Thông tin từ văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết đến 17g ngày 19-8, bão và mưa do bão gây ra đã làm 1 người chết, 4 người bị thương.
Bãi nuôi ngao của người dân Đồng Châu huyện Tiến Hải tỉnh Thái Bình bị nước biển dâng ngập, nhiều chòi canh cũng bị gió làm hư - Ảnh: Nam Trần |
Người chết là ông Mùa Bà Sủa, 48 tuổi, thường trú tại xã Púng Pánh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Ông Sủa là bí thư chi bộ bản. Bốn người bị thương gồm ba người ở Hà Nội, một người ở Vĩnh Phúc (chủ yếu là do cây đổ).
Về tài sản có 11 nhà sập (Quảng Ninh); hư hại, tốc mái 33 nhà (Hà Nội 19 nhà, Điện Biên 8 nhà, Quảng Ninh 6 nhà); ngập 36 nhà (Sơn La); hỏng 11 ôtô, xe máy (Hà Nội); thiệt hại 59ha hoa màu (Quảng Ninh 50ha, Sơn La 9ha); 36 cột điện (Hà Nội 14, Quảng Ninh 22); đổ 135 cây (Hà Nội).
Trao đổi với Tuổi Trẻ sau khi bão số 3 đi qua tỉnh Thái Bình, ông Phạm Văn Xuyên - phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình - cho biết bước đầu có thể ghi nhận ảnh hưởng sau bão là không lớn. Vấn đề đáng ngại nhất ở Thái Bình là có gần 5.000ha lúa mới cấy cần phải luôn luôn túc trực để điều chỉnh mực nước dưới ruộng.
Tại Nam Định, gió chỉ giật ở mức cấp 7 - cấp 8 khi đổ bộ vào đất liền, do đó không có thiệt hại về người và của.
Một cây xà cừ đổ ngang phố Phan Chu Trinh Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh |
Ông Bùi Sỹ Sơn - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nam Định - cho biết theo báo cáo thông tin từ các địa phương trong tỉnh, hầu hết diện tích hoa màu, đầm phá, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản... không có ảnh hưởng gì nghiêm trọng.
Hiện tại Nam Định tiếp tục tập trung tiêu thoát nước nội đồng đề phòng ngập úng.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, do hứng chịu lượng mưa lớn, dồn dập, TP Nam Định bị ngập úng hàng loạt tuyến phố. Đến chiều tối cùng ngày nước vẫn ngập sâu nhiều nơi khiến giao thông và cuộc sống người dân bị đảo lộn.
Trước đó tỉnh Nam Định dời khẩn cấp 15.000 nhân khẩu chủ yếu tập trung vào ba huyện ven biển Hải Hậu, Giao Thủy, Xuân Trường ra khỏi khu vực nguy hiểm tại các lều chòi đầm canh, nuôi trồng thủy sản, vùng có khả năng ngập lụt…
Phòng chống mưa lớn sau bão Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương, đầu buổi chiều 19-8 vùng tâm bão số 3 đi vào đất liền thuộc Hải Phòng, Thái Bình. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90 km/h), giật cấp 10-12. Ở Bạch Long Vỹ bão gây gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; ở Cô Tô, Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió giật mạnh cấp 10-11; các tỉnh phía Đông Bắc bộ có gió giật mạnh cấp 6-9. Ở Đông Bắc bộ, Bắc Trung bộ có mưa 50-150mm, có nơi 200mm. Sau khi đi vào khu vực Hà Nội, bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới với sức gió mạnh cấp 6 (40-50 km/h), giật cấp 7-9. Đến 23g ngày 19-8, áp thấp nhiệt đới suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Tây Bắc bộ. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương dự báo từ chiều 19 đến hết ngày 20-8 ở Bắc bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa diện rộng (50-100mm), riêng khu vực Tây Bắc, Việt Bắc có mưa rất to (100-200mm). Đợt mưa này sẽ gây đợt lũ ở mức báo động I đến báo động II trên các sông miền Bắc đến Hà Tĩnh. Đặc biệt, mưa lớn gây nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ ống, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung bộ. Chiều qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu các địa phương, bộ ngành liên quan tập trung một số nhiệm vụ cấp bách để chủ động phòng tránh, ứng phó với mưa lũ sau bão số 3, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, tránh tư tưởng chủ quan... T.PHÙNG |
Theo Nhóm PV-CTV (Tuổi Trẻ)