Để con chơi trên võng với 2 cây đinh vít, người cha làm nghề thợ sắt không ngờ suýt mất con trai khi cậu bé 18 tháng tuổi này nuốt một cây đinh dài 4,5cm vào bụng.
|
Bé T. lúc mới nhập viện sáng 30/10
|
Ngày 31/10, bác sĩ Phạm Trung Dũng - Trưởng phòng nội soi, khoa tiêu hóa, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM - cho biết, bệnh viện tiếp nhận bé trai P.T.T. (18 tháng tuổi, ngụ tại Đầm Dơi, Cà Mau) trong tình trạng có dị vật dài sắc nhọn nằm sâu trong đường tiêu hóa.
Theo gia đình, chiều 29/10, cha của bé T. - một thợ làm cửa sắt - đi làm về và để bé nằm trên võng chơi với 2 cây đinh vít. Đang chơi, bỗng người nhà thấy bé khóc lớn. Dỗ mãi T. cũng không nín mà còn tiếp tục nôn ói.
Người cha sực nhớ tới 2 cây đinh mà con đã chơi và khi đi tìm thì chỉ còn thấy 1 cây. Thế là cả nhà nghĩ ngay đến khả năng trẻ đã nuốt phải đinh vít nên lập tức đưa em bé đến trạm y tế. Sau đó, gia đình được hướng dẫn đưa lên TPHCM.
|
Bác sĩ Dũng và phim X-quang cho thấy đinh vít lọt sâu trong hệ tiêu hóa của bé T. Ảnh: Quốc Ngọc. |
Khoảng 8h30 sáng 30/10, tức sau 18 tiếng đồng hồ đi xe, bé T. mới đến được Bệnh viện Nhi đồng 1. Em bé nhập viện với biểu hiện đau đớn, khóc thét…
Kết quả chụp X-quang cho thấy có 1 dị vật hình đinh vít nằm sâu trong đường tiêu hóa của trẻ. Các bác sĩ đã quyết định tiến hành phẫu thuật nội soi lấy dị vật qua đường họng bệnh nhi. Quá trình nội soi mất 10 phút đã lấy ra được dị vật ra khỏi cơ thể em bé.
“Khi soi, chúng tôi thấy dị vật đã làm tổn thương, trầy xước dạ dày, lọt vào sâu và kẹt tại ruột non nên gây đau đớn rất nhiều cho trẻ. Dị vật được gắp ra là một cây đinh vít bằng nhôm dài 4,5cm”, bác sĩ Dũng nói.
Hiện sức khỏe bé T. đã hoàn toàn ổn định và sẽ được xuất viện vào chiều 31/10.
|
Bé T. khi cùng bố chuẩn bị xuất viện chiều 31/10. Ảnh: Quốc Ngọc. |
Theo bác sĩ Dũng, có những dị vật có thể tự đi tiêu ra ngoài nhưng ở trường hợp trên, dị vật đinh vít sắc nhọn có khả năng sát thương cao và dài nên dễ bị kẹt… nên khả năng đi tiêu ra ngoài là không thể. Nếu không phẫu thuật lấy dị vật kịp thời, sẽ khó lường trước được điều gì có thể xảy ra như gây hoại tử, xuất huyết, thủng ruột của bệnh nhân.
Ngoài ra, có những trường hợp trẻ nuốt dị vật mà gia đình không biết và cũng không phát hiện được trên phim X-quang gọi là “dị vật bỏ quên” và khi xuất hiện các biến chứng như xuất huyết tiêu hóa, đau bụng thì mới nghĩ đến khả năng có dị vật.
Do đó, bác sĩ Dũng cảnh báo, phụ huynh cần thấy và lường trước nguy hiểm cho trẻ vì khuynh hướng của trẻ là cầm nắm bất cứ cái gì cũng sẽ đưa vào miệng. “Mỗi năm, chúng tôi gặp khoảng 15 ca dị vật dạ dày. Có khi là trẻ nuốt cục pin điện tử, tăm, ống tuýp, que kẹo mút, bông tai, bàn chải đánh răng, thìa, đồng tiền…”, ông nói.
>> "Bạn bốn chân" cắn trẻ nát mặt, lòi cả hàm răng
>> Em bé chết thảm tại Trung Quốc vì thang cuốn
Theo Quốc Ngọc (Tiền Phong)