Bờ biển Nguyễn Tất Thành kéo dài gần 5km từ chân cầu Thuận Phước (quận Hải Châu) đến tận khu vực Nam Ô (quận Thanh Khê) mỗi ngày đón hàng nghìn lượt người dân Đà Nẵng đến vui chơi, tắm biển.
Tuy nhiên những năm gần đây, người dân vô cùng bức xúc khi nước biển ngày càng bị ô nhiễm.
Một cống nước thải đổ thẳng ra biển Nguyễn Tất Thành (Đà Nẵng) |
"Gia đình tôi sống ở gần đây nên chọn biển này để tắm vì gần nhà. Hơn chục năm trước, biển Nguyễn Tất Thành nước rất trong và sạch không thua kém gì biển Mỹ Khê.
Tuy vậy, mấy năm trở lại đây thì nước biển bị ô nhiễm, thường xuyên có mùi hôi thối, có lúc nước có màu đen kịt", ông Lê Văn Thái (trú phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê), cho hay.
Theo ông Thái, nguyên nhân của tình trạng trên là do hệ thống cống xả thải đổ trực tiếp ra biển. Các cống này đi qua nhiều khu vực dân cư nên toàn bộ nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất không qua xử lý được thu gom vào hệ thống cống này.
Nước thải từ các cống này đen ngòm, có mùi hôi rất khó chịu.
Nước thải chưa qua xử lý đổ thẳng ra biển khiến môi trường ô nhiễm |
"Nhiều lần tôi tắm biển xong lên bờ thì ngứa ngáy, nổi mẩn ngứa toàn thân. Chúng tôi hàng ngày phải tắm cạnh cống xả thải nên cũng thấy quen chứ khách du lịch đến đây là họ không dám xuống tắm.
Ngày nắng thì nước thải đổ ra chầm chậm chứ ngày mưa là tuôn như suối", ông Thái nói.
Chị Trần Thị Kim Chi (du khách đến từ Huế) cho hay khi được người nhà dẫn ra biển Nguyễn Tất Thành chị liền từ chối xuống tắm cùng.
"Tôi và mấy người bạn đến từ Huế biết Đà Nẵng rất xanh, sạch. Tuy nhiên, khi tận mắt thấy các cống xả có nước đen ngòm đổ ra biển, nơi mọi người đang tắm thì không dám xuống nước nữa", chị Chi kể.
Ông Phan Quang Khương, Trưởng phòng tài nguyên môi trường quận Thanh Khê, cho biết việc biển Nguyễn Tất Thành đang bị ô nhiễm là sự thật. Ông Khương cũng thừa nhận nhiều tuyến cống nước thải đổ thẳng ra biển chưa qua xử lý do Trạm xử lý nước thải Phú Lộc bị quá tải.
Bản thân ông Khương cũng thừa nhận nhiều lần bị nổi mẩn ngứa sau khi tắm biển Nguyễn Tất Thành.
Hệ thống cửa xả xuống cấp
Theo ông Khương, dọc biển Nguyễn Tất Thành có đến 29 cống xả thải. Khi trời mưa, nước mưa và nước thải các loại sẽ theo 29 cống này đổ ra biển Đà Nẵng.
"Biển Đà Nẵng trở thành bể hứng nước thải bất đắc dĩ. Nước thải đổ ra biển phần lớn chưa được xử lý đúng chuẩn", ông Khương nói.
Bãi biển Mỹ Khê chạy dọc đường Trường Sa – Võ Nguyên Giáp – Hoàng Sa (quận Sơn Trà – Ngũ Hành Sơn) từng được tạp chí Forbes bình chọn là "bãi biển quyến rũ nhất hành tinh" cũng chịu cảnh trở thành bể hứng nước thải của quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn.
Các cống xả thải đổ nước đen ngòm ra biển |
Ông Mai Mã, Giám đốc Công ty thoát nước và xử lý nước thải Đà Nẵng, cho hay biển Mỹ Khê có 16 cửa xả. Các cửa xả này có nhiệm vụ thu gom nước mưa để xử lý.
Tuy nhiên khi có mưa lớn, nước thải theo nước mưa tràn ra biển bốc mùi hôi thối rất khó chịu. Ông Mã cho rằng nguyên nhân là do hệ thống cửa xả xuống cấp. Các trạm bơm ở các cửa xả bị quá tải không thể xử lý.
"Đây là khu vực biển tập trung du khách chính của Đà Nẵng.
Mỗi lần mưa là nước đen ngòm, hôi thối cứ tràn ra biển trước mắt du khách khiến ai cũng phải lắc đầu", một thành viên đội cứu hộ bờ biển Mỹ Khê chia sẻ.
Nước thải chưa qua xử lý đổ ra biển khiến biển Đà Nẵng thành bể chứa khổng lồ |
Theo ông Mai Mã, Đà Nẵng hiện có 4 trạm xử lý nước thải gồm trạm Phú Lộc, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Hòa Cường với tổng công suất 100.000m3/ngày. Các trạm này đều trong tình trạng quá tải, không thể xử lý hết lượng nước thải nên đành chấp nhận đổ ra biển.
Nước thải ô nhiễm ở kênh Phú Lộc đổ ra biển |
Theo Đình Thức (Soha.vn/Trí thức trẻ)