Sáng nay (8-8), ông Phạm Minh Chính, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, dẫn đầu đoàn lãnh đạo trung ương và Thanh Hóa đã vượt qua sông Luồng, đi bộ vào vùng tâm lũ Sa Ná (Na Mèo, Quan Sơn), nơi bị lũ làm 24 ngôi nhà trôi sập hoàn toàn, hai người chết, tám người mất tích và nhiều người bị thương.
Dành phút mặc niệm chia sẻ với Sa Ná
Trong quãng đường đi bộ xuyên qua rừng vào bản Sa Ná, ông Chính đã có nhiều cuộc trò chuyện chia sẻ với người dân, đồng bào nơi đây, hỏi thăm các tổ chức, các đoàn thiện nguyện tại nơi vùng tâm lũ đã vào giúp đỡ người dân trong cơn hoạn nạn.
Ông Chính cũng chia sẻ nỗi đau với gia đình anh Hà Văn Vân (29 tuổi) có sáu người trong gia đình bị lũ cuốn mất tích (đã tìm được cháu nhỏ 10 tuổi Hà Văn Quỳnh).
Trưởng ban Tổ chức Trung ương cùng nhiều lãnh đạo trung ương và địa phương dành một phút mặc niệm, chia sẻ nỗi đau mất mát với người dân bản Sa Ná. Ông bày tỏ sự cảm động với các tập thể, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và các đoàn thiện nguyện từ mọi miền Tổ quốc đã đến chia sẻ với người dân Sa Ná và tỉnh Thanh Hóa nói chung trong đợt lũ vừa qua.
Ông cũng cám ơn đến các cơ quan thông tấn báo chí trong những ngày qua không quản khó khăn, gian khổ đến đưa tin về tình hình lũ lụt và công tác khắc phục hậu quả.
Không để học sinh vùng lũ thất học
Tại buổi làm việc với lãnh đạo địa phương, tỉnh Thanh Hóa, ông yêu cầu chính quyền địa phương và các lực lượng vũ trang khẩn trương bằng mọi cách tìm kiếm người mất tích và lo hậu sự cho những gia đình có người chết, đặc biệt là tại Sa Ná. "Đối với những hộ gia đình bị mất nhà sẽ được trung ương, địa phương hỗ trợ 300 triệu đồng/nhà" - ông nói.
Ông cũng yêu cầu chậm nhất trong cuối tháng 8 và đầu tháng 9 phải xây dựng lại trường tiểu học ở Sa Ná để các cháu kịp đến trường trong dịp khai giảng, không được để các cháu thất học hoặc không được đến trường.
"Nhanh chóng khôi phục lại sản xuất, cơ sở hạ tầng giao thông thủy lợi, ruộng đồng, đồng thời phải sử dụng tiền viện trợ, hỗ trợ được nghiên cứu một cách hợp lý, tổ chức có trật tự khoa học, trên cơ sở phân phối lại cho công bằng, không để ai bị thiệt thòi” - ông nói.
Ngoài ra, ông Chính cũng yêu cầu địa phương nghiên cứu rút kinh nghiệm, tránh để xảy ra những trường hợp tương tự như cơn lũ vừa qua. “Đồng thời tôn vinh những người không sợ hy sinh, xử lý phê bình những người thiếu trách nhiệm, vô cảm với nhân dân mà đây là việc phải làm” - ông Chính khẳng định.
Buổi làm việc của ông Chính kéo dài đến gần 2 giờ chiều cùng ngày với chính quyền. Ngay sau đó các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân... đã trao số tiền hỗ trợ cho người dân của tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là hai huyện Quan Sơn và Mường Lát với số tiền 31 tỉ đồng để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Thanh Hóa đề nghị trung ương hỗ trợ 400 tỉ đồng
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đề nghị trung ương tiếp tục hỗ trợ 400 tỉ đồng xây dựng các khu tái định cư, nhà ở cho người dân, trường học, hạ tầng thủy lợi, giao thông sau khi tỉnh này bị ảnh hưởng lũ lụt nghiêm trọng trong hai năm 2018 và 2019, trong đó năm 2018 bị thiệt hại nặng nề với số tiền hơn 2.700 tỉ đồng và năm 2019 là hơn 700 tỉ đồng; đồng thời tiếp tục hỗ trợ 500 tấn gạo cứu đói cho các vùng bị ảnh hưởng lũ lụt từ năm 2018 đến 2019.
Trận lũ lịch sử vừa qua, riêng tại huyện Quan Sơn theo ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn, đây là trận lũ lớn nhất trên địa bàn huyện Quan Sơn từ trước đến nay, khiến năm người chết, năm người bị thương và còn mất tích tám người.
Mưa lũ cũng khiến 45 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 26 ngôi nhà bị trôi theo lũ, năm trường tiểu học bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là trường tiểu học bản Son.
Theo Đặng Trung (Pháp Luật TP HCM)