Để có được "báu vật" này, đại gia Bắc Ninh đã phải chi tới 26 tỷ đồng, tuy nhiên đã gần 3 tháng nay vẫn chưa có người hỏi mua.
Ngày 12/6, ông Nguyễn Văn Hùy – vị đại gia gỗ Đồng Kỵ (Bắc Ninh) từng bỏ 26 tỷ đồng để mua cây sưa 200 tuổi ở đình làng Đông Cốc cho biết, sau gần 3 tháng chặt hạ đến nay cây gỗ sưa vẫn bị “bỏ xó” trong kho của gia đình.
“Thời gian gần đây, thị trường gỗ sưa ế ẩm nên không có khách hỏi mua. Do vậy, tôi tính cứ để số gỗ sưa đó trong xưởng của gia đình thêm một thời gian nữa, nếu không bán được sẽ xẻ gỗ đóng các sản phẩm gia dụng bán cho các đại gia ở trong nước”, ông Hùy nói.
Theo ông Hùy, lâu nay, ông thường bán gỗ sưa cho các thương lái ở Trung Quốc, rất ít bán ở Việt Nam. Thêm nữa, nhu cầu bên Trung Quốc sử dụng loại gỗ sưa lớn nên giá cũng cao hơn.
“Gỗ sưa có độ bền chắc, mùi hương thơm lâu, dù bị ngâm nước nhiều năm vẫn không hề bị thấm nước hay mục nát. Vì vậy, các đại gia ở Trung Quốc thường mua gỗ sưa về sử dụng đóng các sản phẩm bàn ghế, tủ và một số vật dụng khác trong gia đình”, ông Hùy chia sẻ.
Vị đại gia gỗ Đồng Kỵ cho hay, đến thời điểm hiện tại, Công ty đấu giá ở Hà Nội vẫn chưa trả nốt số tiền còn lại (8,5 tỷ đồng) cho người dân. “Tôi đang lo lỗ vốn to bởi bỏ ra hơn hai chục tỷ đồng mua gỗ sưa nhưng đến nay cây vẫn chưa bán được”, ông Hùy nói thêm.
Trước đó, sáng 25/3, hàng chục người với cưa máy, máy xúc và ô tô đã chặt hạ cây sưa 200 năm tuổi ở đình làng Đông Cốc, xã Hà Mãn, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh dưới sự chứng kiến của chính quyền xã Hà Mãn cùng người dân trong thôn. Cây sưa 200 tuổi được cắt làm nhiều đoạn, sau đó dùng máy xúc xúc cả rễ lên.
Cây sưa 200 tuổi được ông Nguyễn Văn Hùy đấu giá 24,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau những phản ứng của người dân thì đại gia gỗ Đồng Kỵ đã hỗ trợ nhân dân thêm 1,5 tỷ đồng.
Sau khi trúng đấu giá, số tiền 24,5 tỷ đã được ông Hùy chuyển cho một công ty đấu giá ở Hà Nội làm trung gian. Thời điểm trước Tết, công ty đấu giá đã chuyển số tiền là 15,5 tỷ đồng và sau Tết Nguyên đán chuyển thêm 500 triệu đồng, tổng cộng là 16 tỷ đồng.
Số tiền bán cây sau đó được dành một phần chia cho người dân trong thôn với mỗi nhân khẩu 10 triệu đồng, con gái lấy chồng 5 triệu đồng. Việc chia số tiền bán sưa được chính quyền, người dân trong thôn ủng hộ. Sau đó, một số nhà sử dụng số tiền kinh doanh, một số nhà khác sửa sang lại nhà cửa.
Theo Nguyễn Đức (Dân Việt)