Bất ngờ với xếp hạng ĐH: Không phải ngẫu nhiên Học viện Nông nghiệp xứ Trâu Quỳ đứng thứ 3

12/09/2017 09:03:00

Rất may, lần đầu tiên ở Việt Nam có vụ xếp hạng các trường đại học vừa công bố hồi đầu tháng 9.

Rất may, lần đầu tiên ở Việt Nam có vụ xếp hạng các trường đại học vừa công bố hồi đầu tháng 9.

Bất ngờ với xếp hạng ĐH: Không phải ngẫu nhiên Học viện Nông nghiệp xứ Trâu Quỳ đứng thứ 3
 

Sau gần nửa thế kỷ, mọi việc vẫn như nguyên. Đau xót hơn, ngành Sư phạm nhận cả điểm dưới trung bình (3,5). Đầu vào đã thế thì hỏi đầu ra sao có người giỏi và thầy cô không giỏi làm sao có trò giỏi và quốc gia đâu còn sức sáng tạo cho thế kỷ 21?

Thời đó ai dốt và bị phốt gì đó thường hay bị cử vào đại học Nông nghiệp "khỉ ho cò gáy" gần trại tâm thần Trâu Quỳ. Sinh viên sang đó học gọi là dân Trâu Quỳ với vẻ coi thường, không thể sánh với dân Bách Khoa có cổng parabol, Ngoại thương, Ngoại giao toàn con nhà nòi tiếng Anh như gió, hay đại học Tổng hợp (ĐH Quốc gia bây giờ) cổ kính.

Tin đồn nửa thế kỷ vì chả ai biết đại học A giỏi thế nào, đại học B dốt ra sao, cứ "nghe người ta nói" mà hướng cho con vào các nơi nổi tiếng.

Rất may, lần đầu tiên ở Việt Nam có vụ xếp hạng các trường đại học vừa công bố hồi đầu tháng 9. Kết quả thật bất ngờ và thú vị.

Trong top 10 lại có hai trường Nông nghiệp và Sư phạm. Học viện Nông nghiệp xứ Trâu Quỳ đứng thứ 3 chỉ sau Đại học Quốc gia Hà Nội (số 1) và "chàng mới nổi" Đại học Tôn Đức Thắng, đại học Cần Thơ chuyên nông nghiệp thứ 6 trên cả Đại học Bách khoa.

Đại học Sư phạm (10) kể cả Sư phạm 2 (13) trên cả những tên tuổi như ĐH Y Hà Nội (20), ĐH Ngoại thương (23), HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông (28), ĐH Thương mại (29) hay nổi tiếng như ĐH Kinh tế Quốc dân (30), luôn là điểm nóng tranh đua của các kỳ thi vào đại học.

Tất nhiên, năm sau tổ chức thi, các trường đứng sau Sư phạm và Nông nghiệp vẫn nóng, nhưng về dài hạn, bức tranh sẽ thay đổi. Một khi có các đánh giá chính xác về từng trường, các bậc cha mẹ và thí sinh sẽ nghĩ rất kỹ khi lựa chọn một trường đứng thứ 10 và thứ 30.

Với mục đích khuyến khích các trường đại học minh bạch hóa thông tin về cơ sở của mình cũng như đẩy nhanh quá trình đổi mới tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, một nhóm các nhà khoa học độc lập bao gồm 6 thành viên (TS. Lưu Quang Hưng, Melbourne, Australia; TS. Nguyễn Ngọc Anh, DEPOCEN, Việt Nam; TS. Giáp Văn Dương, GiapGroup, Việt Nam; TS. Ngô Đức Thế, Đại học Manchester, Anh Quốc; ThS. Trần Thanh Thủy, DEPOCEN, Việt Nam; ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền, Đại học Sư phạm TPHCM, Việt Nam) và hai thành viên cố vấn (GS. Trần Nam Bình, Đại học New South Wales, Australia; GS. Lê Văn Cường, Đại học Paris 1, Pháp) dựa trên sáng kiến giáo dục độc lập và phi lợi nhuận đã nghiên cứu, thu thập thông tin và đưa ra báo cáo xếp hạng các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Bất ngờ với xếp hạng ĐH: Không phải ngẫu nhiên Học viện Nông nghiệp xứ Trâu Quỳ đứng thứ 3 - Ảnh 1.

Danh sách xếp hạng 49 trường đại học Việt Nam. Ảnh: Vietnamnet

Nhóm công tác đã đề xuất một bộ tiêu chí nhằm đo lường bằng số liệu công khai và được kiểm chứng độc lập sao cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam, định lượng, khả tín, khách quan và khuyến khích các trường hướng tới chuẩn mực quốc tế.

Có 49 cơ sở giáo dục đai học có đầy đủ số liệu nhất theo bộ chí như: (1) Thước đo về nghiên cứu khoa học dựa trên số liệu là các công trình khoa học xuất bản trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI; (2) Thước đo về giáo dục và đào tạo tập trung đánh giá quy mô, chất lượng sinh viên và đội ngũ giảng dạy; và (3) Thước đo về cơ sở vật chất và quản trị.

Theo nhóm xếp hạng, mỗi trường đại học cần có hai nhiệm vụ là nghiên cứu và giảng dạy. Vì thế, nhóm đã chấm điểm nghiên cứu (40%) và giảng dạy (40%) để thúc đẩy các trường nghiên cứu đại học, bắt kịp xu hướng phát triển của các đánh giá đại học trên thế giới.

Bất ngờ với xếp hạng ĐH: Không phải ngẫu nhiên Học viện Nông nghiệp xứ Trâu Quỳ đứng thứ 3 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: VOV

Một giáo sư có bài được đăng bài báo khoa học ở tạp chí trong nước hay hội thảo cũng là một thành công, nhưng nếu được đăng ở tạp chí quốc tế hay hội nghị quốc tế cũng là một kết quả đáng kể.

Đó là điều thường thấy trong các lần làm hồ sơ phong giáo sư, phó giáo sư. Họ thường tính điểm qua số lượng bài báo mà không dựa vào chất lượng bài báo khoa học.

Đôi khi quân viết từ đầu đến cuối nhưng vì là sếp của viện, quân cứ điền tên ông dù ông ta chả biết nội dung viết gì. Khi tính điểm lên giáo sư được "dây máu ăn phần" và có khi bài báo chẳng được ai tham khảo hay nhắc tên.

Trong lần xếp hạng này, bộ tiêu chí đi cao hơn một bước là chỉ tính các bài báo khoa học được xuất bản nằm trong danh mục ISI. Thông tin về số lượng các bài báo đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế có chất lượng làm thước đo đánh giá năng lực nghiên cứu khoa học của trường và quan trọng là bài báo được bao nhiêu tham khảo bởi các tác giả và tạp chí nổi tiếng khác.

Không phải bỗng nhiên những sinh viên Trâu Quỳ xưa kia của trường Nông nghiệp "không ai biết đến" lại đứng hàng thứ 3. Chắc chắn những công trình nghiên cứu về cây trồng, lúa gạo và nói chung về nông nghiệp của Học viện được cả thế giới biết đến. Và đây mới là tên tuổi thực của một trường.

Liên quan đến giống lúa, xem trên mạng của trường, có tới 10 sáng tạo được công nhận ở tầm quốc gia trong thời gian 2006-2010 mà công lao lớn thuộc về PGS. TS. Nguyễn Thị Trâm. Một trường có tới 3 người được giải thưởng Kovalevskaia do những sáng tạo về nông nghiệp.

Dạy giỏi và cho ra lò những học sinh giỏi chưa đủ mà các thầy cô phải là những người nghiên cứu và có công trình khoa học cụ thể được thế giới công nhận.

Bảng xếp hạng thí điểm các trường đại học được xây dựng và công bố bởi một nhóm chuyên gia độc lập sẽ giúp các trường tự nhìn lại mình và cũng là tiền lệ cho những đánh giá xếp hạng sau này. Đây là tín hiệu tốt cho sự nghiệp cải cách giáo dục

Theo Báo cáo Quy hoạch 2013 về mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020 thì dự định đến năm 2020, Việt Nam phấn đấu có một trường đại học lọt Top 200 đại học tốt nhất trên thế giới. Còn 3 năm nữa nhưng tìm mỏi mắt không thấy Top 1000 trên thế giới không có trường nào từ Việt Nam.

Muốn vào top 200 vào những năm 2020 thì ngay từ giờ các trường phải biết tự vươn lên, tự đánh giá và nhờ người khác đánh giá, thay vì ngủ quên trong chiến thắng để cho sinh viên Trâu Quỳ hay "Sư phạm bị bỏ qua" bỗng "chồm" lên đầu mình một cách ngoạn mục.

Có xếp hạng rồi thì không còn chuyện ngành Sư phạm không còn ai chọn mà cũng chẳng còn câu "Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa" như não trạng và tư duy của thế kỷ trước, vào đại học theo tin đồn.

Theo Hiệu Minh (Soha/Trí Thức Trẻ)