Bão Sơn Tinh gây mưa to, lốc xoáy, hàng loạt mái nhà bị cuốn phăng

19/07/2018 08:17:36

Trong đêm 18.7, bão số 3 (còn gọi là Sơn Tinh) đã gây ra lốc xoáy tại xã Xuân Phổ huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Trong tích tắc 13 nhà dân đã bị tốc mái. Tại Thanh Hóa, bão số 3 cũng gây ra gió giật cấp 9 tại nhiều nơi. Tuy nhiên, vào gần đến bờ, bão Sơn Tinh đã giảm cấp, gây mưa lớn nhiều nơi.

Lo đê vỡ, lốc xoáy trong đêm

Tối 18.7, ông Nguyễn Ngọc Anh -Chủ tịch UBND xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Vào lúc 19h ngày 18.7, trên địa bàn xuất hiện cơn lốc xoáy quét qua địa bàn thôn 2 xã Xuân Phổ làm tốc mái, sập giàn che của 13 hộ dân trong thôn. 

Bão Sơn Tinh gây mưa to, lốc xoáy, hàng loạt mái nhà bị cuốn phăng
13 nhà dân tại xã Xuân Phổ bị lốc xoáy cuốn phăng mái ngói. (Ảnh: Hữu Anh)

Riêng mái nhà chính của bà Trần Thị Năm (ở thôn 2, Xuân Phổ) bị lốc xoáy đánh sập. Rất may, thời điểm xảy ra lốc xoáy, bà Năm đã được chính quyền di dời đến nơi trú ẩn trước cơn bão số 3, vì vậy không xẩy ra thương vong về người.

Ngay trong đêm chính quyền địa phương đã huy động lực lượng cùng các gia đình khắc phục, sửa chữa lại nhà cửa và sẵn sàng các phương án ứng phó với bão số 3 ngay trong đêm nay. 

Bão Sơn Tinh gây mưa to, lốc xoáy, hàng loạt mái nhà bị cuốn phăng - 1
Lãnh đạo huyện Nghi Xuân đã thăm hỏi các gia đình bị lốc xoáy, hỗ trợ sửa chữa lại nhà trong đêm. (Ảnh: Hữu Anh)

Ông Nguyễn Hải Nam-Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) cho biết: Tính đến 19h30 ngày 18.7, huyện đã hoàn tất việc di dời 409 hộ dân, với 1.240 nhân khẩu nằm ở vùng xung yếu thuộc 6 xã: Xuân Hội, Xuân Thành, Xuân Lam, Xuân Viên, Xuân Giang, Cổ Đạm đến nơi an toàn.

Cũng theo ông Nam, hiện tại khu vực này mưa nhỏ, gió nhẹ chưa xuất hiện bão bất thường. Các lực lượng đang chủ động trực 24/24 để ứng phó khi bão đổ bộ.

Khoảng 16h chiều 18.7, tại xã Xuân Phổ xuất hiện một cơn lốc khiến 1 ngôi nhà bị tốc mái. Rất may không có thiệt hại về người.

Ông Nguyễn Sỹ Huyền, Chủ tịch xã Cẩm Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) cho biết khoảng 100 hộ dân sống ở thôn Nam Hải, Bắc Hải nơi nguy hiểm đã được di dời vào trú ở những gia đình có nhà cửa kiên cố.

Trong khi đó, xã Thạch Châu (huyện Lộc Hà) phải đối mặt với nỗi lo đê vỡ. Ông Nguyễn Tiến Tám - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Châu cho biết, ngày 18.7, xã đã huy động lực lượng để gia cố 50m đê bao bảo vệ gần 40ha đất sản xuất muối và gần 150 hộ dân trước khi cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền.

Thông tin từ BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh, tối 18.7, toàn tỉnh đã di dời được 555 hộ dân, với 1.054 nhân khẩu ở các vùng ven biển xung yếu đến nơi an toàn.

Bão Sơn Tinh gây mưa to, lốc xoáy, hàng loạt mái nhà bị cuốn phăng - 2
Người dân Thạch Châu gia cố tuyến đê xung yếu. (Ảnh: Lê Minh - Đậu Tình/VNN)

Đây là đoạn đê bị vỡ từ cơn bão số 10 năm ngoái nhưng do thiếu vốn nên chưa được khắc phục.

Lo sợ cơn bão số 3 đổ bộ vào khiến nước biển dâng cao làm hư phần đê tạm và nước tràn vào đồng muối nên xã đã huy động hàng chục người đến khu vực này để gia cố. Đến chiều tối nay, việc gia cố đã cơ bản hoàn thành.

“Mặc dù đã vá xong đê nhưng chúng tôi vẫn rất lo, nước dâng bình thường thì không có vấn đề gì nhưng khi bão lớn, nước ập vào mạnh thì tuyến đê này có thể vỡ bất cứ lúc nào” - ông Tám nói.

Xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà chiều nay cũng huy động một lượng lớn người dân đến khu vực nuôi trồng thủy sản để gia cố một số tuyến đê xung yếu.

Thanh Hóa: Gió giật cấp 9

Trong khi đó, vào 0h hôm nay 19.7, theo ghi nhận của cơ quan khí tượng, bão số 3 đã gây gió giật cấp 9 ở xã Quảng Trung (Quảng Xương, Thanh Hóa). TP Sầm Sơn cũng có gió giật cấp 8. Gió bão mạnh hơn ở rìa phía bắc cơn bão nên ở thị xã Cửa Lò (Nghệ An) chưa có gió mạnh. Tâm bão có thể đi vào khu vực huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu (Nghệ An).

Ông Nguyễn Sỹ Hưng, PGĐ Sở NNPTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão Nghệ An cho biết bão vẫn chưa vào đất liền tỉnh Nghệ An. Đến gần 1h, dọc vùng biển các huyện trên địa bàn Nghệ An mới chỉ thỉnh thoảng có gió rít, mưa nhỏ.

Để đảm bảo an ninh trật tự tại các địa phương, lực lượng công an các cấp đã thay nhau trực 24/24.

Bên cạnh đó, tại các địa điểm tiếp đón người già, trẻ em, chính quyền các xã cũng đã bố trí cơm nước và chuẩn bị sẵn thuốc men hỗ trợ điều trị các bệnh thường gặp trong thời gian tránh trú bão. 

Cảnh báo mưa lớn 2 ngày tới

Theo cơ quan khí tượng, 0h ngày 19.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Do ảnh hưởng của bão số 3, ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh có mưa rất to.

Ảnh hưởng của bão số 3 - Sơn Tinh, các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20.7 (lượng mưa phổ biến 100-300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm).

Cơ quan khí tượng cảnh báo từ nay đến ngày 20.7, trên thượng lưu hệ thống sông Hồng - Thái Bình, sông Hoàng Long, các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình sẽ xuất hiện một đợt lũ.

Biên độ lũ lên trên các sông như sau: thượng lưu sông Hồng - Thái Bình 2-4 m; sông Hoàng Long 1-2 m; các sông từ Thanh Hóa đến Quảng Bình 3-5 m.

Trong đợt lũ này, đỉnh lũ trên sông Đà lên mức BĐ1; sông Thao, sông Lô, sông Hoàng Long và các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình lên mức BĐ1-BĐ2, riêng sông Bưởi (Thanh Hoá), sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố (Hà Tĩnh) lên mức BĐ2-BĐ3.

Cảnh báo rủi ro thiên tai do lũ, lũ quét, sạt lở đất ở cấp độ 2.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão số 3, ở Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh đêm 18 rạng sáng 19.7 có mưa rất to; ở Sầm Sơn đã có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; Ngọc Trà (Thanh Hóa) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 9; Tĩnh Gia có gió giật cấp 8.

Hồi 0h ngày 19.7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 106,0 độ Kinh Đông, ngay trên bờ biển các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 7-8 (50-75km/giờ), giật cấp 10.

Đêm 18 rạng sáng 19.7, vùng tâm bão với sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Quảng Bình, sau đó bão sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 7h ngày 19.7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 18,8 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Trung Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20-25 km và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào.

Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 3-5m; biển động rất mạnh. Vùng ven biển đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nước biển dâng trên nền thủy triều khoảng 0,5-0,7m; sóng biển cao 2-4m; biển động rất mạnh.

Trên đất liền các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh, Quảng Bình có gió mạnh dần lên cấp 6, sau tăng lên cấp 7, giật cấp 9; riêng Nam Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh có gió bão mạnh cấp 8, giật cấp 11. Cấp độ rủi ro thiên tai do bão: cấp 3.

Ở các tỉnh đồng bằng và trung du Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình có mưa rất to và kéo dài đến khoảng ngày 20.7 (lượng mưa phổ biến 100-300mm/đợt, có nơi trên 350mm).

Theo Hữu Anh (Dân Vệt)