Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Quang Năng - Trưởng phòng dự báo thời tiết Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết bão số 8 sẽ đạt cấp 11-12, giật 14 khi hoạt động ở quần đảo Hoàng Sa, sau đó giảm cấp.
"Hiện tại cơn bão này mới vào Biển Đông nên chúng tôi đang tập trung theo dõi hướng đi, cấp độ của bão. Chưa thể nhận định được nguyên nhân suy yếu cũng như cấp độ bão khi vào đất liền do từ nay tới đó còn xa.
Sau khi bão tới Hoàng Sa sẽ có các thông tin tiếp theo, bà con cần chú ý theo dõi để có hướng phòng tránh", ông Năng nói.
Còn theo bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, bão số 8 sau khi đi qua quần đảo Hoàng Sa sẽ đi quét qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) và có thể vào khu vực từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế.
Theo bà Lan, nguyên nhân khiến bão suy yếu là do ma sát, khi vào khu vực thềm lục địa, đáy biển sẽ nông hơn, ma sát nhiều làm bão yếu đi. Một nguyên nhân khác khiến bão suy yếu do nguồn năng lượng nuôi dưỡng nó là nhiệt độ và độ ẩm bị mất dần.
"Hiện tại không khí lạnh từ phía Bắc đang di chuyển xuống phía Nam. Ban đầu bão dự báo bị không khí lạnh đẩy lệch dần xuống Nam nhưng do thời điểm bão vào thì không khí lạnh không đủ mạnh để làm lệch hướng bão.
Tuy nhiên không khí lạnh sẽ khiến nhiệt độ mặt biển giảm, độ ẩm giảm, đây là hai nguồn năng lượng khiến bão mạnh lên hay yếu đi", bà Lan nhận định.
Một thông tin nữa được bà Lan cung cấp là thời điểm bão số 8 vừa vào đất liền sẽ có nguy cơ xuất hiện một cơn bão khác vượt qua Philippines vào Biển Đông trở thành bão số 9. Bà Lan cảnh báo tàu bè trên biển cần tránh chủ quan trong giai đoạn này vì thời tiết diễn biến khá phức tạp.
Hiện mô hình dự báo của Mỹ dự báo bão số 9 di chuyển về hướng bắc miền Trung, tuy nhiên do còn xa nên có nhiều yếu tố chi phối hướng di chuyển của nó.
Theo Lê Phan (Tuổi Trẻ)