- Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, lúc 13h30 ngày 19/8, tâm bão số 3 đã ở vào ngay ven bờ biển Quảng Ninh-Nam Định. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/h), giật cấp 10-11. Đến 17h cùng ngày, dự báo vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/h), giật cấp 10-12. - Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương thông tin, trong 3-6 giờ tới, bão ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đã bắt đầu có mưa to, gió lớn. Khu vực nội thành Hà Nội, một số nơi tiếp tục có cây xanh cổ thụ bị đổ gãy, đè ngang đường, chèn lên ôtô đậu trên đường… - Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12. Ninh Bình tiếp tục có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9-10. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3,0-3,5 m. - Thủ tướng phân công Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đi kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống Bão số 3 tại Hải Phòng và Quảng Ninh; Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đi Nam Định và Thái Bình; Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đi Ninh Bình và Thanh Hóa. |
Chờ mưa ngớt, anh đình anh Khánh, chị Ngọc đưa hai con trở về nhà sau thời gian trú bão.
Mưa gây ngập phố Phạm Ngọc Thạch (quận Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Lê Anh Quân.
Hà Nội cảnh báo người dân hạn chế ra đường
Chiều 19/8, TP Hà Nội đã họp trực tuyến với các sở ngành, quận, huyện, thị xã về công tác ứng phó với bão số 3. Theo Phó chủ tịch Nguyễn Thế Hùng, bão số 3 gây mưa to, úng ngập một số điểm tại Hà Nội, khiến nhà dân bị tốc mái, ôtô bị cây đổ đè bẹp... Bão số 3 làm cây đổ khiến 2 người bị thương.
Theo báo cáo nhanh, Hà Nội có 100 cây đổ, 80 cành cây gãy. Hiện thành phố đã bố trí các lực lượng trực 100% quân số, với 14 xe nâng, 10 xe cẩu, các xe chuyên dụng khác... với tổng cộng 750 người để kịp xử lý các sự cố.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung yêu cầu cơ quan điện lực phải ứng trực, đảm bảo cắt điện phục vụ cứu hộ cứu nạn, nhưng phải cấp điện lại ngay sau khi khắc phục sự cố.
Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo tăng cường thông tin tuyên truyền, phối hợp với bưu chính viễn thông để nhắn tin cảnh báo người dân hạn chế đi ra đường nếu không thực sự cần thiết. Công an Hà Nội được yêu cầu chủ động tham gia điều tiết giao thông và công tác cứu hộ cứu nạn trên địa bàn.
16h45: Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới
Lúc 16h15, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Hà Nội. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40-60km/h), giật cấp 8-9. Theo dự báo, trong 3-6 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20km. Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên còn có gió giật cấp 7-9; Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có gió giật cấp 6-7. Khu vực Đông bắc, Đồng bằng - Trung du Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to. Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa to.
16h40: Bão đổ bộ vào Quảng Ninh - Nam Định trưa nay, khiến các hàng quán ở 2 địa phương này đóng cửa sớm hơn thường lệ để tránh thiệt hại. Một tài xế tham gia giao thông từ Hà Nam về Nam Định chia sẻ trên otofun việc ôtô sắp hết xăng, ghé nhiều cửa hàng bán chất đốt đều đóng cửa. Nhiều cư dân mạng gợi ý chủ xe nên ghé vào các trạm dừng chân ven cao tốc sẽ có điểm đổ xăng, nhưng tài xế cho biết "đã đi 3 cây rồi đều đóng cửa".
16h20: Hiện nay, một số nơi trong khu vực nội thành Hà Nội có mưa lớn. Lượng mưa trong 3 giờ qua tại trạm Thanh Lương 26 mm, Di Trạch 26 mm, Mễ Trì 21 mm, Vĩnh Quỳnh 28 mm, Cầu Diễn 17 mm, Láng Thượng 19 mm, Định Công 21 mm.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, chiều tối và đêm nay, các tuyến phố nội thành Hà Nội có khả năng ngập úng từ 0,1-0,4 m như: Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng, Trần Bình, Trường Chinh, Giáp Bát, Minh Khai, Thái Hà, Nguyễn Trãi, Hoàng Mai, Định Công…16h10: Lo ngại cơn bão số 3 gây mưa lớn trong thời gian dài ở Hà Nội, nhiều người dân Thủ đô đã có biện pháp đề phòng. Facebook Linh Nguyễn chia sẻ những hình ảnh về việc anh chống lụt tại nhà ở khu vực chợ Tân Mai (quận Hoàng Mai), khi mưa đang gây ngập cục bộ. Trong hình, anh Linh Nguyễn sử dụng các bình nước, thùng nhựa, bàn... để kê cao đệm, quần áo và các thiết bị điện trong nhà.
Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, 15h30 ngày 19/8, bão số 3 tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/h), giật cấp 10-11. Trong 3-6 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15-20 km.
Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình có gió giật cấp 10-11. Các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên có gió giật cấp 7-9. Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hòa Bình có gió giật cấp 6-8. Khu vực Đông Bắc, đồng bằng, rung du Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to. Khu vực Hà Nội có gió giật cấp 7-9 và mưa to 100-200 mm.
15h50: Facebook Nguyen Hung FC chia sẻ hình ảnh ngập úng tại đường Hoàng Mai (Hà Nội), khiến nhiều phương tiện chết máy.
15h40: Hà Nội đang mưa khá lớn. Nhiều người chia sẻ trên mạng xã hội về tình hình thời tiết hiện nay.
15h15: Hải Phòng, Thái Bình gió giật cấp 10-12
Lúc 14h45, cơ quan khí tượng Trung ương cho biết, chiều nay 19/8, bão số 3 đã đi vào khu vực các tỉnh phía Đông Bắc Bộ. Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh cấp 9, giật cấp 11, ở Cô Tô và Cửa Ông (Quảng Ninh) đã có gió giật mạnh cấp 10-11. Các nơi khác ở ven biển Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có gió giật mạnh cấp 8. Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã có mưa 50 -150 mm. Hồi 14h ngày 19/8, vị trí tâm bão số 3 ở trên đất liền các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/h), giật cấp 10-12.
Báo Quảng Ninh cho hay, ông Vũ Đình Tân - Phó giám đốc kỹ thuật Công ty Điện lực Quảng Ninh xác nhận, ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ chiều ngày 18/8 cho đến 11h ngày 19/8, Quảng Ninh đã bị mất điện trên diện rộng.
Theo đó, 12/14 thành phố, thị xã, huyện đã bị mất điện (trừ huyện Hoành Bồ và Bình Liêu), ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là huyện Cô Tô, Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà. Những địa phương còn lại bị mất điện ở một số khu vực nhỏ lẻ. Hiện, đơn vị đã yêu cầu điện lực các địa phương huy động tối đa quân số, phương tiện, khẩn trương khắc phục sự cố để cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất.
Điện lực Quảng Ninh kiểm tra, khắc phục sự cố ở huyện Đông Triều. Ảnh: Báo Quảng Ninh |
TTXVN cho hay, do ảnh hưởng của bão số 3, từ 19h ngày 18/8 trên địa bàn tỉnh Sơn La liên tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, lượng mưa tại Mộc Châu là 129 mm, Yên Châu 53 mm, Bắc Yên 70 mm, Chiềng Mai (Mai Sơn) 44 mm, Km46 là 91 mm; xảy ra lũ cấp báo động III trên suối Nậm Pàn huyện Mai Sơn, lũ cấp báo động I trên suối Nậm La, thành phố Sơn La.
Mưa lũ đã khiến một người chết là ông Mùa Bả Súa, 48 tuổi, Bí thư Chi bộ bản Phá Thóng, xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp.
Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng Hải Phòng cho hay, tính đến trưa 19/8, địa phương này đã có 11.440 người dân sinh sống tại các khu vực trũng thấp ven biển, các chung cư cũ yếu, khu vực có nguy cơ sạt lở được di dời đến nơi an toàn. Trên biển, tất cả 3.293 phương tiện/12.389 lao động đã vào nơi neo đậu tại các bến phòng tránh bão, không còn phương tiện hoạt động trên biển.
Riêng tại Đồ Sơn, 191 khách du lịch bị “kẹt” do bão số 3 cũng đã được bố trí nơi ăn chốn ở chu đáo, an toàn.
Người dân Đồ Sơn, Hải Phòng gia cố nhà cửa. Ảnh: Hoàng Hà. |
14h5: Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: ‘Không được chủ quan, tránh tổn thất’
Sáng 19/8, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có buổi làm việc, kiểm tra công tác phòng chống cơn bão số 3 tại tỉnh Thanh Hóa. Tại đây, Phó thủ tướng đánh giá cao tinh thần chỉ đạo sát sao, vào cuộc nghiêm túc của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các Sở, Ban ngành trong việc phòng chống bão của tỉnh Thanh Hóa.
Phó Thủ tướng đề nghị các ngành chức năng trong tỉnh theo dõi sát diễn biến đường đi của bão số 3. “Không được chủ quan, nhằm tránh mọi thiệt hại, tổn thất. Chú ý các công tác khắc phục, phòng chống mưa lũ sao bão, đặc biệt đối với khu vực miền núi” – Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra tình hình bão lũ và đẩy bè giúp ngư dân ở xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Nguyễn Dương |
13:55 Hà Nội cho học sinh nghỉ sớm tránh bão
Do ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 3, Hà Nội có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 150 - 200 mm. Từ 19/8, gió mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 8. Sở GD&ĐT yên cầu thủ trưởng các đơn vị kiểm tra cơ sở vật chất, trường lớp, theo dõi diễn biến mưa bão; Chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ giáo viên khi xảy ra mưa bão.
Đầu giờ chiều 19/8, nhiều trường THCS, THPT trên địa bàn Hà Nội thông báo cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.
Xe buýt xếp trong sân trường Meri Curie Hà Nội để đón học sinh cho khỏi ướt. Ảnh: Kim Ngân |
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, đến 17h ngày 19/8, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/h), giật cấp 10-12.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, ở Vịnh Bắc Bộ (bao gồm các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn) có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, giật cấp 10-12, sóng biển cao từ 3-5 m. Biển động rất mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 10-12. Ninh Bình tiếp tục có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9-10. Vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình có nước dâng do bão kết hợp thủy triều cao 3,0-3,5 m.
Đến 17h ngày 19/8, vị trí tâm bão ở trên đất liền các tỉnh Quảng Ninh-Thái Bình. Nguồn: NCHMF. |
13h40: Xà cừ bật gốc đè bẹp ôtô tại Hà Nội
Khoảng 11h35 ngày 19/8, một cây xà cừ lâu năm bất ngờ đổ sập xuống khu vực sân bãi đỗ xe tòa nhà Tháp Hà Nội, số 49 Hai Bà Trưng quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Theo lực lượng chức năng, cây đổ đè lên ôtô KIA, vắt ngang nóc xe làm móp toàn bộ phần khung trên.
Một CSGT cho biết, tài xế vừa ra khỏi xe được vài phút thì cây xà cừ đổ xuống, gây tiếng động mạnh. Một chiếc KIA khác đỗ bên cạnh không bị ảnh hưởng. Do cây đổ vào phía trong sảnh tòa nhà, không tràn ra đường nên các phương tiện khác lưu thông bình thường.
Sau đó, công ty cây xanh và công an phường sở tại có mặt, phối hợp cùng chủ phương tiện giải quyết.
Xà cừ đè bẹp xe ôtô trên phố Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ảnh: Nam Nguyễn. |
Ông Đinh Viết Hồng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An kiêm Phó ban Phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) Nghệ An cho biết, đến thời điểm hiện tại 100% tàu thuyền đang hoạt động trên biển đã tìm nơi trú ẩn tránh bão an toàn.
Toàn tỉnh có 625 hồ đập, trong đó có 2 hồ lớn (Đôn Hùng, Kẻ Sắt thuộc huyện Yên Thành) và một số hồ nhỏ nằm trong diện thuộc điểm xung yếu, có nguy cơ sạt lở; 450 km đê biển trong đó có 247 km đê có nguy cơ sạt lở. Tỉnh cũng đã gửi công điện cho tất cả các huyện, thị trên địa bàn chủ động phòng chống cơn bão số 3.
Báo Quảng Ninh cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, từ 8 giờ sáng nay 19/8, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, đơn vị quản lý cầu Bãi Cháy đã cấm các phương tiện xe máy, xe thô sơ lưu thông trên cầu.
Công ty TNHH MTV quản lý cầu phà Quảng Ninh đã bố trí ô tô chở người và phương tiện thô sơ, xe máy qua cầu Bãi Cháy để đảm bảo an toàn.
Các lực lượng chức năng đã dựng barrie chặn xe máy, phương tiện thô sơ qua cầu Bãi Cháy. |
12h50: Hà Nội ứng phó với ngập cục bộ
Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo chiều 19/8, khu vực Hà Nội có gió giật cấp 6-8 và mưa 100-200mm.
Sáng nay19/8 nhiều nơi có mưa, ảnh hưởng lớn đến giao thông.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã đưa toàn bộ dàn thiết bị cơ giới cùng nhân lực đến những khu vực ngập úng để thông tắc miệng cống, ga thu. Các cửa phai hồ Thành Công, Giảng Võ, Bảy Mẫu, Đống Đa, Linh Đàm… đã được mở để điều hoà nước.
Tối 18/8, trận mưa lớn kèm gió to làm nhiều tuyến đường Hà Nội ngập, cây đổ.
Trong cơn bão số 1, công ty TNHH một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội cho biết, tính đến hết ngày 29-7, trên địa bàn 10 quận nội thành của Hà Nội (trừ 2 quận Hà Đông, Long Biên) có trên 1.400 trường hợp cây đổ và nhiều cành bị gãy.
Sau cơn dông, cây xanh đè bẹp ôtô trên phố Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thu Trang. |
Theo Nhóm PV (Zing.vn)