Không có hồ bơi, lại ít sân chơi, nên cứ vào mùa khô, nhất là dịp nghỉ hè, học sinh lại kéo nhau ra tắm ở các sông suối, ao hồ.
Ao nước nơi 3 cháu nhỏ Ksor Lực, Puih Khưn và Puih Phơn ở xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai bị đuối nước. |
Ông Rơ Com Hunh, bác ruột của hai cháu Puih Khưn và Puih Phơn ngậm ngùi: "Gia đình chúng tôi rất buồn, nhưng cũng rất ân hận vì đã không nhắc nhở các cháu về sự nguy hiểm của những cái ao mới đào trong làng. Nhìn chúng tưởng nông nhưng thực ra rất sâu, rất nguy hiểm vì các cháu đều không biết bơi. Sau vụ việc này, chúng tôi phải nhắc nhở con cháu kỹ hơn và đặc biệt là phải yêu cầu những hộ đào ao phải làm hàng rào xung quanh, không cho trẻ em trong làng vào bơi để tránh nguy hiểm”.
Đây không phải lần đầu làng Blang 1 chứng kiến nỗi đau tang tóc vì đuối nước. Chỉ cách đây hơn một năm, mùa khô năm 2013, dân làng cũng từng bàng hoàng, xót xa trước một vụ đuối nước tương tự, khiến 3 cháu nhỏ tử vong trong chiếc ao làng. Còn đối với xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, đây là năm thứ 3 liên tiếp xảy ra những vụ đuối nước thương tâm với 8 cháu nhỏ tử vong.
Sự chủ quan của các bậc phụ huynh, tình trạng trẻ em thiếu kỹ năng phòng chống đuối nước, cùng với tình trạng kém an toàn ở các công trình ao hồ, được xác định là nguyên nhân chính dẫn đến những vụ đuối nước thương tâm ở xã Ia Dêr.
Ông Puih Alốt, cán bộ Y tế xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai cho biết: “Mấy năm nay liên tục năm nào cũng có mấy cháu chết do tắm ao do người ta đào để lấy nước tưới café. Tôi đã tuyên truyền để bà con phải cẩn thận trong việc nhắc nhở, chăm sóc, quản lý con cái những khi phải đi làm rẫy nương xa xôi; phải rào xung quanh các ao hồ băng lưới hoặc bằng lồ ô để ngăn không cho trẻ em vào tắm”.
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai, chỉ vài năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra hàng chục vụ đuối nước, khiến 35 trẻ em tử vong. Hầu hết các vụ đuối nước xảy ra vào mùa khô, dịp học sinh nghỉ hè, rủ nhau đi tắm ở ao hồ, sông suối. Mặc dù, hàng năm, các ngành chức năng ở tỉnh Gia Lai đều có chương trình phòng chống đuối nước cho trẻ em, nhưng rất ít hoạt động thực tế.
Trên địa bàn tỉnh chưa có hồ bơi của nhà nước, mới chỉ có một vài hồ bơi do tư nhân tự mở ở thành phố Pleiku. Do đó, việc tập huấn kỹ năng bơi cho trẻ em gặp nhiều khó khăn; một số tổ chức đoàn thể, trường học cũng chỉ hướng dẫn cho trẻ bơi trên cạn!
Ông Nguyễn Ngọc Hải - Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội tỉnh Gia Lai cho biết: “Hiện nay trên địa bàn tỉnh không có cơ sở dạy bơi cho trẻ em. Còn bộ môn bơi của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch trong các năm qua cũng bỏ không có trong các chương trình giảng dạy. Đây là điều trăn trở của các sở ngành, đặc biệt là Sở Lao động Thương binh Xã hội. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo sở, cũng như phối hợp với các ngành tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động cụ thể hơn, thiết thực hơn nhằm giúp cho các em có được nhận thức để phòng tránh đuối nước, đặc biệt là trong dịp hè sắp đến”.