sóc rất chu đáo cả về thể chất lẫn tinh thần, nhận thức cũng khá hơn nhiều so với thời gian đầu về Trung tâm.

Bé gái 11 tuổi bị mẹ nhốt không cho đi học: Sau 1 năm 'giải cứu' đã biết rất nhiều phép tính
Bé Hà được chăm sóc rất chu đáo cùng các em có chung hoàn cảnh.

Ngày 5/12, chúng tôi đến Trung tâm phục hồi chức năng Việt – Hàn (thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội) sau gần 1 năm bé Hà được đưa đến đây chăm sóc, để ghi nhận tình hình sức khỏe của bé.

Lúc này, bé Hà vừa ăn cơm trưa xong, đang chuẩn bị lên giường nghỉ cùng các bạn thì được cán bộ điều dưỡng giới thiệu và dẫn ra phòng khách để trò chuyện.

Bé gái 11 tuổi bị mẹ nhốt không cho đi học: Sau 1 năm 'giải cứu' đã biết rất nhiều phép tính - 1
Bé Hà đã thay đổi rất nhiều kể từ ngày sống tại Trung tâm.

Bé Hà lúc này đã khác hẳn so với những ngày đầu được "giải thoát" khỏi căn phòng kín chỉ có hai mẹ con. Mái tóc ngắn ôm trọn khuôn mặt xinh xắn của Hà. Làn da của bé trắng hồng, không còn xanh xao như trước. So với một số bạn cùng trang lứa, bé Hà còn chậm chạp và ít nói, nhưng ở trung tâm này thì bé khá nổi trội.

Sau một hồi làm quen, Hà chăm chú nhìn thẳng vào chúng tôi một lúc rồi nở nụ cười hồn nhiên.

Bé gái 11 tuổi bị mẹ nhốt không cho đi học: Sau 1 năm 'giải cứu' đã biết rất nhiều phép tính - 2
Hà biết viết, đọc khá lưu loát.

Theo cô giáo trực tiếp dạy và chăm sóc bé Hà, tuy ít nói nhưng hàng ngày bé vẫn chia sẻ về chuyện gia đình với một số bạn bè thân thiết và cô giáo. Đối với những người lạ, H. rất hiếm khi nói rõ thành lời.

Trong cuộc trò chuyện với PV, bé vẫn còn nhớ từng thành viên trong gia đình.

"Hôm nay cháu làm tăm tre, bố cháu làm nghề cửa gỗ, mẹ đi bán hàng. Nhà cháu có bác Quang, bác Long. Cháu nhớ nhất bác Long…".

Bé gái 11 tuổi bị mẹ nhốt không cho đi học: Sau 1 năm 'giải cứu' đã biết rất nhiều phép tính - 3
Đường nét vẽ bông hoa của bé Hà

Khi được hỏi về ước muốn của mình, Hà nói: "Con nhớ mẹ và mong được về với mẹ, muốn được về ăn tết với cả nhà...".

Trường hợp duy nhất không có gia đình đến thăm

Cô giáo Hà Thị Ngọc Thảo cho biết, hiện tại bé Hà đang học Tiếng Việt chương trình lớp 2, toán lớp 1. So với khi mới vào Trung tâm bé đã có sự phát triển toàn diện cả về thể chất và nhận thức.

Bé gái 11 tuổi bị mẹ nhốt không cho đi học: Sau 1 năm 'giải cứu' đã biết rất nhiều phép tính - 4
Cô Hà Thị Ngọc Thảo.

Cô giáo trực tiếp dạy bé Hà chia sẻ, trước đây khi mới về Trung tâm do bị trầm cảm nên bé H. thường có biểu hiện sống thu mình, không chia sẻ với bất kể ai.

"Trước đây khi cho cháu Hà làm tăm, cháu thường nhét hết giấy vào trong hoặc để lộn đầu tăm, nhưng bây giờ, cháu đã có thể tự làm hoàn thiện được một gói tăm", cô giáo cho hay.

Bé gái 11 tuổi bị mẹ nhốt không cho đi học: Sau 1 năm 'giải cứu' đã biết rất nhiều phép tính - 5
Bé Hà còn biết vẽ và vẽ khá đẹp.

Tuy nhiên, sau khi được trị liệu và học tập bé Hà đã có sự tiến bộ rõ rệt. Đó là biết chia sẻ với bạn bè, tham gia phát biểu bài trong giờ học… Không chỉ có vậy, cháu còn có tiến triển rất tốt trong việc học nghề hướng nghiệp.

"Dự kiến trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi về khả năng hòa đồng của cháu, đồng thời cho cháu học thêm 1 số nghề khác, cháu thích hợp với nghề nào thì sẽ cho theo nghề đó", cô Thảo nói

Trao đổi với PV, ông Kiều Hữu Long – PGĐ Trung tâm Phục hồi chức năng Việt – Hàn cho biết, trong số 124 trẻ đang được nuôi dưỡng, giáo dục và điều trị tại Trung tâm, bé Võ Thu Hà là trường hợp đặc biệt nhất, vì 123 cháu đều có gia đình, riêng bé thì không.

Ông Long cho biết thêm, trong suốt gần 1 năm qua, phía Trung tâm đã kết nối với UBND phường Hoàng Liệt, tìm cách liên hệ với mẹ của bé Hà nhưng mọi nỗ lực đều không thành.

"Vì liên quan đến việc làm hộ khẩu cho H., chúng tôi đã liên hệ với địa phương để tìm mẹ và lấy giấy tờ, nhưng cho đến bây giờ, phía chính quyền cũng không biết mẹ cháu đã đi đâu", vị lãnh đạo này nói.

Phía Trung tâm cũng cho biết thêm, một số em sinh sống tại trung tâm này còn có bố mẹ hoặc người thân thi thoảng đến hỏi thăm, riêng với Hà, chỉ có duy nhất người bác họ đến thăm nhưng cũng không để lại liên lạc.


Cô giáo chia sẻ về sự phát triển của bé Hà

Trước đó, trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt cho biết, suốt hơn 3 năm kể từ khi biết thông tin chị Trần Thị Hồng N. (SN 1973) không cho con gái đi học, chính quyền địa phương đã hàng chục lần đến động viên nhưng đều nhận được lời khước từ của chị N.

Theo ông Hải, năm 2013, nhận được tin báo của tổ dân phố và cảnh sát khu vực về việc cháu Võ Thu Hà (SN 2005) ở tầng 7, tòa nhà chung cư No1A, Khu đô thị Linh Đàm, đã 8 tuổi nhưng không được mẹ cho đi học nên UBND phường cùng nhiều ban ngành xuống tận nơi để nói chuyện.

Chính quyền và đại diện các đoàn thể đã động viên H. để cho con gái đi học nhưng chị này sợ người khác hại con mình nên nhất quyết không đồng ý.

Bé gái 11 tuổi bị mẹ nhốt không cho đi học: Sau 1 năm 'giải cứu' đã biết rất nhiều phép tính - 6
Cô giáo tại Trung tâm đang hướng dẫn bé Hà học tập.

Được biết, chị N. kết hôn với anh H. vào năm 2004. Tuy nhiên, hai người lấy nhau không được gia đình đồng ý. Sau khi sinh cháu Hà không lâu, hai vợ chồng ly hôn.

Theo Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt, sau khi ly hôn chị N. được quyền nuôi con. Cũng từ đó người phụ nữ này luôn cảnh giác cao độ và lo sợ ai đó bắt mất con mình nên đứa con gái luôn sống trong sự bao bọc quá mức của người mẹ. Hễ đi đâu ra ngoài đường, chị N. cũng cầm theo một vật cứng vì sợ mọi người cướp con, cướp tài sản.

Sau hai lần bị lạc mẹ, vào trung tuần tháng 1/2017, UBND phường Hoàng Liệt đã đưa cháu Võ Thu Hà vào Trung tâm Bảo trợ xã hội III để đảm bảo cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng.

Theo Minh Ngọc (Trí Thức Trẻ)