Trưa nay (2/11), Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai tổ chức họp ứng phó với bão số 10.
Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, lúc 10h hôm nay, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 720km, cường độ cấp 8. Dự báo trong 6h tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc.
Tính từ 4-7h sáng, bão di chuyển từ 10-30km, nhưng 2h vừa qua ít dịch chuyển. Từ lúc mạnh nhất đến thời điểm này, bão đã giảm 9 cấp.
Theo dự báo của Đài khí tượng Hong Kong, bão sẽ đổ bộ vào Bình Định - Ninh Thuận vào sáng 5/11, gió cấp 8-9. Nhật Bản dự báo bão đổ bộ trưa 5/11, gió mạnh cấp 8.
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia nhận định, khi vào Nam quần đảo Hoàng Sa, bão có thể mạnh thêm đến cấp 9, sau đó khi áp sát bờ biển Đà Nẵng - Phú Yên cường độ bão suy giảm.
Ngày 5/11, bão có thể tác động đến đất liền nước ta, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên, gió có thể cấp 7-8.
Bão ảnh hưởng trực tiếp gây mưa lớn cho các tỉnh Trung Bộ và Bắc Tây Nguyên từ 4-7/11.
Từ 4-6/11, ở Bình Định, Phú Yên và Bắc Tây Nguyên có mưa 100-200mm/đợt; từ Huế đến Quảng Ngãi có mưa từ 300-400mm/đợt.
Từ ngày 5-7/11, ở Nghệ An đến Quảng Trị có mưa từ 150-300mm/đợt.
Các sông ở Quảng Nam, Quảng Ngãi lên mức BĐ2-BĐ3, có sông trên BĐ3. Các sông chính từ Nghệ An đến Huế, ở Bình Định, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2; sông nhỏ lên mức BĐ3.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp tại các tỉnh trên.
Chủ động sơ tán dân khỏi khu vực dễ sạt lở đất
Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết đã xuất cấp bổ sung như áo phao, lương khô cho các đơn vị tuyến biển, đặc biệt tuyến miền Trung phục vụ phòng chống bão. Ngoài ra đã di chuyển 30 điểm đóng quân khỏi khu vực nguy cơ sạt lở đất.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng lưu ý bão giảm cấp nhưng diễn biến vẫn phức tạp. Ông yêu cầu không được chủ quan và theo dõi sát sao diễn biến cơn bão để kịp thời ứng phó cho phù hợp.
Phó Thủ tướng đề nghị tập trung rà soát tàu thuyền trên biển để đưa về nơi tránh trú an toàn, ra khỏi khu vực nguy hiểm; sơ tán người dân ra khỏi lồng bè và chòi canh. Đảm bảo an toàn cho những tàu đang tìm kiếm cứu nạn ở khu vực 2 tàu của Bình Định bị chìm.
Theo dõi chặt chẽ cơn bão khi đổ bộ để chủ động sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm, đặc biệt là khu vực dễ sạt lở đất.
Vừa khắc phục và ứng phó với bão để bảo vệ các công trình, nhà ở của người dân, trường học, hệ thống điện…, bảo vệ an toàn hồ đập, đê điều. Tiếp tục tập trung tìm kiếm những người bị nạn trong các vụ sạt lở…
Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống thiên tai, các đối tượng nguy cơ tác động của bão số 10 là khu vực Quảng Trị - Khánh Hòa vừa chịu thiệt hại nặng nề của bão số 9 trên cả 3 tuyến biển, ven biển và miền núi.
Hiện trên biển còn 4 tàu kiểm ngư (KN 490, 463, 465, 473) với 140 thủy thủ đang tìm kiếm các thuyền viên trên 2 tàu Bình Định bị chìm trong bão số 9.
Nhà cửa bị sập đổ, hư hỏng do bão số 9 đang được khôi phục, sửa chữa (690 nhà bị sập đổ; 148.999 nhà bị hư hỏng, tốc mái). Còn 14 điểm sạt lở chưa thông xe trên QL 49 (Thừa Thiên Huế), đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (qua Quảng Trị, Thừa Thiên Huế).
Tại khu vực Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế), Nam Trà My, Phước Sơn (Quảng Nam), hiện đang có 1.208 cán bộ, chiến sỹ đang thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn và nhân dân trong khu vực cần đảm bảo an toàn.
Một số khu vực bị cô lập: các xã Phước Công và Phước Thành, huyện Phước Sơn (Quảng Nam); xã Hưng Nhân, Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An).
Hiện có 20 hồ chứa vừa và lớn từ Quảng Trị - Khánh Hòa đã đầy nước; 3 hồ đang xả tràn (Tả Trạch, Thuận Ninh, Hòn Lập). Khu vực Trung Bộ có 49 hồ chứa vận hành điều tiết qua tràn.
Tính đến ngày 2/11, bão số 9 khiến 33 người chết, 49 người mất tích. Còn 15.484 hộ bị ngập.
Theo Hương Quỳnh (VietNamNet)