Sáng 6-1, theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, việc cấp giấy khám sức khỏe lái xe tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình (gọi tắt là Bệnh viện Hòa Bình; trụ sở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) trong thời gian qua có nhiều "vấn đề".
Cụ thể, ngày 11-3-2021, Bệnh viện Hòa Bình có văn bản công bố cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe lái xe. Trên cơ sở đó, ngày 25-3-2021, Sở Y tế Bình Định đã đăng tải văn bản này lên trang thông tin điện tử của Sở.
Qua tìm hiểu của phóng viên, từ thời điểm công bố cơ sở khám, chữa bệnh đủ điều kiện thực hiện khám sức khỏe lái xe vào tháng 3-2021 đến nay, danh sách đăng ký người hành nghề khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Hòa Bình chỉ có khoảng 25 bác sĩ làm việc toàn thời gian. Trong số này, không bác sĩ nào có chuyên khoa tâm thần hoặc thần kinh.
Trong khi đó, tại danh mục khám sức khỏe lái xe theo quy định hiện hành, cơ sở y tế sẽ lần lượt kiểm tra sức khỏe đối với 9 chuyên khoa, gồm: tâm thần, thần kinh, mắt, tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết, xét nghiệm hoạt chất. Trong đó, có 2 chuyên khoa quan trọng là tâm thần và thần kinh.
Như vậy, đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Hòa Bình vẫn chưa có bác sĩ chuyên khoa về tâm thần và thần kinh để khám 2 loại bệnh này theo danh mục khám sức khỏe lái xe. Thế nhưng, gần 1 năm qua, bệnh viện này đã cấp giấy khám sức khỏe lái xe cho hàng ngàn trường hợp ở địa phương để đi học và đổi các loại giấy phép lái xe (GPLX) môtô, ôtô.
Trong đó có tài xế Nguyễn Văn Thâu (37 tuổi; ngụ xã Nhơn Phúc, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) – người vừa điều khiển xe đầu kéo gây tai nạn liên hoàn làm 2 người chết và 13 người bị thương nặng ở thị xã An Nhơn.
Trong khi đó, nguồn tin của phóng viên từ Trạm y tế xã Nhơn Phúc cho biết Thâu có sổ chữa bệnh và bắt đầu điều trị bệnh tâm thần từ năm 2006 theo bệnh án của Bệnh viện Tâm thần tỉnh Bình Định. Từ đó đến nay, hằng tháng, Thâu vẫn đều đặn nhận thuốc điều trị bệnh tâm thần. Lần gần đây nhất là vào ngày 2-12-2021, Thâu đã đến Trạm y tế xã Nhơn Phúc nhận thuốc điều trị bệnh tâm thần về uống.
Theo bác sĩ CKII Trần Minh Khuyên, Khoa Nội thần kinh – tâm thần, Phòng khám Đại học Y dược 1 TP HCM, tâm thần là danh mục quan trọng trong quá trình khám sức khỏe lái xe. Những câu hỏi quan trọng trong khi khám tâm thần mà bác sĩ phải hỏi là về không gian, thời gian, cảm xúc và tư duy.
"Nếu cơ sở y tế không có bác sĩ chuyên khoa tâm thần thì làm sao phát hiện một người có mắc bệnh tâm thần hay không. Đây là sự thiếu sót không hề nhỏ trong việc khám và cấp giấy khám sức khỏe lái xe", bác sĩ Khuyên nói.
Sáng 6-1, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động về việc Bệnh viện Hòa Bình không có bác sĩ chuyên khoa thần kinh, tâm thần thì làm sao phát hiện được 2 loại bệnh này khi khám sức khỏe lái xe, Giám đốc Sở Y tế Bình Định Lê Quang Hùng cho biết việc khám sức khỏe lái xe là do cơ sở y tế tự công bố. Sau đó, Sở Y tế đăng tải việc này lên trang thông tin điện tử của Sở.
"Về vấn đề này, ngay hôm nay chúng tôi sẽ cử tổ công tác của Sở Y tế đến Bệnh viện Hòa Bình kiểm tra việc khám sức khỏe lái xe như thế nào. Nếu phát hiện sai phạm, chúng tôi sẽ tiến hành xử lý theo quy định", ông Hùng khẳng định.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tài xế Nguyễn Văn Thâu học và được cấp GPLX hạng FC tại tỉnh Thừa Thiên - Huế vào ngày 24-9-2016. Sau đó, Thâu học lái xe hạng E tại Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ giao thông vận tải Bình Định từ ngày 21-9-2017 đến 11-11-2017.
Đến ngày 24-6-2021, Thâu có đơn xin cấp, đổi GPLX hạng E và FC với lý do "GPLX cũ thời gian lâu bị mờ". Trong hồ sơ gửi Sở GTVT Bình Định, có giấy khám sức khỏe do Bệnh viện Hòa Bình cấp ngày 24-6-2021, ghi rõ "Đủ điều kiện sức khỏe lái ôtô hạng FC" và "Đủ điều kiện sức khỏe lái ôtô hạng E".
Như Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin, khoảng 16 giờ 30 ngày 30-12, Nguyễn Văn Thâu điều khiển xe đầu kéo BKS 77C-154.14 kéo theo rơ móc 77R-006.81 của Công ty Phúc Vinh (trụ sở TP Quy Nhơn), chạy trên tỉnh lộ ĐT 638, đoạn thuộc thị xã An Nhơn. Khi đến ngã tư thôn An Thái, xã Nhơn Phúc, thì bất ngờ tông vào nhiều xe máy đang lưu thông trên đường.
Sau khi gây ra tai nạn, Thâu tiếp tục điều khiển phương tiện bỏ chạy ra QL 19 rồi QL 1A theo hướng Bắc - Nam. Người dân và Công an đuổi theo để truy bắt. Đến khoảng 17 giờ 30 phút cùng ngày, sau khi truy đuổi hơn 25 km, lực lượng chức năng đã chặn được xe đầu kéo BKS 77C 154.14 và bắt giữ Thâu khi đang di chuyển trên QL 1A, đoạn qua địa bàn xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước.
Lúc này, dưới gầm xe đầu kéo vẫn còn một xe máy bị kẹt. Vụ tai nạn đã khiến 2 người tử vong và 13 người bị thương nặng. Ngoài ra, xe đầu kéo và hàng loạt xe máy của các nạn nhân bị hư hỏng.
Qua 2 lần test, cơ quan CSĐT Công an thị xã An Nhơn đã xác định Thâu âm tính với ma túy, không có nồng độ cồn. Trong khi đó, khai nhận với cơ quan CSĐT, Thâu cho biết trước 1 ngày gây ra vụ tai nạn, Thâu đã sử dụng ma túy đá.
Sau khi xảy ra vụ tai nạn liên hoàn trên, gia đình có trình sổ theo dõi bệnh tâm thần của Thâu tại cộng đồng từ năm 2006. Tuy nhiên, cơ quan CSĐT vẫn ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Thâu.
Theo cơ quan CSĐT, sau khi khởi tố bị can, cơ quan CSĐT sẽ giám định pháp y để khẳng định Thâu bị bệnh tâm thần thật hay giả. Nếu xác định Thâu bị bệnh tâm thần thật, cơ quan CSĐT sẽ điều tra, xử lý đơn vị cấp bằng lái cho Thâu.
Theo Đức Anh (Nld.com.vn)