Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình cần ghi âm, ghi hình để góp phần chống bức cung, nhục hình, khách quan nhưng chỉ nên giới hạn ở một số tội.
Cần ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung
Ngoài quy định phải lập biên bản như hiện nay, dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi vừa được trình Quốc hội quy định bắt buộc ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can nhằm phản ánh trung thực quá trình hỏi cung, hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình. Coi đây chính là một trong những căn cứ quan trọng để bảo vệ các cán bộ tư pháp đã tiến hành tố tụng đúng pháp luật.
Thảo luận tại tổ chiều 27/5, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Độ, nguyên Phó Chánh án TANDTC ủng hộ quy định này và cho rằng: “Có lẽ đầu tư không có gì khó. Để đảm bảo khách quan, vì quyền con người thì không có gì tốn kém cả”.
Cho rằng Tòa xét xử công khai, độc lập mà Kiểm sát viên còn có mặt để đảm bảo phiên tòa diễn ra đúng pháp luật, đại biểu đề nghị kiểm sát viên phải có mặt ở trong tất cả hoạt động điều tra, đặc biệt khi diễn ra hoạt động hỏi cung.
|
Đại biểu Vũ Trọng Kim- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN
|
Đánh giá nhiều quan điểm đổi mới tiến bộ được thể hiện trong dự thảo luật, Đại biểu Vũ Trọng Kim- Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQVN nhấn mạnh, Tố tụng hình sự là vấn đề xã hội rất quan tâm vì xây dựng pháp luật là một phần quan trọng nhưng điều quan trọng hơn đòi hỏi cơ quan bảo vệ pháp luật phải làm đúng.
Đại biểu cũng cho rằng cần phải ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, đặc biệt là với những vụ án nghiêm trọng, rất nghiêm trọng.
Không đồng tình với quan điểm của cơ quan soạn thảo, Đại biểu Đặng Văn Hiếu- Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an cho rằng không nên quy định trong luật. Nhiều vụ bắt quả tang, chứng cứ rõ, đối tượng nhận tội thì không cần thiết phải ghi âm, ghi hình.
Theo đại biểu, thực tế cũng không có đủ điều kiện để sắm phương tiện, cơ sở vật chất khó đảm bảo và đề nghị chỉ ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung với trường hợp tội tù chung thân, tử hình.
Đồng quan điểm, Thiếu tướng Trịnh Xuyên, ĐBQH đoàn Thanh Hóa nhấn mạnh, tỷ lệ vụ án oan, sai thấp và ý thức cơ quan điều tra không nhằm mục đích oan sai mà chỉ muốn điều tra làm rõ tội phạm. Quy định buộc ghi âm, ghi hình khó thực hiện vì mỗi năm có hàng vạn vụ án. Do đó không nên quy định chung mà chỉ giới hạn ở các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp.
Ý kiến khác nhau về “quyền im lặng”
Quy định “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội” hiện vẫn đang có nhiều ý kiến khác nhau.
Nguyên Phó Chánh án TANDTC Trần Văn Độ nhấn mạnh đây là quyền và họ là những người bị buộc tội nên không buộc khai báo chống lại mình. Quy định này cũng thể hiện trách nhiệm chứng minh tội phạm là của cơ quan buộc tội trên nguyên tắc suy đoán vô tội.
“Có ý kiến cho rằng nếu không khai báo thì làm sao điều tra được, nhưng đó là trách nhiệm của Nhà nước. Dân sự người nào kiện thì người đó phải chứng minh, còn tố tụng hình sự là mối quan hệ giữa Nhà nước với cá nhân. Công tố là quyền của Nhà nước thì Nhà nước phải chứng minh một người có tội”, ông Độ phân tích.
Về cách diễn đạt, Thiếu tướng Trần Văn Độ cho rằng cách thể hiện của Ban soạn thảo là “không buộc” chính xác hơn “không bị ép buộc” vì thể hiện quyền chủ quan của bị can, bị cáo.
Đại biểu cũng đánh giá cao quan điểm người không nhận tội hoặc không khai báo thì không được coi là tình tiết tăng nặng trong hình sự. Là quyền nên quy tăng nặng tội khi người ta không thực hiện quyền đó là không phù hợp.
|
Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Đặng Văn Hiếu |
Thứ trưởng thường trực Bộ Công an Đặng Văn Hiếu cho rằng việc bị can, bị cáo tự do trình bày để cán bộ điều tra đấu tranh khai thác làm rõ vấn đề khi thấy mâu thuẫn cũng là nghệ thuật trong điều tra.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng quy định “không buộc” phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc “không buộc” phải nhận tội là chưa chuẩn và đề nghị thay bằng “không bị ép buộc”.
Thiếu tướng Trịnh Xuyên (đoàn Thanh Hóa) cho rằng quy định “quyền im lặng” là rất vô lý, gây khó khăn cho các cơ quan hoạt động tố tụng, tính nghiêm minh của pháp luật không cao, dẫn đến “nhờn” luật và là một nguyên nhân phát sinh tội phạm.
Theo Ngọc Thành (Vov.vn)