BV Nhi Thanh Hóa khẳng định, quy trình tiếp nhận, khám, điều trị bệnh nhân 6 tuổi là đúng quy trình chuyên môn của BV và Bộ Y tế.
Do bệnh nhân tự làm tuột ống nội khí quản?
Chị Mai Thị Dung kể: Sáng 16/7, cháu Hạnh được đưa đi cấp cứu tại BV đa khoa Hà Trung với các biểu hiện lơ mơ, hôn mê, ngay sau đó được thở oxy, đặt nội khí quản và chuyển lên BV Nhi Thanh Hóa.
Tại đây, sau nhiều thủ tục, bác sĩ cho biết gia đình phải đưa đi chụp cắt lớp và chọc tủy để xác định bệnh tình. Trong lúc điều trị, bác sĩ phát hiện trên đùi cháu có dấu vết nghi rắn cắn và cho làm các xét nghiệm, kết quả khẳng định cháu bị rắn cạp nia cắn.
Vợ chồng chị Dung chăm con tại BV Y học Cổ truyền TƯ (Hà Nội). |
Theo chị Dung, sau 3 ngày điều trị, cháu Hạnh tỉnh lại, nhận thức tốt, trò chuyện cháu đều biết. 5 ngày sau đó mắt cháu mở bình thường, tay chân cử động được, biết vui đùa với bố mẹ.
Tuy nhiên, đến ngày 22/7, gia đình được vào thăm thì tá hỏa khi thấy Hạnh co giật, mặt tím tái, mắt trợn ngược, sức khỏe nguy kịch.
Chị Dung cho biết: "Hỏi nguyên nhân, lúc đầu thì bác sĩ bảo rằng, cháu tỉnh dậy và tự rút ống thở ra. Lần hai, bác sĩ giải thích do biến chứng trong quá trình thay ống thở cho cháu. Đến ngày hôm sau, bác sĩ lại cho rằng, do cháu cắn bẹp ống thở".
Theo chị Dung, không chỉ 'đổ lỗi' cho cháu Hạnh tự làm tuột ống nội khí quản, BV Nhi Thanh Hóa còn cho rằng cháu bị bệnh lý về não trước khi nhập viện.
"Trước hôm nhập viện cấp cứu, cháu hoàn toàn bình thường. Ở trường cháu là học sinh giỏi, hay tham gia các đợt thi vẽ. Gia đình còn quay lại các video cháu nô đùa trước hôm xảy ra tai nạn", mẹ cháu bé khẳng định.
Kết luận của bác sĩ cho thấy bé Hạnh bị di chứng thiếu ô-xi não |
'Bệnh viện làm đúng quy trình'
Ông Hà Hoàng Minh, Phó giám đốc BV Nhi Thanh Hóa cho biết, sự việc xảy ra là đáng tiếc. BV đã tổ chức họp hội đồng chuyên môn.
Theo đó, quy trình tiếp nhận, khám, nhận định, đánh giá, xử lý cấp cứu và điều trị bệnh nhân tại khoa hối sức cấp cứu là đúng quy trình chuyên môn của BV và Bộ Y tế.
Ông Hà Hoàng Minh, Phó giám đốc BV Nhi Thanh Hóa |
Theo ông Minh, bệnh nhân được chuyển từ BV huyện Hà Trung đến trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn rộng, hỗ trợ hô hấp bằng bóp bóng qua nội khí quản với chẩn đoán theo dõi viêm não, màng não.
Lãnh đạo BV thừa nhận, ngày 22/7, cháu Hạnh có biểu hiện bất thường do tuột khí quản, bác sĩ trực đã phát hiện kịp thời, nhanh chóng đặt lại nội khí quản, sau đó tình trạng bệnh nhân ổn định.
“Trên cơ sở kết quả xét nghiệm và diễn biến của bệnh, hội đồng chuyên môn đã nghĩ nhiều đến bệnh nhân bị viêm não, có thể do rắn cạp nia cắn gây nên tình trạng nặng nề ngay từ đầu và hậu quả dẫn đến di chứng não về sau”, ông Minh nói.
Ông Minh cho biết: “Có thể trong quá trình điều trị, các bác sĩ đã không tiên lượng hết được những diễn biến quá trình bệnh lý của bệnh nhân nên đã giải thích chưa đầy đủ với gia đình về tình trạng bệnh và những di chứng có thể xảy ra sau này nên gây bức xúc cho gia đình”.
Gia đình chị Mai Thị Dung không đồng ý với kết luận của bệnh viện |
Gia đình có thể trưng cầu cấp cao hơn
Ông Dương Văn Hùng, giám đốc BV Nhi Thanh Hóa cho biết, sau khi xảy ra sự việc BV cũng đã thành lập hội đồng y khoa và đã có kết luận, tuy nhiên người nhà bệnh nhân không đồng ý.
“Gia đình không đồng ý thì có thể trưng cầu đến cấp cao hơn. Chúng tôi sẽ có trách nhiệm báo cáo với Sở Y tế, Bộ Y tế về sự việc này” - lời ông Hùng.
Sau nhiều ngày điều trị tại BV Nhi TƯ, hiện nay bé Hạnh đang được điều trị phục hồi tại BV Y học cổ truyền TƯ trong tình trạng mê man, bất động, không nhận biết được mọi thứ xung quanh.
"Theo các bác sĩ BV Nhi TƯ và BV quốc tế Vinmec thì não cháu đang teo dần, khả năng phục hồi có thể là 1-2 năm, hoặc lâu hơn tùy thuộc vào nhiều yếu tố" - mẹ bé Hạnh cho biết.
Theo Đoàn Bổng - Lê Anh (VietNamNet)