Bản tin sáng 8/2: 3.789 người nhập viện vì đánh nhau trong 7 ngày đầu năm

08/02/2022 08:10:55

Trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, cả nước có 3.789 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 1,7% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện.

Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế vừa có báo cáo về công tác khám cấp cứu trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (từ 29 Tết đến mùng 7 tháng Giêng (tương đương đến hết mùng 7/2). Trong đó, cả nước có 3.789 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 1,7% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 45% trong số đó (1.815 ca) phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 11 trường hợp tử vong. So với năm ngoái, số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau giảm 26,4%; số ca tai nạn do đánh nhau phải nhập viện giảm 19,3%... Cũng trong 7 ngày qua có 341 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại nhưng không có ca tử vong.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, từ đêm 8/2, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa trời rét đậm. Nhiệt độ thấp nhất phổ biến 11-14 độ C, vùng núi 7-10 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 5 độ C và có khả năng xảy ra băng giá, mưa tuyết. Từ ngày 8-9/2, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa nhỏ; khu vực vùng núi, trung du Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại. Các tỉnh Trung Bộ, phía Bắc nhiều mây, có mưa và mưa nhỏ; phía Nam có mây, có mưa vài nơi, trưa chiều trời nắng. Tây Nguyên và Nam Bộ có mây, ngày nắng, chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi.

Bộ GTVT vừa báo cáo Thủ tướng tiến độ triển khai hệ thống thu phí đường bộ theo hình thức điện tử không dừng (ETC - Electronic Toll Collection) trên cả nước. Đến nay, cả nước có khoảng 2,4 triệu ôtô đăng ký dịch vụ ETC, tương đương hơn 50% tổng số ôtô lưu hành. Trước yêu cầu đạt tối thiểu 90% ôtô được dán thẻ ETC vào tháng 6/2022 của Thủ tướng, Bộ GTVT cho biết nhiệm vụ trên rất khó khả thi. Nhiều chủ phương tiện không có nhu cầu dán thẻ do chỉ di chuyển trong thành phố, ở vùng không có trạm thu phí hoặc ít đi qua trạm. Hiện, cả nước có 113 trạm thu phí được lắp đặt công nghệ ETC. Trong đó, 63 trạm lắp đặt ETC tại 100% làn thu phí (chỉ còn một làn hỗn hợp).

Trong cuộc họp ngày 7/2, ông Đặng Quốc Toàn, Chánh văn phòng UBND TPHCM, cho biết, trong dịp Tết vừa qua, TPHCM đã tổ chức các hoạt động chăm lo Tết Nhâm Dần 2022 cho người dân với tổng kinh phí hơn 1.062 tỷ đồng, tăng hơn 136 tỷ đồng so với Tết Tân Sửu 2021. Nguồn kinh phí xã hội hóa chăm lo Tết đã vận động hơn 219 tỷ đồng (tăng hơn 79 tỷ đồng so năm 2021). Cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực chi trả lương thưởng với mức bình quân là 8,88 triệu đồng/người, cao hơn 0,8% so với Tết Tân Sửu 2021.

Sở Y tế Hà Nội thông báo từ 18h ngày 6/2 đến 18h ngày 7/2, thành phố ghi nhận 2.988 ca mắc COVID-19, trong đó có 717 ca cộng đồng. Ca mắc mới tại 425 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (184); Đống Đa (156); Chương Mỹ (152); Hà Đông (151); Đông Anh (148)… Như vậy, số ca mắc COVID-19 tính từ khi Hà Nội áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 (ngày 24/7) đến nay là 144.505 ca. Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021): 154.170 ca.

Ngày 7/2, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.815 ca nhiễm mới với 6 ca nhập cảnh và 16.809 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.704 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố. Trong số bệnh nhân mới có 11.147 ca trong cộng đồng. Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 2.358.786 ca nhiễm. Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 9.665 ca. Tổng số ca được điều trị khỏi: 2.122.380 ca. Từ 17h30 ngày 6/2 đến 17h30 ngày 7/2 ghi nhận 100 ca tử vong. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.424 ca.

Chiều 7/2, ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sở đã triển khai từng bước cho học sinh trên toàn thành phố đi học trở lại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT và Thành ủy Hà Nội. Cụ thể, học sinh lớp 7 đến 12 đi học từ ngày 8/2. Học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 tại 18 huyện, thị xã ngoại thành đi học trực tiếp từ ngày 10/2. Sở dĩ học sinh lớp 1 đến lớp 6 ở địa bàn này đi học trước là vì tình hình dịch ở đó diễn biến theo chiều hướng tích cực. Ngoài ra, đa số học sinh ở phường, xã nào đi học ở trường thuộc địa bàn đó. Trong khi, tại 12 quận nội thành, học sinh thường cư trú ở nhiều địa bàn khác nhau.

Theo Tú Oanh (Tiền Phong)