“Từ vài triệu đồng, nhanh như chớp đã lãi chục rồi trăm triệu, số dư liên tục cộng vào tài khoản người đầu tư sau mỗi phiên giao dịch”. Lời dẫn dụ tưởng chừng như giấc mơ tiền tỷ đã thành hiện thực tới nơi, nhưng chỉ một cái chạm tay giải tán nhóm trò chuyện, xóa sàn giao dịch, các “thầy”, “chuyên gia” biến mất, chị em ôm nợ…
Ngọt ngào, xóa vết
Chúng tôi bắt đầu tham gia vào các nhóm trên mạng xã hội Facebook, chia sẻ mẹo vặt trong việc bếp núc, sân vườn đến giãi bày những vấn đề tâm lý, toàn bộ người tham gia là chị em không đi làm. Đa phần những nhóm này đều dẫn link, để người dùng cùng nhau kết nối trò chuyện trong một nhóm chat (trò chuyện) trên nền tảng Zalo.
Tham gia vào 3 nhóm chat tâm tình chuyện phái đẹp, chuyện nhà cửa, nấu nướng…, nhưng chúng tôi ngỡ ngàng, chẳng có mẹo làm bếp hay công thức nấu ăn, trồng hoa nào ở đây, chỉ có câu chuyện đầu tư tài chính. Tài khoản tham gia vào các nhóm này chỉ xoay quanh chuyện vào lệnh, cặp tiền… Và để không lạc nhịp, chúng tôi cũng phải “lên sàn”.
Nhóm chat “TRADING COMMUNITY 180” với 362 thành viên, 1 nhóm trưởng và 25 nhóm phó. Nhóm này đưa ra quy định, khung giờ giao dịch buổi sáng là 10 giờ 30; chiều là 15 giờ 30, tối là 19 giờ 30. Trong lúc giao dịch, thành viên nhóm không nhắn tin lên nhóm, tránh làm ảnh hưởng đến người khác; không kết bạn nhắn tin làm phiền thành viên trong nhóm, không quảng cáo lên nhóm, không phân biệt vùng miền, tôn giáo. Thành viên vi phạm sẽ bị kích vĩnh viễn khỏi nhóm.
Chúng tôi vẫn còn chưa hiểu trước những tin nhắn ngắn gọn như: “vào lệnh”, “cặp tiền…”, “lãi 35 USD”, “hết phiên”… thì một tài khoản phó nhóm tên L.T. chủ động nhắn tin làm quen với chúng tôi. Người này gửi link một sàn giao dịch trên sàn tên “M.T.” và bảng hướng dẫn tạo tài khoản, cùng tin nhắn: “Em tham khảo trước đi, rồi vào kiếm lợi nhuận cùng mọi người nè”. Chúng tôi vẫn chưa kịp thao tác tạo tài khoản, người này tiếp tục gửi mã code 15 ký tự gồm số và chữ cái in hoa cho chúng tôi. “Anh lấy sẵn mã code luôn cho em, để lúc tạo tài khoản nhập cho nhanh nhé”. Khi chúng tôi hỏi vốn ban đầu khoảng bao nhiêu để tham gia giao dịch, người này cho biết tối thiểu là 1 triệu đồng.
Những tin nhắn “chăm sóc” sau đó không ngừng, tài khoản L.T. dồn dập hỏi chúng tôi đã tạo tài khoản xong chưa. Liên tục 2 ngày, người này đều nhắn tin chúc, kiểu mà chị em phụ nữ rất thích: “Buổi sáng đi làm vui”, “Ăn trưa ngon miệng”, và “Chúc em ngủ ngon”… Chúng tôi chỉ xem và không trả lời. Đến ngày thứ 3, chúng tôi hồi đáp vẫn chưa tạo tài khoản vì không đủ 1 triệu đồng để nạp vào. Nhận thấy “con mồi không tiềm năng”, tài khoản L.T. hủy kết bạn.
Chúng tôi tiếp tục nhập hội cùng nhóm chat tên “PREMIUM FINANCE VERSION 5.0” trên dưới khoảng 400 thành viên, 3 trưởng nhóm và 30 phó nhóm. Sau 3 ngày “cơm lành canh ngọt”, khi các thành viên tham gia đều nhắn tin báo lãi. Đến ngày thứ 4, một tài khoản K.H. trong nhóm nhắn tin cho biết, chị lỗ gần 100 triệu đồng và yêu cầu trưởng nhóm cho rút số tiền còn lại trong tài khoản. Thao tác chưa đầy 5 phút, trưởng nhóm này đã giải tán nhóm chat, xóa toàn bộ lịch sử trò chuyện và các tài khoản tham gia.
Trúng “bả” từ chiêu thức cũ
Các nhóm chat hoạt động khá giống nhau, chia khung giờ đọc lệnh, mỗi ngày các thành viên trưởng và phó nhóm đều đăng hình check-in ở những nơi sang trọng cùng siêu xe và luôn kèm theo một lượng lớn tiền mặt… Và chỉ có những thành viên trưởng/phó nhóm mới được nhắn tin. Sau mỗi khung giờ đọc lệnh, liên tục là những tin nhắn từ các thành viên phó nhóm cho hay mình lời bao nhiêu tiền, kèm theo “cảm ơn thầy”, “cảm ơn chuyên gia”.
Mất gần 50 triệu đồng khi đầu tư trong các nhóm này, chị T.T.T. (37 tuổi, ngụ đường Bùi Minh Trực, quận 8, TPHCM) kể: “Ban đầu họ nói ngon nói ngọt lắm, hướng dẫn mình tham gia nhiệt tình, tiền lời cộng vào đều đều. Ngày nào cũng có thành viên trong nhóm nhắn tin hỏi thăm, hình họ gửi vào nhóm toàn nhà lầu, xe sang và cả mấy chục cọc tiền. Mình ở nhà nội trợ, biết khi nào mới kiếm được chừng một nửa đó, cứ nghĩ giàu vậy thì ai lừa mình bạc lẻ làm gì, nhưng rồi đùng một cái, họ báo sập sàn, không rút được tiền, xóa nhóm chat, mình mất sạch. Đợt đó tôi mất ăn mất ngủ, cả tháng trời mới vượt qua được”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi trong những ngày gia nhập các nhóm trên mạng xã hội, có thể hiểu như sau: họ (nhóm lừa đảo - PV) tạo ra 1 đồng tiền ảo (tiền không phải do 1 quốc gia phát hành) không ai quản lý, sau đó đem lên sàn giao dịch, rồi đua nhau thổi giá. Ai muốn mua thì phải nạp tiền thật thanh toán. Giá coin (tiền kỹ thuật số) lên xuống hàng ngày như chứng khoán, nhưng một ngày nào đó khi đã thu đầy túi, họ tắt server máy chủ, thông báo sập sàn và ôm tiền bỏ trốn. Người chơi mất trắng không kiện ai được vì không được nước nào quản lý hay công nhận. Tiền trong tài khoản dễ thấy, tiền lời cộng vào cũng liên tục, nhưng để lấy được lợi nhuận ra xài thì bài toán không dễ… Bởi đằng chuôi hay đằng cán gì cũng nằm trong tay các “thầy” và “chuyên gia”, tiền nạp vào đủ thì “thầy” báo sập sàn, người chơi ôm nợ, còn “chuyên gia” ôm tiền.
Ông Ngô Trần Vũ, Giám đốc Công ty Bảo mật Nam Trường Sơn, chia sẻ: “Các vụ lừa đảo trực tuyến ngày càng tăng lên và dường như cảnh báo từ truyền thông chưa đủ để mọi người tham gia môi trường trực tuyến lo ngại. Công nghệ qua các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội hấp dẫn đến mức những lo ngại an toàn bị ngó lơ. Khi có một ứng dụng đang thành xu hướng, người ta cài đặt bất chấp cảnh báo và đòi hỏi quá nhiều thông tin từ ứng dụng. Người dùng rất khó nhận ra khi bị tin tặc tấn công vì chúng tấn công âm thầm”.
Để minh chứng cho cảnh báo trên, chúng tôi xin kể một câu chuyện “mới mà không mới” từ một nữ sinh viên. Em V.N.T., sinh viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho hay mình nhận điện thoại từ một vị “công an hình sự”, thông báo T. vướng vào đường dây rửa tiền thông qua tải khoản cá nhân. Sau một hồi dọa nạt, vị “công an” đã thành công lừa được cô gái từ tỉnh lẻ mới lên trọ học tin rằng mình thực sự bị người khác lấy cắp thông tin để thực hiện hành vi phi pháp. Vị “công an” sau đó bắt đầu bày tỏ thái độ thông cảm vì tin T. cũng là người bị hại nên tìm cách giúp đỡ. Đầu tiên là hướng dẫn T. mua một chiếc điện thoại, sử dụng một số điện thoại khác để gọi giám sát liên tục. Kế đến là không được cho bạn cùng ở trọ, người nhà hay, nếu không sẽ liên lụy đến họ và phải tìm một chỗ không có người nào khác để công an tiến hành hỗ trợ, tránh việc người khác biết thông tin mình phạm pháp. T. ngoan ngoãn làm theo, dùng tiền mẹ gửi và tiền làm thêm mua chiếc điện thoại và sim hơn 3 triệu đồng, rồi tìm một phòng trọ cho thuê theo giờ trên đường Lý Thường Kiệt (quận 11, TPHCM) để công an… điều tra và giúp đỡ từ xa.
Với hướng dẫn của vị “công an tốt bụng”, T. cần cung cấp thông tin tài khoản để công an kiểm tra và chứng minh mình vô tội, đồng thời nộp 40 triệu đồng để đảm bảo. T. xin gia đình được 30 triệu đồng nói để mua xe và mượn thêm bạn bè, người thân được 7 triệu đồng nữa. Thấy bất thường, bạn bè thuyết phục T. cho địa chỉ phòng trọ để mang tiền đến đưa. Khi phát hiện ra có khả năng bị phát hiện, vị “công an” kia đã tắt cuộc gọi, khóa máy, xóa tất cả thông tin, hình ảnh, ghi âm đã gửi cho T. “Bình thường em đã đọc mấy tin lừa đảo này trên báo rồi nhưng không hiểu sao đến phiên mình thì em lại không tỉnh táo. Họ như thao túng tâm lý vậy, bọn lừa đảo có mọi thông tin cá nhân của em để đánh vào tâm lý…”, T. òa khóc nói với chúng tôi.
Một số cách thức lừa đảo
Hầu hết các đối tượng, nhóm chat lừa đảo đều đưa ra thông tin "dụ" con mồi như tỷ suất sinh lời cao (100%-200%/tháng) hoặc 10%-20%/ngày; thời gian tham gia ngắn, có thể rút vốn (thường chỉ một phần vốn) ngay lập tức; tham gia đơn giản, không cần xác minh hay định danh cá nhân. Trong khi, tổ chức/sàn giao dịch của các tài khoản đầu tư không có tổ chức bảo lãnh hoặc pháp lý rõ ràng; các tư vấn viên/tư vấn tài chính thường không quan tâm đến việc an toàn vốn của chị em mà chỉ khuyến nghị "mua" hoặc "tham gia" dù không có căn cứ để đưa ra khuyến nghị.
Theo Kim Loan - Tiêu Hà (Sài Gòn Giải Phóng)