Video: Đường lên núi 2.000 bậc ở Tràng An Cổ xây dựng trái phép thế nào?
8h sáng 30/3, Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An thuê hai đơn vị độc lập bắt đầu tháo dỡ công trình cầu không phép xuyên lõi di sản Tràng An (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, Ninh Bình). Vị trí tháo dỡ được thực hiện từ đỉnh núi Cái Hạ có độ cao 100 m.
Phương pháp tháo dỡ chủ yếu là khoan cắt bê tông và dùng sức người di chuyển các khối bê tông. Sau đó, nhóm thợ sẽ dùng ròng rọc đưa các khối bê tông xuống mặt đất nhằm giữ nguyên hiện trạng vùng lõi Di sản Tràng An. Công trình xây dựng trên vách núi cao nên việc tháo dỡ được thực hiện tỉ mỉ, cẩn trọng.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Phó chủ tịch UBND huyện Hoa Lư, cho hay suốt quá trình tháo dỡ, các đơn vị chức năng, cả lực lượng công an sẽ được huy động để giám sát và bảo đảm an ninh trật tự.
Trước đó tháng 8/2017, Công ty CP du lịch Tràng An đã đưa người, máy móc vào khoan đục từ chân núi Cái Hạ (xã Trường Yên, huyện Hoa Lư) lên tới đỉnh núi, xây dựng hàng trăm bậc thang bằng bê tông cốt thép và đặt tên là đường lên đàn Kính Thiên. Đến tháng 1/2018, công trình hoàn thành.
Sau khi báo chí phản ánh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cử đoàn công tác về thanh tra vi phạm tại Khu di tích lịch sử Tràng An. Bộ kết luận Công ty CP Du lịch Tràng An tự ý xây dựng công trình gồm cổng và đường lên núi Cái Hạ với khoảng 2.000 bậc, dài hơn một km. Công trình không được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng; vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.
Lãnh đạo Bộ yêu cầu thanh tra toàn diện những hoạt động xây dựng trái phép; khẩn trương phê duyệt phương án tháo dỡ công trình xây trái phép, xâm hại cảnh quan, môi trường. Trường hợp chủ đầu tư không tự tháo dỡ, UBND tỉnh Ninh Bình cần chủ động có phương án thực hiện để sớm hoàn trả cảnh quan thiên nhiên của di sản Tràng An.
Ngày 26/3, ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty CP du lịch Tràng An (Ninh Bình) gửi đơn xin tự phá dỡ công trình trái phép. Thời gian thi công kéo dài một tháng tính từ 30/3.
Theo Lê Hoàng (VnExpress.net)