"Rất dở cho doanh nghiệp"
Bà Việt Hương - giám đốc nhân sự (trái) và bà Quế Chi - giám đốc dự án, công ty xây dựng trên địa bàn TP.HCM - đang tính toán lại nhân sự tham gia đóng bảo hiểm xã hội năm 2016 cho toàn công ty - Ảnh: Tự Trung |
Cách thứ hai là doanh nghiệp sẽ sắp xếp lại bộ máy sản xuất, sa thải bớt người lao động để không làm tăng tổng quỹ lương, quỹ BHYT, BHXH. Cả hai cách này đều không có lợi cho người lao động. Do vậy mà không ít ý kiến cho rằng cuối cùng quy định này thực chất không có lợi cho cả doanh nghiệp và người lao động mà chỉ giúp bổ sung thêm vào quỹ BHXH” - ông Hưng nêu.
Ông cho biết thêm việc giảm các khoản phụ cấp, lương hiệu quả công việc chắc chắn sẽ gặp phản ứng từ người lao động. Do đó, cần có sự san sẻ từ tổ chức công đoàn trong việc tuyên truyền cho người lao động hiểu về chính sách, hiểu về khó khăn của doanh nghiệp.
Ngay cả những người thu nhập cao, vốn được cho là sẽ không suy nghĩ nhiều khi mất thêm một khoản tiền đóng BHXH và bù lại sẽ được hưởng lương hưu, trợ cấp thất nghiệp cao hơn cũng lo lắng.
Anh Nguyễn Tuấn Anh - trưởng đại diện chi nhánh một ngân hàng, hiện có mức lương trên 15 triệu đồng/tháng - lo lắng việc công ty phải gánh thêm một khoản chi phí lớn sẽ phải cắt giảm nhân sự hoặc phải tiết giảm các khoản chi phí khác.
Tuy nhiên, theo anh Tuấn, cái được của việc quy định mức đóng tính trên cả tiền phụ cấp như vậy sẽ “siết” được một số đơn vị trốn thuế, kê khai tiền lương cơ bản quá ít.
Khổ cho doanh nghiệp có nhiều lao động
Bà Đặng Phương Dung - phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam - cho hay năm 2016 doanh nghiệp nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp sử dụng vài nghìn lao động như ngành dệt may, sẽ khó mà chống đỡ nổi khi thực hiện quy định mới về đóng BHXH, “có lẽ nhiều doanh nghiệp dệt may sẽ phải thu hẹp sản xuất vì không chịu nổi khi chi phí tăng thêm”.
Nêu khó khăn cụ thể của doanh nghiệp, bà Phạm Thị Phương Hoa - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Tổng công ty May Hưng Yên - cho biết ước tính năm tới doanh nghiệp sẽ phải chi thêm khoảng 5 tỉ đồng để thanh toán BHXH khi thực hiện theo chính sách mới.
“Năng suất lao động không tăng, giá sản phẩm dự báo sẽ ổn định mà phát sinh thêm chi phí thì đương nhiên doanh nghiệp sẽ phải cắt giảm lợi nhuận” - bà Hoa nói.
Bà Phạm Thị Phương Hoa cũng cho rằng: nói đóng BHXH cao để sau này về hưu được hưởng lương hưu cao chỉ đúng với những người có mức lương trên 10 triệu đồng/tháng. Vì những người có thu nhập cao hằng tháng có đóng thêm chút đỉnh cũng không ảnh hưởng gì nhiều đến chi tiêu của họ.
Nhưng với những công nhân, nhất là lao động ngành may, thu nhập chỉ vừa đủ ăn, nếu không nói là còn thấp - chỉ khoảng 5 triệu đồng/tháng - mà sắp tới mỗi tháng đóng 8%, tương ứng với 400.000 đồng là một gánh nặng.
Do đó, chính sách đóng BHXH mới không chỉ làm doanh nghiệp mà cho cả người lao động sẽ có những khó khăn trước mắt. “Nên chăng Nhà nước có lộ trình riêng với những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành dệt may, da giày... Nếu không chính sách tốt đẹp nhưng áp dụng không đúng lúc vô tình lại đẩy doanh nghiệp vào chỗ khó. Khi doanh nghiệp khó, ắt quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng” - bà Hoa nói.
Sẽ có lương hưu thật
Theo ông Nguyễn Minh Thảo - phó tổng giám đốc BHXH VN, thông thường các doanh nghiệp, cơ quan đang đóng BHXH cho cán bộ nhân viên theo lương cơ bản, trong khi mức thu nhập thực tế lại cao hơn lương cơ bản nhiều lần.
“Lấy ví dụ ở bệnh viện, lương cán bộ chỉ bằng 1/3 so với thu nhập, lương tăng thêm chiếm 2/3. Khi về hưu, lương hưu chỉ bằng tối đa 75% lương cơ bản, nên lương hưu rất thấp. Nếu đóng BHXH dựa trên thu nhập thực tế thì lương hưu mới là lương thật, còn hiện nay là lương ảo” - ông Thảo nói.
Theo Minh Phượng - Vũ Thủy - Lê Thanh - Lan Anh (Tuổi Trẻ)