Báo động, Cà Mau nợ lương giáo viên như… "chúa chổm"

23/04/2016 10:39:15

UBND tỉnh Cà Mau vừa có công văn “hỏa tốc” gửi các huyện, thành, yêu cầu báo cáo tình hình nợ lương và chế độ của giáo viên do các địa phương quản lý.

Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2015 trở về trước, ngành giáo dục Cà Mau đã xảy tình nợ lương và các chế độ phụ cấp của giáo viên là khá lớn, không chỉ đối với những giáo viên còn đương chức mà nhiều giáo viên đã nghỉ việc hoặc về hưu vẫn… bị nợ.
 

Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Thới Bình thừa nhận, đã tạm ứng 17 tỷ đồng để giải quyết khó khăn cho ngành giáo dục huyện

Tiếp xúc với chúng tôi, thầy Võ Thanh Giang (nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Bào Nhàn, xã Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình) cho biết, ông về hưu năm 2014 nhưng cho đến nay ngành giáo dục vẫn còn nợ chế độ đối với ông. “Việc ngành giáo dục nợ chính sách đã khiến nhiều giáo viên gặp không ít khó khăn. Tôi không đòi hỏi gì chỉ yêu cầu những gì quy định cho phép giáo viên được hưởng thì tôi mong sớm được chi trả đầy đủ”, thầy Giang chua xót nói.

Bà N., nữ giáo viên đã nghỉ hưu ở huyện Thới Binh (Cà Mau) cho biết, bà nghỉ hưu từ cuối năm 2010, nhưng đến nay ngành giáo dục huyện Thới Bình vẫn còn nợ tiền phụ cấp theo chương trình 135. “Tôi dạy ở địa bàn vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, được hưởng phụ cấp của chương trình 135 (giai đoạn từ 2006 đến 2010 - PV). Theo quy định số tiền trợ cấp của tôi là 60 tháng lương, nhưng từ khi tôi dạy và đến ngày về hưu chỉ được hưởng có 29 tháng. Sau đó có nhận thêm được một phần nhưng cho đến nay tôi vẫn còn bị nợ…”, vị giáo viên trình bày.
 

Thầy Võ Thanh Giang tuy nghĩ hưu đã nhiều năm nhưng đến thời điểm hiện tại ông vẫn chưa nhận được tiền chính sách

Một Hiệu trưởng của trường tiểu học khác ở huyện Thới Bình (xin giấu tên) cũng cho PV Người Đưa tin biết thêm, đến thời điểm hiện tại, trường của vị này vẫn còn nhiều giáo viên bị nợ trợ cấp theo chương trình 135, có giáo viên bị nợ đến hàng chục tháng và nhiều thầy cô giáo vẫn còn bị tiền nợ chế độ thâm niêm...

Một diễn biến khác, cách nay không lâu, UBND huyện Thới Bình đã tổ chức cuộc hợp và thông tin chính về vấn đề nơ nần trong ngành giáo dục của huyện. Tại buổi hợp, ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBND huyện Thới Bình thông báo, ông đã ký tờ trình gởi UBND tỉnh Cà Mau xin tạm ứng hơn 17 tỉ đồng để chi trả các khoản nợ sự nghiệp giáo dục.

“Rất may mắn là hàng năm huyện đảm bảo được trả lương hàng tháng, hiện nay còn nợ chính sách thôi. Nợ này là trong thời gian dài chứ không phải mới. Thời gian qua, chính vì báo cáo không kịp thời nên dẫn đến hậu quả dẫn đến nhiều giáo viên dạy đến 7 nhưng chưa được tuyển dụng…”, ông Dũng nói.

Không phải chỉ có huyện Thới Bình, mà một số địa phương khác của tỉnh Cà Mau cũng trong tình trạng nợ nần. Cụ thể, để giải quyết tình trạng nợ giáo viên, đầu tháng 3/2016, ông Trịnh Văn Ngọt - Phó chủ tịch UBND huyện U Minh đã ký công văn trình UBND và Sở Tài chính tỉnh Cà Mau xin chủ trương thanh toán lương cho 127 giáo viên hợp đồng và được được thống nhất xuất kinh phí sự nghiệp giáo dục chi trả cho các giao viên nói trên.

Tuy nhiên, nguồn tin riêng của PV cho biết, đến thời điểm hiện tại, huyện U Minh vẫn còn nợ tiền phụ cấp, chế độ giáo viên từ năm 2015 về trước với số tiền không nhỏ…
 

Nợ nần và hoang phí

Tình hình nợ nần thiếu hụt ngân sách trở thành “chuyện thường ngày ở huyện” khi có dấu hiệu leo thang tại các tỉnh cuối vùng trời tổ quốc.

Như chúng tôi thông tin trước đó, cuối năm 2015, ngân sách UBND TP. Cà Mau bị mất cân đối nghiêm trọng, dẫn đến nợ bảo hiểm, nợ tiền xây dựng cơ bản, nợ Công ty TNHH Một thành viên Môi trường đô thị Cà Mau…, với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.

Để TP. Cà Mau giải quyết khó khăn về vấn đề tiền bạc, UBND tỉnh Cà Mau đã thống nhất cho TP. Cà Mau tạm ứng 15 tỉ đồng nhằm thực hiện nhiệm vụ chi cấp thiết, đồng thời ra điều kiện là phải trả trước năm 2015. Tuy nhiên, đã quá thời hạn nhưng UBND TP Cà Mau vẫn không có tiền. Theo đó, địa phương này phải ứng trước ngân sách để “trả nợ” cho tỉnh như nói trên.

Trong khi đó, ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu cũng trong tình trạng nợ lương giáo viên nhưng đã hào phóng in sách kỉ yếu “tự sướng”. Ngày 12/4, báo Điện tử Người Đưa tin phản ánh bài: Nợ lương, ngành giáo dục Bạc Liêu chi tiền tỷ in sách...'tự sướng'.

Theo đó, ấn phẩm “Ngành giáo dục đào tạo Bạc Liêu - chặng đường 20 niên học” đã được ra đời, 600 trang, do Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Trác Văn Đây làm chủ biên và cùng đứng tên biên tập, biên soạn với tác giả Lê Sang. Sách do Công ty TNHH truyền thông Sang Lê (TP.HCM) phát hành. Nội dung cuốn sách này là những bài giới thiệu của những vị trưởng phòng, hiệu trưởng trên 200 trường học trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và các phòng GD-ĐT trên địa bàn. Phí thu từ những bài viết này (vài chục triệu đồng/bài) đã gom về cho sự hợp tác của ngành giáo dục tỉnh và công ty Sang Lê cả tỷ đồng.

Trước sự béo bở của dự án trên, ngành giáo dục tỉnh Bạc Liêu lại định tiếp tục thực hiện tiếp quyển sách “Chân dung nhà quản lý” thì vấp phải sự phản ứng từ các khổ chủ. Tuy nhiên, công ty Sang Lê cũng đã kịp thu một số trường được khoản tiền vì sức ép từ cấp trên. Song vụ việc đến nay, UBND tỉnh Bạc Liệu vẫn chưa có kết quả thanh kiểm tra để trả lời báo chí.

 
>> Cà Mau nợ 300 tỷ, không còn tiền trả lương cho công chức

Theo Nguyễn Linh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật