Những ngày qua, trên các diễn đàn giáo dục có tranh luận xung quanh bài thơ ‘Tiếng hạt nảy mầm’ của nhà thơ Tô Hà, được in trong sách Tiếng Việt lớp 5 thuộc bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống.
Trên trang fanpage có hơn 300 nghìn lượt theo dõi, một bài viết đặt vấn đề về bài thơ, cho rằng ngôn ngữ bài thơ chứa những từ ghép lạ lẫm, không phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học.
Các ý kiến còn tập trung vào việc cho rằng từ ngữ và hình ảnh trong thơ khó hiểu. Bài viết thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác, bình luận.
Bên cạnh ý kiến chê, nhiều người khẳng định đây là bài thơ hay, ý nghĩa, giàu nhạc điệu, hình ảnh sống động…
GS.TS Lê Phương Nga, giảng viên cao cấp Trường ĐHSP Hà Nội, chuyên gia nghiên cứu dạy học Tiếng Việt ở tiểu học cũng khẳng định ‘Tiếng hạt nảy mầm' là bài thơ hay và “rất thơ”. Trước đó, bà như bắt được “vàng” khi tiếp cận văn bản bài thơ.
"Đây là một văn bản thơ với đặc trưng tiêu biểu của hình thức/nghệ thuật thơ: Có những từ được “lạ hóa" chỉ dùng trong thơ văn, có cách nói hàm ẩn và biểu đạt ý bằng hình ảnh là cách nói đặc trưng của thơ văn”, GS.TS Lê Phương Nga chia sẻ.
Cũng theo GS.TS Lê Phương Nga, cảm thụ văn học là quá trình tiếp nhận, hiểu, cảm được văn chương, tính hình tượng của văn chương, đặc trưng ngôn ngữ nghệ thuật, đặc trưng phản ánh nghệ thuật của văn chương. Kỹ năng cảm thụ văn học của học sinh được hình thành chủ yếu trong giờ tập đọc. Các bài tập cảm thụ văn học yêu cầu học sinh phát hiện ra tín hiệu văn chương, giải mã các tín hiệu văn chương, đánh giá các giá trị của các tín hiệu này trong việc biểu đạt nội dung.
“Để rèn kỹ năng cảm thụ văn học, kỹ năng đọc hiểu văn bản văn chương cho học sinh tiểu học, trước hết cần phải có vật liệu mẫu – những câu thơ, bài thơ, đoạn văn, bài văn đích thực. Chính vì vậy, các tác giả SGK đã bỏ ra rất nhiều công sức để chọn văn bản dạy đọc - chọn bài tập đọc. Chính vì vậy, chất “văn” trở thành một trong những căn cứ hàng đầu để xem xét, đánh giá SGK dạy tiếng mẹ đẻ”, GS.TS Lê Phương Nga chia sẻ.
Trước băn khoăn của một số người cho rằng, nội dung, ý nghĩa của bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” liệu có quá sức với học sinh lớp 5? Là chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo giáo viên tiểu học, bà Lê Phương Nga cho rằng, bài thơ vừa sức với học sinh lớp 5 và vừa sức với việc dạy học của giáo viên tiểu học. Theo nguyên tắc giáo viên chỉ được yêu cầu học sinh làm những gì mà chính giáo viên làm được. Bà Nga đã chứng minh nhận định này của mình bằng cách mô tả quy trình dạy bài thơ này ở trường sư phạm đào tạo giáo viên tiểu học và bước đầu minh chứng bằng bài làm của học sinh tiểu học.
Trong quá trình xây dựng bộ tài liệu “Bài tập Tiếng Việt (cơ bản và nâng cao) do chính GS.TS Lê Phương Nga chủ biên, nhóm tác giả đã có khảo sát với những yêu cầu dành cho cả giảng viên đang giảng dạy phương pháp dạy học tiếng Việt ở bậc đại học, giáo viên đang dạy ở bậc tiểu học.
“Nhiều bạn đã chọn bài thơ Tiếng hạt nảy mầm, chứng tỏ bài thơ tạo hứng thú cho giáo viên, và viết được những đoạn khá hay làm đáp án mong đợi”, bà Nga cho biết.
Riêng đối với học sinh, GS.TS Lê Phương Nga đã có thử nghiệm các dạng bài tập liên quan đến bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” với một số học sinh tiểu học đang học lớp 4, 5 giỏi Toán, tiếng Anh nhưng có học lực môn tiếng Việt trung bình thì các em đều làm được. Một số đoạn văn do học sinh viết đã được biên tập đưa vào sách tham khảo.
Ngoài ra, GS.TS Lê Phương Nga cũng có thử nghiệm ở phạm vi rộng hơn đối với các em học sinh ở CLB ‘Cây bút nhí’ và đều có được kết quả tích cực về khả năng hiểu và cảm thụ văn bản bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm”.
Nhân đây, GS.TS Lê Phương Nga cũng đặt vấn đề với các chuyên gia, giáo viên đang làm ở các trung tâm dành cho trẻ có khó khăn, chúng ta sẽ đưa kĩ thuật giảm khó để giảng dạy bài “Tiếng hạt nảy mầm” cho các em, đặc biệt các em khiếm thính như thế nào để mọi người thấy được phương pháp dạy học không chỉ chuyên nghiệp mà còn rất nhân ái vì nó tạo thành công cho tất cả học sinh, dẫu các em đó có rất nhiều hạn chế, khó khăn.
Bài thơ “Tiếng hạt nảy mầm” của tác giả Tô Hà là bài số 5 trong tuần 3 của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống. Đối với bài thơ này, học sinh sẽ thực hiện yêu cầu tham gia trò chơi "nghe từ ngữ, đoán âm thanh".
Cụ thể, đề bài ra sau phần yêu cầu chơi trò chơi với cách chơi: Một bạn nêu từ ngữ chỉ âm thanh, một bạn đoán đó là âm thanh của sự vật, hiện tượng nào: tí tách - tiếng mưa rơi, để trả lời cho câu hỏi: chi tiết nào giúp em nhận ra đây là lớp học của trẻ khiếm thính (mất khả năng nghe và nghe kém)? Theo em, những khó khăn, thiệt thòi của các bạn học sinh trong bài thơ là gì? Cô giáo đã gợi lên trong tâm trí học trò những hình ảnh và âm thanh nào của cuộc sống?...
Nhà thơ Tô Hà tên thật là Lê Duy Chiểu (1939-1991), từng là Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông đã xuất bản một số tập thơ Hương cỏ mặt trời (1978), Thành phố có ngôi nhà của mình (1988), Sóng giữa lòng tay (1990).
Theo Bá Duy (Vov.vn)
https://vov.vn/xa-hoi/bai-tho-tieng-hat-nay-mam-hoan-toan-vua-suc-voi-hoc-sinh-lop-5-post1126624.vov