Bạo hành gia đình - Vấn nạn xã hội ảnh hưởng xấu tới con trẻ

04/09/2019 08:20:00

Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra những vụ bạo hành gia đình, chồng đánh vợ dã man ngay trước mặt con cái, khiến nhiều người phẫn nộ về hành xử thiếu văn hóa của người đàn ông cũng như tác động xấu đến việc hình thành nhân cách của những đứa trẻ bên cạnh việc đe dọa đến sức khỏe, tính mạng con người...

Sự hèn hạ và tội bạo hành người khác

Chung cư CT1B, Thạch Bàn, quận Long Biên, thành phố Hà Nội, vào lúc 18h30 ngày 26.8, một người phụ nữ đang bế con nhỏ bị chồng bạo hành, đấm đá túi bụi. Khi người phụ nữ chỉ biết chịu trận, ôm chặt đứa con vào lòng, người chồng vẫn không dừng lại, liên tục chỉ tay và lao vào đánh. Người phụ nữ trong clip là chị Vũ T.T.L. (SN 1992) bị chồng là Ng.X.V. (1987) bạo hành. Trước đó, ngày 21.8, một đoạn clip ghi lại cảnh anh N.V.L (trú tại phường Phùng Chí Kiên, TP.Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn) lao vào đánh vợ lúc đang bế con nhỏ sau khi lan truyền trên mạng xã hội khiến nhiều người phẫn nộ.

Trao đổi với Lao Động, Ths Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, việc người đàn ông đánh vợ ở trong tư thế vợ đang bế con còn nhỏ, không có khả năng tự vệ là hành động rất phản cảm, vi phạm nghiêm trọng về đạo đức và pháp luật. Hành động này rất đáng lên án và cần phải xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Theo luật sư Cường, dưới góc độ pháp lý, hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi, tùy thuộc vào yếu tố lỗi và hậu quả... xảy ra mà người xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người khác có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bạo hành gia đình - Vấn nạn xã hội ảnh hưởng xấu tới con trẻ

“Nếu thương tích của người phụ nữ trong trường hợp này từ 11% trở lên hoặc người đàn ông này đã từng bị xử phạt hành chính, từng bị kết án về hành vi cố ý gây thương tích chưa được xoá án tích hoặc thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2, điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì Cơ quan công an sẽ vào cuộc khởi tố vụ án, khởi tố bị can, người đàn ông này sẽ bị xử lý hình sự kể cả trong trường hợp người bị hại không có đơn yêu cầu xử lý.

Trong trường hợp người bị hại không có đơn yêu cầu xem xét thì cơ quan công an vẫn có thể xử phạt hành chính theo điểm E, khoản 3, Điều 5, Nghị định 167/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội, mức phạt có thể 2 - 3 triệu đồng” - luật sư Đặng Văn Cường dẫn luật.

Cũng theo luật sư, hành vi qua clip là có dấu hiệu của tội hành hạ người khác. Theo quy định tại điều 140 Bộ luật Hình sự hoặc tội cố ý gây thương tích theo quy định tại điều 134 Bộ luật Hình sự thì những trường hợp vi phạm bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Còn người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 11% - 30% hoặc dưới 11% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Tác động xấu tới sự phát triển của trẻ nhỏ

Bà Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - nhận định: “Các nghiên cứu đã chứng minh được mối liên hệ giữa việc trẻ em phải chứng kiến bạo lực thì lớn lên có những hành vi bạo lực hoặc chấp nhận bạo lực. Người lớn không tự kiềm chế, có hành vi bạo lực trước mặt cháu nhỏ là hành vi rất xấu”.

Ngoài ra, bà Khuất Thu Hồng cũng cho biết, “Tôi thấy rất buồn khi chính con em họ phải chứng kiến những hành vi bạo lực nghiêm trọng. Những trường hợp này cần xã hội, dư luận lên tiếng mạnh mẽ để trẻ em không phải chứng kiến những điều tồi tệ như vậy”.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội - cho rằng, trong giáo dục, người lớn là tấm gương cho trẻ noi theo. Bố mẹ cư xử như thế nào dễ dàng ảnh hưởng đến thái độ và hành vi của con trẻ như vậy. Theo chuyên gia này, việc xuất hiện bạo lực trong gia đình hay hành vi ứng xử không chuẩn mực của người thân ngoài xã hội, trẻ em sẽ bị ảnh hưởng. Hơn nữa, đứa trẻ sẽ mang tính cách, hành vi này đến trường, lớp và giao tiếp trong cuộc sống.

Để đẩy lùi tình trạng trên, ông Nguyễn Tùng Lâm đưa ra lời khuyên: “Phụ huynh đừng nghĩ chuyện thoả mãn thói quen xấu, làm theo bản năng, mà phải nghĩ đến tác hại của nó. Bố mẹ nào cũng muốn kỳ vọng vào con, trước hết, bố mẹ phải giáo dục con cái một cách chuẩn mực trong môi trường gia đình. Nếu tình trạng trên kéo dài sẽ ảnh hưởng xấu đến những đứa trẻ, đặc biệt là về suy nghĩ và tính cách”.

Theo Phạm Đông - Anh Thư (Lao Động)