Bệnh nhi được chuyển từ Bệnh viện huyện Mường Lát lên Bệnh viện Nhi Thanh Hóa trong tình trạng nguy kịch liên tục co cứng toàn thân, miệng cắn chặt, cứng hàm. Cơn giật liên tiếp và tăng lên khi có tiếng động mạnh, kích thích hoặc đụng vào người bệnh.
Gia đình bệnh nhân cho biết, bé D. được sinh tại nhà. Người bố đã sử dụng chiếc dao thái đồ ăn của gia đình cắt rốn cho bé.
Sau thăm khám xác định bệnh nhân bị uốn ván rốn. Ngay sau đó, bệnh nhân được cách ly điều trị riêng với phòng kín, tránh ánh sáng tiếng động tối đa, an thần sâu, thở máy và nuôi dưỡng tĩnh mạch. Sau 24 ngày trẻ hết giật và cai được máy thở, hiện đã bú mẹ được. Dự kiến vài ngày tới, bệnh nhân sẽ được xuất viện về nhà.
Uốn ván là một bệnh nhiễm trùng cấp tính có tỷ lệ tử vong cao do ngoại độc tố của trực khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) gây ra. Khi mắc bệnh uốn ván tỷ lệ tử vong rất cao 25 – 90%. Đặc biệt là uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, tử vong trên 95%. Trực khuẩn này phát triển tại vết thương trong điều kiện yếm khí, sau đó giải phóng ngoại độc tố vào máu và tấn công vào các bản vận động thần kinh – cơ, làm cho bệnh nhân bị co cứng cơ và trên nền cứng đó xuất hiện các cơn co giật.
Theo Bác sĩ Lê Xuân Trung, Trưởng khoa Hồi sức tích cực sơ sinh, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, trước đó vào tháng 1/2021, Khoa cũng đã cấp cứu và điều trị thành công 1 ca uốn ván rốn 8 ngày tuổi của xã Trung Lý, huyện Mường Lát. Phòng trừ uốn ván sơ sinh ngoài những biện pháp vô khuẩn trong điều trị, chăm sóc trẻ trong và sau sinh thì tiêm vắc xin uốn ván là biện pháp quan trọng và hữu hiệu để phòng bệnh uốn ván sơ sinh.
Vắc xin uốn ván rất an toàn cho cả mẹ và con. Vì thế, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, phụ nữ đang mang thai cần được tiêm vắc xin phòng uốn ván hoặc vắc xin phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván.
Theo các chuyên gia triệu chứng bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh điển hình qua các giai đoạn:
Thời kỳ ủ bệnh: Thời kỳ ủ bệnh kéo dài trung bình từ 3-7 ngày. Nếu thời kỳ ủ bệnh càng ngắn thì bệnh càng nặng. Trong thời gian này đứa trẻ không có dấu hiệu gì đặc biệt, vẫn ăn ngủ bình thường. Đôi khi trẻ quấy khóc.
Thời kỳ khởi phát: Giai đoạn này ngắn chỉ vài giờ hoặc kéo dài tới một ngày rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát. Trong giai đoạn này triệu chứng đặc hiệu là cứng hàm, trẻ bỏ bú hoặc bú rất khó khăn, miệng chúm chím. Trẻ quấy khóc nhưng tiếng khóc nhỏ.
Thời kỳ toàn phát: Triệu chứng của thời kỳ toàn phát thường là cơn co giật và co cứng cơ. Cơn co giật xuất hiện đánh dấu giai đoạn toàn phát bắt đầu. Có thể cơn giật do tự nhiên hoặc do các kích thích từ bên ngoài như tiếng động, ánh sáng, nhiệt độ hoặc các thăm khám, động chạm vào trẻ. Co giật toàn thân làm mặt trẻ nhăn nhúm, miệng chúm lại, sùi bọt mép. Đầu ngửa, hai bàn tay nắm chặt, gấp khuỷu tay và áp sát vào người. Hai chân duỗi thẳng. Tuy nhiên nếu co giật kéo dài liên tục có thể dẫn tới co thắt phế quản gây ngừng thở, ngừng tim. Thậm chí trẻ có thể chết trong cơn giật.
Uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng và có thể dẫn đến tử vong ở trẻ. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong những năm cuối của thể kỷ 20, mỗi năm có khoảng 500.000 trẻ bị chết vì uốn ván sơ sinh ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ chết/mắc của uốn ván sơ sinh rất cao, có thể tới trên 80%, nhất là ở trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn.
Theo MT (Pháp Luật & Bạn Đọc)