Cơ quan khí tượng dự báo, khi vào đến Vịnh Bắc Bộ, bão Khanun chỉ còn mạnh cấp 7.
10h hôm nay, vị trí tâm bão Khanun cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 350 km về phía Đông với sức gió mạnh nhất 150 km/giờ (cấp 13).
Do ảnh hưởng của bão, từ sáng nay, vùng biển Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các đảo Hòn Ngư, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
|
Vị trí và đường đi của bão Khanun lúc 11h ngày 15/10. Nguồn: Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương. |
Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho hay, trong 24 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20 km. Đến 10h ngày 16/10, vị trí tâm bão cách đảo Bạch Long Vĩ khoảng 190 km về phía Đông. Khi đó, sức gió mạnh nhất giảm xuống còn 100 km/giờ (cấp 10).
Dự báo bão Khanun sẽ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, đến ngày 17/10 khi tâm áp thấp nhiệt đới ở trên vùng biển Nam Vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất 60 km/giờ (cấp 7).
Trong khi đó, một đợt không khí lạnh mạnh sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam vào đêm 15 rạng sáng 16/10. Không khí lạnh làm nền nhiệt miền Bắc giảm, mức nhiệt thấp nhất vùng đồng bằng sẽ xuống dưới 22 độ C, trời chuyển lạnh; vùng núi xuống dưới 20 độ C, trời chuyển rét.
Từ đêm 15-17/7, không khí lạnh kết hợp hoàn lưu cơn bão Khanun gây mưa ở Bắc Bộ, riêng phía Đông Bắc Bộ mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có giông.
Cơ quan khí tượng cảnh báo nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và lũ quét tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái.
68 người thiệt mạng do mưa lũ
Thống kê của Ban chỉ đạo trung ương phòng chống lụt bão, số người chết do đợt mưa lũ từ ngày 10-12/10 tiếp tục tăng. Tính đến cuối ngày 14/10, đã có 68 người chết (tăng 8 người so với thống kê một ngày trước đó), 34 người mất tích và 32 người bị thương.
|
Nhiều địa bàn thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Nội vẫn bị ngập trong nước lũ. Ảnh: Nhật Quang. |
Theo Ban chỉ đạo, nhiều tuyến đường hư hại đã được khắc phục, mực nước các sông đang tiếp tục xuống nhưng hiện vẫn còn nhiều địa bàn bị cô lập; tại Thanh Hoá còn 35 xã (của các huyện Nông Cống, Yên Định, Vĩnh Lộc); Ninh Bình còn 6 xã tại 2 huyện Nho Quan, Gia Viễn.
Các hồ Hoà Bình, Sơn La đã đóng toàn bộ cửa xả; hồ Tuyên Quang đang mở một cửa xả đáy; hồ Thác Bà mở 2 cửa xả mặt.
Báo cáo của Vụ Quản lý đê điều (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong đợt mưa lũ vừa qua đã xảy ra 143 sự cố đê điều; do mực nước trên các sông Đáy, sông Hoàng Long, sông Mã vẫn còn ở mức cao, nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố đê điều.
Từ ngày 9 đến 12/10, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa rất to. Tại Bái Thượng (Thanh Hóa) mưa trong hai ngày tới hơn 500 mm, Hòa Bình trên 450 mm. Hồ Hòa Bình lần đầu tiên kể từ khi xây dựng phải mở 8 cửa xả đáy vào trưa 11/10.
Nhiều khu vực ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nội bị ngập sâu, có nơi tới 2 m. Miền núi Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình bị lũ quét, sạt lở đất. Đến hôm nay, mưa lũ làm 60 người chết, 37 người mất tích, chủ yếu ở Hòa Bình, Yên Bái, Thanh Hóa.
Khanun là cơn bão thứ 11 ở biển Đông. Từ nay đến cuối năm, còn khoảng 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó 2 cơn bão và áp thấp có thể ảnh hưởng đến Trung Bộ và Nam Bộ. |